Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theo điểm nhìn bên ngoà

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 55)

nhìn bên trong và phức hợp nhiều điểm nhìn

a. Truyện ngắn Nam Cao với chủ thể trần thuật ngôi thứ 3 theođiểm nhìn bên ngoài điểm nhìn bên ngoài

Những truyện ngắn tiêu biểu cho dạng trần thuật này là: Nghèo; Con mèo; Đôi móng giò; Làm tổ; Thôi, đi về; Mua danh; Ở hiền; Rửa hờn; Rình trộm; Lang rận; Nửa đêm...

Trong truyện Nghèo, tác giả không tham gia trực tiếp vào câu chuyện, người kể ẩn tàng đứng ngoài thuật lại một lát cắt trong cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn của gia đình anh đĩ Chuột. Cái nghèo khổ, đói rách hiện lên mồn một trong bữa cháo cám nghẹn ứ nơi cổ họng mấy đứa con đang đói lả. Cả gia đình túng quẫn, bế tắc không lối thoát. Bản thân anh đĩ Chuột bệnh tật cả tháng trời và vì đói khát, vì sợ là gánh nặng cho vợ và mấy đứa con nhất là khi nghe người đòi nợ the thé ngoài đầu ngõ anh đã thắt cổ tự tử. Ở đây, người trần thuật không bày tỏ cảm xúc, đánh giá của mình mà chỉ khách quan miêu tả qua những đoạn đối thoại của cha con anh đĩ Chuột.

Trong truyện ngắn Ở hiền, người trần thuật không phải là hoàn toàn khách quan đứng bên ngoài để kể mà đã có lúc hòa nhập vào với suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật để bộc lộ tâm trạng của mình. Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn là chủ thể vô nhân xưng kể chuyện. Cả cuộc đời “khổ từ trong trứng khổ ra” của Nhu được kể lại một cách tự nhiên qua mối quan hệ với gia đình mình, với người chồng khốn nạn và với cả con vợ lẽ của chồng. Chủ thể trần thuật chứng kiến tất cả, bình thản thuật kể và đôi lúc kết hợp với tả để tái hiện một cách đau xót cuộc đời của Nhu - một con người nhẫn nhục đến thành nhu nhược chấp nhận “sống như một con vú” trong chính ngôi nhà của mình.

Ở mảng truyện kể có những tình huống nực cười, chủ thể trần thuật ẩn mình cứ vô tư kể một cách “hồn nhiên” những tình huống “cười ra nước mắt” của các nhân vật trong truyện.

Rình trộm là một tác phẩm có tình huống truyện hết sức đáng cười. Chủ

thể trần thuật đã đứng ngoài để kể lại tỉ mỉ cảnh ngộ gây cười khi gia đình anh Tẻ bị mất ba buồng chuối tiêu và anh chồng quyết tâm rình bắt bằng được tên trộm đó. Nhưng cuối cùng, khi anh đi rình bắt trộm ở ngoài đê thì chính nhà anh lại bị mất sạch. Đây là đoạn đối thoại giữa hai vợ chồng:

Mất sạch rồi! Mất sạch rồi! Chó ! Chó ! Chó!...

Rồi anh lại chui ra. Mặt mũi, mình mẩy lấm lem anh lại đứng ngoẹo đầu nhìn.Rồi anh lại chui vào. Rồi anh lại chui ra. Chị vợ đang điếng người đi cũng phải bật cười:

- Ô hay, điên đấy à?

…Chẳng điên cuồng gì cả! Đêm nay tôi sẽ đào ngạch chui vào buồng nhà nó có cái gì lấy tất. Một cái chổi cùn tôi cũng không để nhé! À! Láo thật! Chuột lại cứ đòi gậm chân mèo à?”

Trong những truyện có nhân vật xấu xí, dị hình, dị dạng, Nam Cao thường miêu tả bằng một giọng điệu tưởng như khá lạnh lùng.

Lang rận được kể bởi chủ thể trần thuật vô nhân xưng với điểm nhìn hoàn toàn khách quan. Việc miêu tả diện mạo ông lang Rận và mụ Lợi như một sự vụng về của tạo hóa qua lời kể tỉ mỉ của chủ thể trần thuật và qua cái nhìn của bà Cựu cho thấy chủ thể trần thuật đã đẩy nhân vật về phía bạn đọc mà không có bất cứ một bình giá, nhận xét nào. Đây là những dòng Nam Cao miêu tả mụ Lợi “Mụ béo trục béo tròn, mặt rỗ như tổ ong bầu, mắt trắng, môi thâm, má đen như thằng quỷ”. Và đây là chân dung về lang Rận “Anh chàng có cái mặt trông dơ dáng thật. Mặt gì mà nặng trình trịch như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lê, bịt gần kín hai lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng lúc anh ta cười, toàn bằng hơi thở, thoát ra khìn khịt”. Dường như Nam Cao cố gắng dụng công để tạo ra một cặp đôi phù hợp về cả ngoại hình, tính cách và nguồn gốc. Nói đến cái chết do thắt cổ tự tử của lang Rận khi bị chủ phát hiện dan díu với mụ Lợi, chủ thể trần thuật đã kể lại một cách bình thản thậm chí có phần dửng dưng “Cái mặt ông, đọng máu sưng lên bằng cái thớt. Cái đầu ông ngoẹo xuống, như đầu một thằng bé khi nó dỗi. Trông thật là thiểu não. Nhưng không ai kịp ái ngại cho ông cả.”

Ở đây, chủ thể trần thuật luôn tạo ra những khoảng cách nhất định đối với nhân vật khi thuật kể. Vì thế, người đọc phải tự khám phá ra phần chìm của “tảng băng trôi” mà truyện kể đem lại. Chính dạng thức trần thuật này đã qui định ngôn ngữ và giọng kể lạnh lùng trong truyện ngắn Nam Cao.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 55)