Nhận xét đặc điểm sử dụng một số kiểu câu của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 114)

Chương 3: So Sánh đặc điểm sử dụng giọng điệu trần thuật và cách sử dụng một số kiểu câu giàu sắc thá

3.2.3.Nhận xét đặc điểm sử dụng một số kiểu câu của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao

Hoan và Nam Cao

Có thể nói, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều sử dụng một số lượng lớn các kiểu câu: câu đặc biệt, câu tỉnh lược và câu tách biệt trong tác phẩm. Qua khảo sát, chúng tôi thu được kết quả như sau:

Loại câu Tổng số câu Tỉ lệ %

Câu đặc biệt 248 40%

Câu tỉnh lược 337 54.4%

Câu dưới bậc 35 5.6%

Tổng số 620 100%

Từ bảng khảo sát trên, chúng tôi tiến hành phân chia ba kiểu câu của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao như sau:

Loại câu / tổng số Nguyễn Công Hoan Nam Cao Câu đặc biệt (248) 145 (58.5%) 103 (41.5%) Câu tỉnh lược (337) 159 (47.2%) 178 (52.8%) Câu dưới bậc (35) 12 (34.3%) 23 (65.7%)

Chỉ thống kê các truyện ngắn của hai tác giả trước cách mạng tháng 8 – 1945, chúng tôi đã thu được 620 mẫu câu thuộc về biện pháp tu từ cú pháp. Điều này đã góp phần chứng minh Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là hai cây bút lớn có sức sáng tạo mạnh mẽ trong cách sử dụng các kiểu câu giàu màu sắc phong cách. Đồng thời đó cũng là yếu tố làm nên đặc điểm phong cách trong sử dụng ngôn ngữ của hai tác giả.

Trong số các câu trên, câu tỉnh lược được sử dụng với số lượng nhiều nhất (54.4%), sau đó là câu đặc biệt (40%), câu dưới bậc được sử dụng ít nhất (5,6%). Câu tỉnh lược và câu đặc biệt có tần số xuất hiện cao là bởi vì hai kiểu câu trên giúp truyền tải thông tin nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giao tiếp và phù hợp thể loại truyện ngắn đồng thời có tác dụng liên kết, rút gọn văn bản giúp độc giả có thể nắm được các sự kiện trong tác phẩm. Việc sử dụng ba kiểu câu trên có tác dụng làm cho truyện ngắn trở nên sinh động, phong phú, hấp dẫn độc giả, giúp tránh đi sự đơn điệu, nhàm chán và nó cũng tạo nên phong cách độc đáo của hai nhà văn.

Nguyễn Công Hoan và Nam Cao cùng với một số nhà văn khác đã khẳng định vị trí cũng như giá trị của khuynh hướng văn học Hiện thực phê phán 1930 – 1945 trong lịch sử văn học Việt Nam. Cả hai nhà văn đều đến với văn chương và khẳng định tài năng của mình ở thể loại truyện ngắn với một phong cách ngôn ngữ độc đáo. Chúng tôi tìm thấy ở hai nhà văn những điểm tương đồng về cách sử dụng ngôn ngữ như:

Về phương thức trần thuật và điểm nhìn trần thuật, cả hai đều sử dụng dạng trần thuật theo ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên ngoài. Đó là cách kể chuyện khách quan, có phần dửng dưng nhưng bên trong lại ẩn chứa một thông điệp sâu sắc về tình người, tình đời.

Về giọng điệu trần thuật, hai tác giả đều hướng đến giọng văn lạnh lùng, khách quan và giọng văn châm biếm, trào phúng. Ở giọng điệu lạnh lùng, khách quan, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao thường ẩn đi người kể chuyện để cho câu chuyện diễn biến hết sức tự nhiên, hầu như tác giả không thêm một lời bình nào. Còn ở giọng điệu châm biếm trào phúng, cả hai tác giả đều đem lại tiếng cười cho độc giả bằng khả năng sử dụng ngôn ngữ hết sức tinh tế, điêu luyện.

Về mặt ngôn ngữ, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều tỏ ra là bậc thầy về cách sử dụng sáng tạo ngôn ngữ. Hai tác giả đã trả lại cho văn chương thứ ngôn ngữ dung dị, gần gũi với đời thường vốn có của nó, bỏ qua thứ văn chương đài các xa lạ mà nhiều nhà văn đương thời hay dùng. Mặt khác, có thể khẳng định với tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã đem đến cho văn học hiện thực phê phán một diện mạo mới và một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Về việc sử dụng các kiểu câu giàu màu sắc phong cách, chúng tôi thấy Nguyễn Công Hoan và Nam Cao thực sự tài năng khi sử dụng sáng tạo và đa dạng một số kiểu câu như câu đặc biệt, câu tỉnh lược và câu dưới bậc. Qua

khảo sát, chúng tôi thấy số lượng ba kiểu câu trên khá lớn (khoảng 620 câu), điều này cho thấy tài năng cũng như phong cách độc đáo của hai tác giả bởi sử dụng thành công các kiểu câu trên đã đem lại cho truyện ngắn sức hấp dẫn.

Bên cạnh những điểm tương đồng về cách viết, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao có nhiều điểm khác biệt tạo thành hai phong cách riêng biệt khá khác nhau. Nói đến Nguyễn Công Hoan, người ta thường nhắc đến một bậc thầy về truyện ngắn trào phúng với cách viết hướng ngoại, một lối gây cười trực tiếp, dùng tiếng cười để phê phán một hiện tượng, một thói xấu hay một loại người của xã hội. Còn Nam Cao, người ta nhắc đên ông với tư cách một nhà văn tiêu biểu của văn học Hiện thực phê phán với lối viết văn hướng nội, đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật. Nếu phong cách của Nguyễn Công Hoan là đi trực tiếp vào vấn đề thì phong cách Nam Cao thiên về sự thâm trầm, kín đáo, dùng ngôn ngữ đa điệu, đa thanh để người đọc phải tự suy nghĩ, tự nhận thức.

Trong cách tổ chức trần thuật, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao có cách sử dụng khác nhau. Có thể khẳng định, Nam Cao có sự phối hợp điểm nhìn trần thuật và phương thức trần thuật đa dạng, phức tạp hơn Nguyễn Công Hoan. Truyện ngắn Nam Cao do có sự đa dạng, phong phú trong điểm nhìn trần thuật nên dễ thấy lời văn trần thuật trong truyện ngắn của ông cũng hết sức sinh động và biến hóa linh hoạt. Lời văn trực tiếp (lời trực tiếp của tác giả, lời trực tiếp của nhân vật, lời nội tâm) và lời văn gián tiếp (lời gián tiếp một giọng, lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp phong cách hóa, lời gián tiếp của chủ thể trần thuật) là các dạng lời văn trần thuật mà Nam Cao đã tận dụng ưu thế khả năng biểu hiện của chúng để xây dựng tác phẩm. Với việc kết hợp đan xen những hình thức phong phú của lời văn trần thuật, truyện ngắn Nam Cao có điều kiện phản ánh sinh động các khía cạnh phức tạp của đời sống.

Bên cạnh lời văn trần thuật, giọng điệu trần thuật cũng góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho truyện ngắn Nam Cao so với truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Với sự đa dạng và phức hợp trong giọng điệu, người ta có thể khai thác giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao trên mọi sắc thái biểu hiện. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý phân tích 5 kiểu giọng điệu trần thuật nổi bật nhất đó là giọng văn chua chát, ngậm ngùi, chan chứa yêu thương; giọng văn tự sự lạnh lùng, dửng dưng; giọng văn giễu nhại, châm biếm, hài hước; giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình; giọng văn trữ tình, thiết tha, sôi nổi. Trong khi đó, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan chỉ tập trung vào hai giọng điệu chính là giọng khách quan và giọng châm biếm, trào phúng.

Như vậy, từ việc nghiên cứu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trong những truyện ngắn trước 1945, chúng tôi đã có một cái nhìn tương đối toàn diện về phong cách ngôn ngữ của hai tác giả để từ đó chỉ ra một số điểm tương đồng cũng như khác biệt trong phong cách ngôn ngữ của mỗi nhà văn.

Thực hiện đề tài này, chúng tôi còn nhằm mục đích phục vụ cho công tác dạy và học, hi vọng kết quả nghiên cứu sẽ đáp ứng được những đòi hỏi mang giá trị thực tiễn cho việc dạy – học môn Ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay.

Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian cũng như khả năng nghiên cứu nên cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của chúng tôi vẫn còn nhiều hạn chế . Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý và trao đổi thêm.

Một phần của tài liệu SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO (Trang 114)