Sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng với bùng nổ các dự án du lịch (theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, tính đến năm 2010 có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn 2.835,7 triệu USD. Trong giai đoạn 2010-2012 có thêm khoảng 45 dự án nữa, ước tính cần khoảng 8.000 lao động chỉ cho các khách sạn 4-5 sao ven biển) làm nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm khiến cho việc cạnh tranh thu hút NNL giữa các đơn vị kinh doanh du lịch diễn ra ngày càng gay gắt.
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh – nguyên Tổng Giám đốc Furama Resort- Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết: nhu cầu lao động đang tăng nhanh, tuy nhiên mức lao động có chuyên môn nghiệp vụ thì vẫn chưa đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng. Mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chỉ cung cấp 1/10 yêu cầu về NNL mỗi năm. Bên cạnh đó, học viên về du lịch chủ yếu tập trung vào các ngành học như hướng dẫn viên, lễ tân, quản trị du lịch… Tuy nhiên, thực tế những vị trí này lại chiếm khoảng 5-15% lượng nhân viên ngành khách sạn. Các vị trí khác như phục vụ buồng phòng, đầu bếp, phục vụ bàn, bar… học viên theo học ít hơn nhưng lực lượng này lại chiếm 30-70% nguồn nhân lực làm du lịch.
Trước tình hình đó, Khu nghỉ mát Furama không thể chỉ trông chờ vào nguồn nhân lực được cung cấp từ bên ngoài. Đơn vị đã chủ động nâng cao chất lượng NNL thông qua việc đào tạo tại chỗ về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng cho nhân viên như: đào tạo kỹ năng nghề VTOS, đào tạo tiếng Anh hàng ngày cho nhân viên, đào tạo phòng cháy chữa cháy, kỹ năng giao tiếp... Bên cạnh đó, Khu nghỉ mát Furama đặt biệt chú trọng việc chuẩn hóa quy trình đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ đào tạo. Tổ chức các khóa học Train the Trainer do William Angliss Institute và VTOS đào tạo với 23 đào tạo viên được cấp bằng năm 2009. Từ khi đi vào hoạt động năm 1997 đến nay, Furama resort đã đào tạo hơn 2.500 nhân viên với 125 vị trí.
Thực hiện liên kết đào tạo với các trường du lịch, trường đào tạo nghề để xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo cung cấp nguồn nhân lực về du lịch. Trong năm 2010, Khu nghỉ mát Furama đã ký kết với Viện Anh ngữ Đà Nẵng (English Language Institute -ELI) và Học viện William Angliss, Melbourne, Australia về việc thỏa thuận công tác đào tạo tiếng Anh, du lịch và nhà hàng… Kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ số II. Đây là chứng chỉ quốc tế được công nhận và có thể giúp học viên học lên Chứng chỉ quốc tế về Quản lý khách sạn.
Hỗ trợ các trường du lịch, trường đào tạo nghề tại địa phương để xây dựng mạng lưới đào tạo cung cấp NNL về du lịch cho khu vực. Hàng năm, Khu nghỉ mát Furama thường xuyên nhận các học viên từ các trường đại học kinh tế, ngoại ngữ, trường đào tạo nghề Việt-Úc đến thực tập. Học viên thực tập tại Furama không đơn thuần là xem, nhìn và viết báo cáo mà còn được bố trí vào các bộ phận khác nhau theo chuyên ngành đào tạo của mình như lễ tân, bàn, bếp, buồng phòng… để trực tiếp tham gia vào quá trình phục vụ khách, trải nghiệm thực tế và học tập kinh nghiệm và kỹ năng, điều mà các học viên ít có cơ hội tiếp cận khi học tại trường.
Ông Matthias Wiesmann -Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng cho biết hơn15 năm đi vào hoạt động, đơn vị là doanh nghiệp đầu tàu trong việc đào tạo NNL du lịch, không chỉ cung cấp nhân lực đáp ứng nhu cầu của riêng công ty, mà còn góp phần việc nâng cao chất lượng nhân lực du lịch chung của Đà Nẵng.