Ở châu Á, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong phát triển NNL. Hệ thống phát triển NNL ở Nhật Bản được gọi là hệ thống phát triển nhân lực suốt đời. Việc phát triển NNL, được tiến hành từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ đào tạo cơ bản đến ứng dụng, thực hiện một cách liên tục và phù hợp với các nhóm người lao động. Các hoạt động này đảm bảo sự thăng tiến nghề nghiệp một cách vững chắc theo thời gian, đồng thời làm cho người lao động có được các năng lực thích ứng với những biến đổi trong thị trường lao động.
Trong số tất cả các hãng được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ hai, Sony là hãng lớn thứ hai và liên tiếp thu được thành công trong sản xuất kinh
doanh. Khi được hỏi về những bình luận của giới thương nhân Âu-Mỹ về bí quyết thành công, ông Morita, Giám đốc điều hành của hãng Sony mỉm cười và nói: "Bí quyết thành công của chúng tôi không có gì bí mật cả. Mọi thành công của chúng tôi chỉ kết tinh trong một chữ là Người. Con người là gốc, cho dù có người máy thay thế nhiều công việc, nhưng đối với Sony chúng tôi không có con người máu thịt thì công ty không hoạt động được". Sở dĩ Sony hầu như thành công ở khắp nơi trên thế giới vì tài sản lớn nhất của Sony là "con người".
Hơn 40 năm kể từ khi thành lập tới nay, dù là công nhân bình thường hay các kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học, Công ty đều tổ chức một buổi lễ "nhập hãng" trang trọng. Sony tuyển chọn người trên cơ sở tự nguyện vào làm. Khi vào làm họ đều phải nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình đối với công ty. Đã vào làm thông thường từ 20-30 năm. Trong các buổi lễ "nhập gia", ngoài những lời chúc mừng xã giao, chủ hãng bao giờ cũng khuyến cáo mọi người rằng "làm trong Sony phải từ 20-30 năm". Sony có một chính sách công bằng dù nhân viên đó làm việc trong Sony ở Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác trên thế giới đều được đối xử bình đẳng như nhau. Họ sẽ không bao giờ có cảm giác bị phân biệt đối xử và luôn cảm thấy mình là thành viên trong đại gia đình Sony. Điều quan trọng hơn nữa là mọi người đều cảm thấy mình là đồng nghiệp quý giá và thân thiết của ông Chủ tịch hãng. Vào trong công ty, người ngoài không phân biệt được đâu là ông chủ, đâu là nhân viên, bởi vì ông chủ tịch mặc đồng phục như nhân viên, ăn uống ở nhà ăn như nhân viên, làm việc đúng giờ như nhân viên... Bất kỳ một quan chức hoặc nhân viên quản lý cấp cao nào đều không có văn phòng riêng, kể cả giám đốc công ty. Họ cùng nhau làm việc ở một nơi, cùng nghỉ, cùng ăn. Ở những công xưởng sản xuất, giám đốc, quản đốc phân xưởng thường hội ý, giao ban nhanh chóng với mọi người vào buổi sáng về tình hình công việc ngày hôm qua và công việc trong ngày hôm nay. Sở dĩ Sony làm như vậy vì muốn chứng tỏ một chân lý rằng "dĩ nhân vi bản", "nhất thị đồng nhân", không có phân biệt đối xử cho dù người đó là lãnh đạo. Morita cho biết sau hơn 40 năm “bươn chải” trên các thị trường, Sony hiện có một gia tài rất lớn, nhưng gia tài lớn nhất và quý giá nhất vẫn là con người của Sony. Các nhân viên coi danh dự, uy tín, thành công, thất bại của hãng như của chính mình, từ đó luôn nỗ lực phấn đấu cho sự thành công của hãng.
Ngoài ra, Đại học Sony Singapore tọa lạc ở Công viên Jurong International Business là trường đại học đầu tiên của Sony, với mục tiêu đào tạo, phát triển NNL riêng cho Tập đoàn Sony. Đây chính là bước “đi tắt đón đầu” của Sony để có thể nắm vững những thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Nam Phi và Trung Đông.