Môi trường kinh tế xã hội:
Môi trường kinh tế bao gồm các chính sách của nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh. Các nhân tố này có ảnh hưởng đến mức độ thu nhập, khả năng thanh toán và chi tiêu, nhu cầu về vốn, gửi tiền của dân cư. Sự thay đổi các yếu tố thuộc môi trường kinh tế có tác động trực tiếp và to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh ngân hàng nói riêng, trong đó có lĩnh vực bán lẻ.
Một môi trường kinh tế phát triển, các biến số kinh tế vĩ mô đều có dấu hiệu tốt, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tạo điều kiện làm tăng khả năng thanh toán, tăng nhu cầu chi tiêu, gửi tiền của người dân và nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Từ đó góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng
của xã hội giảm sút sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào thu nhập của cá nhân. Tùy theo các mức thu nhập, nhu cầu đối với dịch vụ ngân hàng cũng khác nhau. Khi thu nhập của dân cư thấp, không ổn định, chỉ để đáp ứng chi tiêu thiết yếu hàng ngày thì không phát sinh nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập của người dân càng cao thì nhu cầu về dịch vụ càng lớn. Khả năng cung ứng dịch vụ phụ thuộc khá lớn vào trình độ dân trí. Dịch vụ NH dựa trên những đòi hỏi cao về điều kiện kỹ thuật và pháp chế. Trình độ dân trí thấp sẽ thích sử dụng tiền mặt, phù hợp với buôn bán quy mô nhỏ. Nhu cầu dịch vụ NH trong điều kiện tồn tại hệ thống thương mại - dịch vụ quy mô lớn (trung tâm thương mại, siêu thị…) có khả năng chấp nhận các phương tiện thanh toán khác nhau.
Tình hình kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và lĩnh vực bán lẻ nói riêng. Với xu hướng toàn cầu hóa và tự do thương mại thì ngày nay các vấn đề nảy sinh tại mỗi quốc gia không còn là vấn đề riêng của mỗi nước, mà nó có sức ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Yếu tố môi trường pháp luật:
Đây là nhân tố thuộc môi trường bên ngoài có tác động lớn và thường xuyên nhất tới hoạt động NHTM nói chung và dịch vụ NHBL nói riêng. Do ảnh hưởng lớn của hoạt động tài chính vào nền kinh tế mà mỗi NHTM đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật từ khi được thành lập. Luật pháp tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngân hàng. Đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động. Nếu các quy định của luật pháp không đầy đủ, rõ ràng và thiếu tính đồng bộ, nhất quán sẽ gây khó khăn cho các hoạt động ngân hàng. Ngược lại hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động của ngân hàng. Kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ là một trong những ngành kinh doanh chịu sự giám sát chặt chẽ của luật pháp và các cơ quan chức năng của chính phủ. Môi trường pháp lý sẽ đem đến cho các ngân hàng một loạt các cơ hội và thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam với thế giới.
Đối với hoạt động bán lẻ của ngân hàng, vấn đề hoàn thiện môi trường pháp lý là rất quan trọng. Trong xu thế toàn cầu hóa, hoạt động ngân hàng ngày càng phải đổi
mới để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên việc triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý, nhất là đối với các sản phẩm dịch vụ bán lẻ có sử dụng hàm lượng công nghệ cao và mới mẻ ở thị trường trong nước. Chính vì thế, để tận dụng được cơ hội cũng như giảm thiểu được bất lợi trong quá trình toàn cầu hóa thì hoàn thiện môi trường pháp lý là điều hết sức cần thiết.
Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng:
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại, là điều kiện cần thiết để mỗi quốc gia đi vào quỹ đạo chung của thế giới. Đối với những ngân hàng kém phát triển, hội nhập quốc tế tạo ra cơ hội để trao đổi, hợp tác quốc tế về hoạch định chính sách tiền tệ, biện pháp phòng ngừa rủi ro, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của ngân hàng. Hợp tác quốc tế tạo điều kiện về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, quản lý và đào tạo lại cán bộ ngân hàng. Hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, nâng cao tính minh bạch của toàn hệ thống. Đây là điều kiện thuận lợi để chuyên môn hóa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, nhanh chóng tiếp cận và phát triển các dịch vụ mới.
Hội nhập quốc tế còn tạo sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt giữa các ngân hàng trong nước với các ngân hàng nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để phát triển. Khi tham gia sâu vào hội nhập, cạnh tranh đã thực sự là động lực to lớn cho cải cách, đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển, các ngân hàng trong nước phải nỗ lực kiện toàn công tác quản lý nhằm đạt hiệu quả cao, giảm bớt rủi ro và tăng cường độ tin cậy với khách hàng.