Năm 2010 được đánh giá là năm “bùng nổ” về hoạt động dịch vụ bán lẻ của các NHTM tại Việt Nam bởi dịch vụ bán lẻ đang trở thành một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các NHTM.
Thứ nhất, Dịch vụ bán lẻ mang lại nguồn thu nhập đáng kể và ổn định cho các NHTM. Tạp chí Stephen Timewell đã đưa ra nhận định: “Xu hướng ngày nay cho thấy, ngân hàng nào biết nắm bắt được cơ hội mở rộng việc cung cấp dịch vụ bán lẻ cho một khối lượng khổng lồ dân cư đang đói các dịch vụ tài chính tại các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành những gã khổng lồ trong tương lai”. Thông qua các sản
phẩm dịch vụ đa dạng và phong phú, ngân hàng có nguồn doanh thu lớn từ các loại phí như phí dịch vụ chuyển tiền, phí bảo lãnh, phí dịch vụ thẻ, phí tư vấn, phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử khác… Cùng với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính - ngân hàng cá nhân và khả năng tài chính của các tầng lớp dân cư không ngừng được cải thiện thì nguồn thu từ phí có tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu doanh thu của các ngân hàng. Bên cạnh đó, với đặc thù của dịch vụ bán lẻ là phục vụ số đông khách hàng thì các mảng dịch vụ chính của ngân hàng hiện nay là huy động vốn và cho vay cũng không bị phụ thuộc quá nhiều vào nhóm khách hàng lớn. Do đó, nguồn doanh thu đóng góp từ hoạt động bán lẻ thường có tính ổn định và bền vững cao.
Thứ hai, Dịch vụ NHBL giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, tăng cường quảng bá cho hình ảnh và thương hiệu của ngân hàng, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn chủ đạo cho ngân hàng, góp phần đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng. Tham gia cung ứng dịch vụ bán lẻ đồng nghĩa với việc ngân hàng bước chân vào một thị trường đầy tiềm năng nhưng cạnh tranh vô cùng gay gắt. Để tồn tại và phát triển, buộc ngân hàng phải không ngừng đổi mới tư duy, tìm ra các sản phẩm mới, giải pháp mới… từ đó nâng cao khả năng thích ứng, sức cạnh tranh cũng như vị thế của ngân hàng.
Thứ ba, hệ thống NHBL sẽ tạo ra những tiện ích mới trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng như: Tạo nền tảng, hạ tầng cơ sở cho phát triển và ứng dụng công nghệ ngân hàng; quản lý tập trung và xử lý dữ liệu trực tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng, tăng cường khả năng bảo mật thông tin… Phát triển dịch vụ bán lẻ giúp ngân hàng hạn chế bớt các rủi ro do các nhân tố ở bên ngoài vì hoạt động bán lẻ là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng nhất của chu kỳ kinh tế so với các lĩnh vực khác. Việc cung ứng dịch vụ cho số lượng lớn khách hàng sẽ góp phần phân tán rủi ro theo đối tượng khách hàng. Trong mô hình Ngân hàng Tài chính hiện đại, NHBL đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với đặc điểm khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đã tạo cho NHBL nhiều lợi thế như: nguồn vốn ổn định, dư nợ an toàn, rủi ro thấp, nguồn trả nợ ít biến động... Bên cạnh đó NHBL hiện đại cũng tạo ra nguồn thu phí lớn.
Như vậy, có thể khẳng định, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ NHBL sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các NHTM, không chỉ thể hiện bởi hiệu quả về mặt tài chính mà còn thể hiện bởi hiệu quả về cơ cấu thu nhập. Khi nguồn thu từ hoạt động dịch vụ NHBL chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của NHTM thì thay vì có
được nguồn thu từ việc sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của một doanh nghiệp lớn, việc mở rộng quy mô hoạt động dịch vụ NHBL giúp ngân hàng có được nguồn thu từ một số lượng lớn khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, nguồn thu này có ưu điểm là mang tính ổn định cao, hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Hiệu quả về cơ cấu thu nhập sẽ thúc đẩy hiệu quả về mặt tài chính và tạo sự phát triển bền vững trong hoạt động của các NHTM.