Các loại hình dịch vụ khác

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh cửa lò (Trang 27)

Nghiệp vụ đầu tư tài chính: Ngoài nghiệp vụ tín dụng, với mục đích tận dụng hết số vốn nhàn rỗi mà vẫn đảm bảo khả năng thanh toán, ổn định, nâng cao thu nhập của ngân hàng, tạo sự mềm dẻo trong việc quản lý danh mục tài sản, giảm nhẹ mức độ của thuế đến hoạt động ngân hàng nhằm đạt lợi nhuận tối đa, các NHTM tiến hành nghiệp vụ đầu tư tài chính. Số lượng các công cụ tài chính trong danh mục đầu tư của ngân hàng rất lớn và ngày càng phát triển. Hơn nữa mỗi công cụ tài chính đều có những đặc điểm riêng về mức độ rủi ro, độ nhạy cảm đối với lạm phát, độ nhạy cảm đối với những đổi thay trong chính sách của Chính phủ… Tuy vậy, có thể xếp các công cụ đầu tư của NHTM thành hai nhóm chính:

- Các công cụ đầu tư trên thị trường tiền tệ: Có kì hạn dưới một năm, mức độ rủi ro thấp và có thể bán lại dễ dàng trên thị trường, bao gồm: Trái phiếu kho bạc; Chứng khoán của các cơ quan Chính phủ; Tiền gửi đô la Châu Âu trên thị trường quốc tế; Thương phiếu chấp nhận thanh toán…

- Các công cụ đầu tư trên thị trường vốn: Có kì hạn trên một năm, có tỷ suất thu nhập cao và có tiềm năng lớn về thu nhập vốn, bao gồm: Trái phiếu kho bạc, trái phiếu công ty, trái phiếu của chính quyền địa phương và các chứng khoán cầm cố…

Hoạt động bảo lãnh: Nghiệp vụ bảo lãnh thực chất là sự cam kết của ngân hàng nhận bảo lãnh, chịu trách nhiệm trả tiền thay cho người xin bảo lãnh nếu người đó

không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ đã thoả thuận với người thụ hưởng đã quy định cụ thể trong thư bảo lãnh. Mặc dù là một hoạt động ngoại bảng nhưng bảo lãnh là một hình thức tín dụng. Các hình thức bảo lãnh phổ biến bao gồm: bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành, bảo lãnh vay vốn trong và ngoài nước… Dịch vụ bảo lãnh chủ yếu được cung cấp cho khách hàng là các DNVVN. Xét về tính chất, bảo lãnh là loại dịch vụ lưỡng tính, vừa tín dụng, vừa phi tín dụng. Trong giao dịch bảo lãnh, nếu chưa phát sinh nghĩa vụ của bên bảo lãnh với bên thứ ba thì giao dịch này được coi là giao dịch phi tín dụng. Tuy nhiên khi nghĩa vụ này được bên bảo lãnh thực hiện cũng có nghĩa là bên được bảo lãnh có nghĩa vụ đối với ngân hàng về khoản tiền, vật chất mà ngân hàng đã trả cho bên thứ ba thì giao dịch này lại có tính chất tín dụng. Đây chính là lý do trong luật tổ chức tín dụng xếp dịch vụ bảo lãnh là một loại hình cấp tín dụng.

Hoạt động quản lý thu chi tiền mặt: Đây là hoạt động mà ngân hàng thông qua nghiệp vụ của mình thực hiện thu chi các khoản thanh toán bằng tiền mặt. Thực chất của hoạt động này là thực hiện các giao dịch của các hoạt động khác như huy động vốn, tín dụng, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ khi các giao dịch này thực hiện thanh toán bằng tiền mặt.

Dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân: Với dịch vụ này, ngân hàng sẽ đáp ứng các nhu cầu tư vấn về tài chính mà các DNVVN, các cá nhân, các tổ chức yêu cầu. Căn cứ theo năng lực tài chính, dòng tiền hiện tại và các kế hoạch tài chính trong tương lại, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng và dự báo về tình hình thị trường, ngân hàng sẽ tư vấn, đưa ra các giải pháp tài chính tối ưu giúp khách hàng sử dụng nguồn tiền của mình một cách hợp lý, hiệu quả thông qua các kênh đầu tư như: đầu tư chứng khoán, bất động sản, mua vàng tích trữ hay đơn giản là sử dụng các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng.

Dịch vụ bảo hiểm (Bancassurane): Các ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tất cả khách hàng thông qua các công ty con hoặc thông qua các nhà môi giới bảo hiểm của họ và được nhận một phần thu nhập từ hoạt động đó. Có nhiều loại dịch vụ bảo hiểm mà ngân hàng có thể thực hiện cho các doanh nghiệp như: Bảo hiểm tổn thất lợi nhuận (hoả hoạn, lũ lụt…); Bảo hiểm tín dụng để bảo hiểm cho những khoản nợ khó đòi, Bảo hiểm nhân thọ đặc biệt phù hợp với cá nhân và các DNVVN.

Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ bán lẻ ngày càng cao, đây chính là tiền đề và là tiềm năng để cho các NHTM ở Việt Nam phát triển lĩnh vực hoạt động bán lẻ của mình.

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh cửa lò (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)