Thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại Sở Lao động – TBXH tỉnh Đồng Tháp (Trang 62 - 68)

THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP

3.1.3. Thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp

động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp

3.1.3.1. Tiêu chuẩn lựa chọn, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp hiện nay

Hiệu lực của nền hành chính tùy thuộc phần lớn vào nhận thức và khả năng thực hiện luật pháp và công vụ, cũng như năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ CBCCVC hành chính. Do đó, trong thời gian vừa qua và giai đoạn hiện nay, những yêu cầu về đội ngũ CBCCVC có phẩm chất chính trị, đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, trí tuệ, văn hóa, trình độ và năng lực chuyên môn cao luôn được đơn vị đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu.

- Yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức

+ Trong mọi giai đoạn cách mạng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị là yêu cầu quan trọng cơ bản nhất đối với đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập quốc tế và khu vực, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ xã hội mới phức tạp nảy sinh, mặt trái của cơ chế thị trường cùng các tác động tiêu cực nảy sinh hàng ngày càng đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải tuyệt đối trung thành với Đảng,

Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; nhiệt tình cách mạng, gương mẫu tận tụy với nhân dân, có tinh thần và ý thức trách nhiệm cao với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

+ Phẩm chất chính trị là lòng nhiệt tình cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng của đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần tận tụy với công việc, hết lòng hết sức vì sự nghiệp của nhân dân, là bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

+ Đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức hành chính gồm: đạo đức cách mạng, đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp; trong đó đạo đức cách mạng là nền tảng, là gốc, là sức mạnh của người cán bộ, công chức hành chính.

+ Đạo đức cách mạng của người cán bộ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: nhân, trí, dũng, liêm. Đi kèm với các phẩm chất là các đức: Cần, kiệm, liêm, chính mà "thiếu một đức thì không thành người". Đạo đức cách mạng thể hiện ở: Tinh thần yêu nước nồng nàn, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

+ Đạo đức cá nhân của người cán bộ, công chức hành chính trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức còn thể hiện ở tinh thần và ý thức biết tôn trọng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật, có lối sống lành mạnh, không tham ô, lãng phí, có trách nhiệm cao trong thi hành công vụ, có lòng nhân ái vị tha, ứng xử đúng đắn trong quan hệ gia đình, bè bạn và trong xã hội, có tinh thần hướng thiện, hiếu học.

+ Xã hội càng dân chủ càng đòi hỏi đạo đức cá nhân của người cán bộ, công chức phải được hoàn thiện, mẫu mực vì chính đội ngũ cán bộ, công chức hành

chính là những người cầm cân nảy mực, giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, giữ gìn kỷ cương phép nước. Địa vị pháp lý của họ buộc họ phải luôn tự rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, tu dưỡng bản thân để không mắc phải các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

+ Đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ, công chức hành chính thể hiện trước hết ở lòng say mê, cần mẫn, tinh thần trách nhiệm và đề cao kỷ luật trong thi hành công vụ. Đó là ý thức luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao, kể cả khi gặp những điều kiện khó khăn phức tạp. Nhờ đó mà cán bộ, công chức hành chính luôn cố gắng tìm kiếm những phương tiện, giải pháp, sáng kiến khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ, công vụ. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người cán bộ, công chức phải biết tiết kiệm, không chỉ cho bản thân mình, mà quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, tiền của của nhân dân, tiết kiệm công sản, công quỹ, tiết kiệm tài nguyên của đất nước, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước.

+ Người cán bộ, công chức còn phải xử sự và giải quyết công vụ công bằng, chính trực và công tâm, chỉ thực thi công vụ theo pháp luật. Dù ở bất cứ vị trí nào trong bộ máy nhà nước, người cán bộ, công chức phải luôn đề cao đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.

- Yêu cầu về văn hóa

+ Văn hóa của người cán bộ, công chức hành chính là sự ứng xử văn minh, khoa học, nhân ái và dân chủ trong mọi mối quan hệ. Văn hóa là cơ sở để hình thành tác phong, phong cách và lối sống của người cán bộ, công chức; văn hóa là nền tảng tạo nên tư chất, cốt cách của người cán bộ, công chức. Nhờ có văn hóa người cán bộ, công chức biết cư xử đúng mực, dân chủ và văn minh hơn trong thực thi công vụ; đấu tranh chống lại các hiện tượng chuyên quyền độc đoán, máy móc trong giải quyết công việc và thực thi công vụ. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có riêng một mục về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, quy định rõ: cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực rõ ràng, mạch lạc; cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân

chủ và đoàn kết nội bộ. Khi thi hành công vụ có tác phong lịch sự, giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp. Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; nghiêm túc, khiêm tốn; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

+ Việc nâng tầm văn hóa lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức gắn liền với đề cao kỷ luật thực thi công vụ, là yếu tố quyết định để cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền thực sự là của dân. Đồng thời, góp phần nêu gương tốt và vun đắp nền tảng văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Do vậy, cán bộ, công chức hành chính không chỉ cần trang bị cho mình những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, mà còn phải trang bị cho mình những tri thức văn hóa, văn minh nhân loại, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử và truyền thống văn hiến dân tộc, và quan trọng hơn là biết tự rèn luyện đạo đức, tu dưỡng bản thân.

- Yêu cầu về trí tuệ:

+ Trong điều kiện mặt bằng dân trí của xã hội ngày càng được nâng cao, tri thức khoa học - công nghệ của thế giới đang tăng lên nhanh chóng và ngày càng phong phú, đa dạng đòi hỏi cán bộ, công chức phải có trình độ, kiến thức và năng lực tư duy khoa học, sáng tạo, nhạy bén, độc lập, trí tuệ. Trình độ học vấn phải cao hơn mức trung bình của xã hội và tỷ lệ những người có trình độ đại học, trên đại học càng phải nhiều hơn. Ở một số ngành lĩnh vực và đối với ngạch chuyên viên trở lên thì trình độ đại học là bắt buộc và tối thiểu. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay người cán bộ, công chức hành chính còn phải có trình độ ngoại ngữ, tin học nhất định để có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức, giải quyết các công việc thường xuyên của lĩnh vực quản lý hành chính.

+ Yêu cầu trí tuệ hóa đội ngũ cán bộ, công chức buộc người cán bộ, công chức hành chính phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức. Đồng thời Nhà nước cần phải có chế độ, chính sách và tạo điều kiện để người cán bộ, công chức được đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng bổ sung những tri thức mới của khoa học, công nghệ hiện đại để thực thi công vụ hiệu quả nhất.

- Yêu cầu chuyên môn hóa, hiện đại hóa đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. + Mục tiêu xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại đặt ra yêu cầu phải chuyên môn hóa, hiện đại hóa đội ngũ cán bộ, công chức hành chính với tư cách là nòng cốt của nền hành chính.

+ Các hoạt động trong nền hành chính nhà nước có nội dung phức tạp, đa dạng cho nên cán bộ, công chức hành chính phải có kiến thức xã hội, chuyên môn sâu rộng. Chuyên môn hóa, hiện đại hóa là cán bộ, công chức hành chính không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ban đầu, đáp ứng yêu cầu dự tuyển của cơ quan, đơn vị; mà trong quá trình làm việc, người cán bộ, công chức hành chính phải được đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn giỏi; chuyên môn hóa phải đi đôi với trí tuệ hóa, làm cho mỗi cán bộ, công chức phải có trình độ cao, có kiến thức, vừa có năng lực và chuyên môn sâu. Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa, hiện đại hóa người cán bộ, công chức hành chính phải có các yếu tố sau:

Thứ nhất, trong hoạt động hành chính, tiêu chuẩn hàng đầu đối với cán bộ, công chức là năng lực chuyên môn và năng lực về quản lý nhà nước, ngoài tiêu chuẩn chính trị.

Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi công vụ, cán bộ, công chức hành chính cần phải có kiến thức cơ bản về quản lý hành chính, về pháp luật từ đó có ý thức tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật khi thi hành công vụ, có sự chủ động, linh hoạt xử lý các vấn đề trên cơ sở pháp luật.

Thứ ba, kỹ năng hành chính đòi hỏi cán bộ, công chức hành chính phải có độ nhuần nhuyễn, nhanh chóng xử lý tình huống, giải quyết công việc. Đối với từng vị trí, chức danh cần phải thực thi nhiệm vụ như thế nào? giải quyết công việc theo tình huống, thực hành các công việc hành chính.

Thứ tư, cán bộ, công chức hành chính phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám làm, dám chịu trách nhiệm về hành vi công vụ của mình. Có chính kiến, phát kiến tham mưu đề xuất với lãnh đạo trong lĩnh vực được giao. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, không thụ động trông chờ, ỷ lại vào lãnh đạo. Chịu trách nhiệm về những quyết định do mình soạn thảo, ban hành và chịu trách nhiệm về

tình trạng quyết định đó không được thi hành, kể cả trường hợp không thuộc bổn phận mình. Đồng thời nhà nước, cơ quan, tổ chức cần xây dựng chế độ chịu trách nhiệm pháp lý trong hoạt động công vụ, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức hành chính trong hoạt động phục vụ nhân dân.

Thi tuyển chức danh cán bộ, quản lý các đơn vị thuộc Sở là nhằm tuyển chọn người thật sự có tài năng, phẩm chất đạo đức chính trị vững vàng, chuyên môn và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Sở.

Bên cạnh đó, đối với các chức danh quản ý, lãnh đạo, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp căn cứ quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với Trưởng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở và Trưởng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, đơn vị. Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch và điều kiện tham gia thi tuyển chức danh cán bộ quản lý và thi tuyển công chức viên chức vào làm việc tại đơn vị, cụ thể như sau: Cá nhân có lập trường chính trị vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp; có năng lực tham mưu, tham gia xây dựng và khả năng tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật. Có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, có sức khoẻ, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, không cục bộ bản vị cơ hội.

Trong năm 2014 và định hướng trong tương lai, thực hiện Quyết định số 674/QĐ-UBND-HC ngày 12/7/2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Đề án thí điểm thi tuyển vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các chứng danh lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Tháp sẽ tiến hành thi tuyển và sẽ công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, khách quan, bình đẳng, không phân biệt nam, nữ; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý công tác cán bộ; người trúng tuyển là người có kết quả thi tuyển cao nhất và được bổ nhiệm sau khi công bố kết quả thi tuyển.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại Sở Lao động – TBXH tỉnh Đồng Tháp (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w