LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC TỔ CHỨC
2.1. Các khái niệm cơ bản về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực 1. Khái niệm về nguồn nhân lực
Trong một xã hội phát triển luôn chịu sự chi phối và tác động của nhiều yếu tố, mà cơ bản nhất là ba yếu tố: nhân lực, vật lực và tài lực; như vậy nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển xã hội, có nhiều quan điểm, khái niệm về nguồn nhân lực, tùy vào từng góc độ sẽ có những khái niệm, tiếp cận về nguồn nhân lực khác nhau, cụ thể:
Theo Liên Hiệp quốc: “Nguồn nhân lực là tổng thể sức dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh và sự tác động của con người trong việc cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội”
Còn theo Pierrre G.Bergeron: “Nguồn nhân lực là toàn bộ những con người mà một tổ chức sử dụng để tạo ra của cải vật chất hoặc để cung cấp dịch vụ”
Theo giáo trình “Quản trị nhân lực” (2012) của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quân, ThS. Nguyễn Vân Điềm đồng chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc Dân: “ Bất cứ tổ chức nào cũng được tạo thành bởi các thành viên là con người hay nguồn nhân lực của nó. Do đó, có thể nói nguồn nhân lực của một tổ chức bao gồm tất cả những người lao động làm việc trong tổ chức đó, còn nhân lực được hiểu là nguồn lực của mỗi con người mà nguồn lực này gồm có thể lực và trí lực”
Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản nhất về nguồn nhân lực là tập hợp cá nhân những con người cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể chất, tinh thần được huy động vào quá trình lao động. Trong đó lao động là một hoạt động quan trọng nhất của con người nhằm tạo ra của cải, vật chất và các giá trị tinh thần để thỏa mãn nhu cầu của bản thân và xã hội, là hoạt động gắn liền với sự hình thành phát triển của loài người, mà lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả là nhân tố quyết định phát triển xã hội.
Nguồn gốc hình thành nguồn nhân lực là dân số, trong đó nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ những người nằm trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, không kể trạng thái có làm việc hay không làm việc và những người nằm ngoài độ tuổi lao động tham gia vào hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, độ tuổi lao động tùy theo từng quốc gia được quy định cụ thể, các nước không giống nhau ở độ tuổi lao động, có nước tuổi tối thiểu của độ tuổi lao động là 15, có nước sớm hơn là 14, có nước trễ hơn là 16 hoặc 17. Tuổi tối đa của độ tuổi lao động cũng vậy, có nước độ tuổi lao động tối đa là 60, có nước tuổi lao động tối đa là 62 . . . đó là tùy vào sự phát triển về thể lực, trí lực của con người ở quốc gia và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia đó.
Quy định tại Bộ Luật lao động năm 2013, người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 55 tuổi đối nữ và từ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam.
2.1.2. Vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác, quản lý, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực, như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, trình độ khoa học – kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực. Trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định và chi phối, điều tiết các nguồn lực còn lại. Như vậy, con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Con người tự quyết định đường hướng phát triển xã hội, xã hội phát triển theo hướng này, hay hướng khác hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của con người, như vậy con người là động lực của mọi sự phát triển. Mọi sự phát triển của tự nhiên hay xã hội đều có mục tiêu hướng tới con người.
- Tất cả các hoạt động sản xuất ra của cải, vật chất, tinh thần đề do hoạt động của con người làm ra, từ việc phát minh, sáng chế và sử dụng tư liệu lao động tác động vào đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm, tạo ra vật chất phục vụ lại cho mình và cho xã hội, đó là động lực là mục tiêu phát triển.
Trong hơn hai mươi năm đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy nhân tố con người, phát triển nguồn nhân
lực, nhằm giải phóng mọi tiềm năng, sáng tạo của con người và đã đạt được những thành tựu đáng kết. Tuy nhiên quá trình xây dựng đất nước để trở thành một nước CNH-HĐH, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hóa sản phẩm và phân công lao động sâu sắc, thì ngày càng đòi hỏi phải có lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, có kỷ luật và trình độ văn hóa cao, có thể tiếp thu và sử dụng hiệu quả những thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại của thế giới.
Tóm lại: nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có trình độ, năng lực, có nhân cách, phẩm chất, sức lực và trí lực. để tạo ra nguồn nhân lực đó thì phải đào tạo, bồi dưỡng, trong đó giáo dục đào tạo nghề là một thành tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định phát triển nguồn nhân lực.
2.1.3. Đào tạo nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực theo nghĩa rộng được hiểu là một loại hoạt động có tổ chức được điều khiển trong một thời gian xác định nhằm đem đến sự thay đổi về trình độ, kỹ năng và thái độ của người lao động đối với công việc của họ. Đào tạo là quá trình học tập làm người lao động có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ có hiệu quả hơn trong công tác của họ.
- Đào tạo nghề: là tổng hợp những hoạt động cần thiết cho phép người lao động có những kiến thức và kỹ năng thực hành nhất định để tiến hành một nghề cụ thể trong doanh nghiệp và xã hội.
- Đào tạo ứng dụng: là thực hiện chương trình đào tạo phù hợp để tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiếp nhấn chuyển giao công nghệ khoa học mới, điều hành sản xuất kinh doanh.. Theo yêu cầu của một lĩnh vực hoặc một chuyên ngành cụ thể.
- Đào tạo chuyển loại: là thực hiện một chương trình đào tạo phù hợp cho các đối tượng để chuyển sang quản lý khai thác sử dụng trang thiết bị theo dây chuyền công nghệ mới trên cơ sở đã được đào tạo cơ bản về các chuyên ngành đó.
- Đào tạo nâng cao: là thực hiện chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng ở bậc hoặc cấp độ về chuyên ngành đã được đào tạo.
2.1.4. Phát triển nguồn nhân lực
Trong mỗi quốc gia, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt trọng tâm hàng đầu, những quốc gia nào không quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực sẽ có nguy cơ tụt hậu và lạc hậu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì theo quan niệm của Liên hiệp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống; yếu tố con người, vốn con người đã trở thành một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là những con người đã được qua đào tạo, con người có kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp của minh, từ đó khi hoạt động lao động sản xuất, sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng luôn được xã hội quan tâm hơn bao giờ hết, vì nguồn lực con người đóng vai trò hết sức quan trọng; trong lý thuyết tăng trưởng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh, bền vững phải dựa trên ba trụ cột cơ bản, đó là: ứng dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sơ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó trụ cột đóng vai trò quan trọng nhất là nguồn nhân lực được đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp cao.
Phát triển là những cơ hội học tập , được thiết kế để giúp nhân viên phát triển. Không giới hạn những cơ hội này chỉ trong cải thiện kết quả của các nhân viên đối với các công việc hiện hành của họ. Như vậy có thể thấy được sự khác biệt giữa đào tạo và phát triển đó là đào tạo tập trung vào thời gian trước mắt, để chấn chỉnh bất cứ thiếu sót nào trong những kĩ năng của nhân viên ở thời điểm hiện tại.
Còn phát triển là các hoạt động nhằm chuẩn bị cho những công việc trong tương lai.
Thực tế cho thấy rằng, các công ty đạt hiệu quả cao trong kinh doanh đều coi việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp như một phần cần thiết trong toàn bộ chương trình phát triển nguồn nhân lực,được coi trọng ngang với những chiến lược kinh doanh của công ty.
Mục tiêu cơ bản của giáo dục Việt Nam là: “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành
với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và “nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”
Từ mục tiêu trên, ta có thể hiểu nội dung cơ bản của phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, bao gồm:
Nâng cao dân trí: phổ cập các loại hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người có tri thức, có đạo đức, có nhân cách, phẩm chất và năng lực, sức khỏe, thẩm mỹ, đây có thể coi là quá trình ươm mầm cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo nghề nghiệp, kiến thức kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực, những kiến thức, kỹ năn chuyên môn chuyên sâu về một ngành, một nghề đào tạo nhất định, theo các hình thức, các bậc học trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề.
Bồi dưỡng và nâng cao thể lực, tâm sinh lý phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý cho một con người; tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ của khu vực, của thế giới trong quá trình bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của con người, từng bước xây dựng và hoàn thiện con người.
2.2. Mục tiêu, tác dụng của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực