LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐÀOTẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC TỔ CHỨC
2.1.4. Phát triển nguồn nhân lực
Trong mỗi quốc gia, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt trọng tâm hàng đầu, những quốc gia nào không quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực sẽ có nguy cơ tụt hậu và lạc hậu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì theo quan niệm của Liên hiệp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống; yếu tố con người, vốn con người đã trở thành một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là những con người đã được qua đào tạo, con người có kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp của minh, từ đó khi hoạt động lao động sản xuất, sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng luôn được xã hội quan tâm hơn bao giờ hết, vì nguồn lực con người đóng vai trò hết sức quan trọng; trong lý thuyết tăng trưởng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh, bền vững phải dựa trên ba trụ cột cơ bản, đó là: ứng dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sơ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó trụ cột đóng vai trò quan trọng nhất là nguồn nhân lực được đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp cao.
Phát triển là những cơ hội học tập , được thiết kế để giúp nhân viên phát triển. Không giới hạn những cơ hội này chỉ trong cải thiện kết quả của các nhân viên đối với các công việc hiện hành của họ. Như vậy có thể thấy được sự khác biệt giữa đào tạo và phát triển đó là đào tạo tập trung vào thời gian trước mắt, để chấn chỉnh bất cứ thiếu sót nào trong những kĩ năng của nhân viên ở thời điểm hiện tại. Còn phát triển là các hoạt động nhằm chuẩn bị cho những công việc trong tương lai. Thực tế cho thấy rằng, các công ty đạt hiệu quả cao trong kinh doanh đều coi việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp như một phần cần thiết trong toàn bộ chương trình phát triển nguồn nhân lực,được coi trọng ngang với những chiến lược kinh doanh của công ty.
Mục tiêu cơ bản của giáo dục Việt Nam là: “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành
với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và “nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”
Từ mục tiêu trên, ta có thể hiểu nội dung cơ bản của phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, bao gồm:
Nâng cao dân trí: phổ cập các loại hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người có tri thức, có đạo đức, có nhân cách, phẩm chất và năng lực, sức khỏe, thẩm mỹ, đây có thể coi là quá trình ươm mầm cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo nghề nghiệp, kiến thức kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực, những kiến thức, kỹ năn chuyên môn chuyên sâu về một ngành, một nghề đào tạo nhất định, theo các hình thức, các bậc học trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề.
Bồi dưỡng và nâng cao thể lực, tâm sinh lý phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý cho một con người; tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ của khu vực, của thế giới trong quá trình bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của con người, từng bước xây dựng và hoàn thiện con người.