LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐÀOTẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC TỔ CHỨC
2.3.1. Khái niệm về cán bộ, công chức, viên chức
Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là bộ phận quan trọng trong nền hành chính của một quốc gia. Sự ra đời, phát triển của công chức là sự phát triển và hoàn thiện của nhà nước pháp quyền. Xã hội càng phát triển bao nhiêu thì càng cần một đội ngũ công chức có năng lực, trình độ chuyên môn cao bấy nhiêu để đảm bảo quản lý và thúc đẩy xã hội phát triển.
Mỗi một quốc gia có những quan niệm và định nghĩa khác nhau về công chức, trong đó sự biểu hiện khác biệt lớn nhất là đối tượng, phạm vi công chức hay nói cách khác, sự khác nhau chính là ở chỗ xác định ai là công chức nhà nước. Mặc dù có sự khác nhau, song nhìn chung các quan niệm, định nghĩa đều cho rằng một người lao động tại một quốc gia nào đó nếu có đủ các đặc trưng sau đây đều là cán bộ công chức:
- Là công dân của quốc gia đó.
- Được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. - Được xếp vào ngạch.
- Được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Thừa hành các quyền lực nhà nước giao cho, chấp hành các công vụ của nhà nước.
Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, đã quy định:
- Khoản 1 Điều 4 quy định về cán bộ: “ Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
- Khoản 2 Điều 4 quy định về công chức: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh các khái niệm “cán bộ”, “công chức” là khái niệm “viên chức”. Luật Viên chức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Điều 2 quy định: “Viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Từ các khái niệm được quy định tại 02 văn bản Luật trên, chúng ta có thể phân biệt khái niệm “cán bộ”, “công chức”, “viên chức” theo các tiêu chí cơ bản sau:
Bảng 2.1: Bảng phân biệt cán bộ, công chức, viên chức
Tiêu chí cơ
bản Cán bộ Công chức Viên chức
1. Tính chất
- Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý; nhân danh quyền lực chính trị, quyền lực công. - Theo nhiệm kỳ. - Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý. - Thực hiện công vụ thường xuyên - Thực hiện chức năng xã hội, trực tiếp thực hiện kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu. - Thực hiện các hoạt động thuần túy mang tính nghiệp vụ, chuyên môn. 2. Nguồn gốc, trách nhiệm pháp lý
- Được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, trong biên chế.
- Trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Thi tuyển, bổ nhiệm, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong biên chế. - Trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính của công chức - Xét tuyển, ký hợp đồng làm việc. - Trách nhiệm trước cơ quan, người đứng đầu tổ chức, cơ quan xét tuyển, ký hợp đồng. 3. Chế độ lương
Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo vị trí, chức danh.
Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo ngạch bậc. Lương hưởng một phần từ ngân sách, còn lại là nguồn thu sự nghiệp. 4. Nơi làm việc
Cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội.
Cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức CT-XH, Quân đội, Công an, Toà án, Viện kiểm sát.
Đơn vị sự nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội. 5. Tiêu chí đánh giá - Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức, quản lý; - Tinh thần trách nhiệm; - Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ
- Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; - Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; - Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực thi nhiệm vụ; - Thái độ phục vụ nhân dân. - Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ;
- Hiệu quả công việc (số lượng, chất lượng). - Thái độ phục vụ nhân dân. 6. Hình thức kỷ luật Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, Bãi nhiệm. Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, uộc thôi việc.
2.3.2. Đặc điểm và vai trò của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tổ chức, cơ quan nhà nước của tổ chức, cơ quan nhà nước
2.3.2.1 Đặc điểm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tổ chức, cơ quan nhà nước cơ quan nhà nước
Cán bộ, công chức hành chính nhà nước là lực lượng trực tiếp thực thi các chức năng hành pháp của nhà nước, thực hiện quản lý và điều hành đất nước theo pháp luật và làm cho đất nước phát triển trên cơ sở đảm bảo kỷ cương phép nước. Các mệnh lệnh, quyết định quản lý trong mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội là do công chức hành chính triển khai thực hiện. Do vậy, cán bộ, công chức hành chính nhà nước có những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là chủ thể của nền công vụ, là những người thực thi công vụ và được Nhà nước đảm bảo các điều kiện cần thiết, quyền lợi chính đáng để có khả năng và yên tâm thực thi công vụ. Để thực hiện công vụ, người công chức được Nhà nước cung cấp các điều kiện cần thiết để tiến hành thực thi công vụ như trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc… Họ được đảm bảo các quyền lợi vật chất và tinh thần như: hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương xứng với chức trách và công việc, nhận các loại trợ cấp, phụ cấp khác bằng tiền hoặc hiện vật và lương hưu khi đủ thời gian cống hiến cho nền công vụ, được khen thưởng khi có công lao xứng đáng.
- Là lực lượng lao động chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao, có trình độ chuyên môn và được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước ở các mức độ khác nhau. Hơn nữa, chức năng cơ bản của cán bộ, công chức hành chính là thực thi công vụ, thực thi quyền lực nhà nước, thực thi pháp luật; đây là một dạng lao động đặc thù và phức tạp không cho phép có sai sót, không được vi phạm. Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động, chính đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là lực lượng sáng tạo pháp luật, tham mưu đề xuất những chủ trương, chính sách, pháp luật quản lý và phát triển xã hội, đất nước. Do vậy, cán bộ, công chức hành chính phải am hiểu và tinh thông pháp luật, thực hiện đúng pháp luật; nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn của mình.
- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tương đối ổn định, mang tính kế thừa, nhưng luôn đòi hỏi không ngừng nâng cao về chất lượng. Khác với công chức của một số nước, không có tính ổn định. Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính Việt Nam hoạt động ổn định, ít chịu biến động nhằm duy trì tính ổn định, liên tục của nền hành chính; họ được bảo hộ bằng quy định "biên chế nhà nước". Tuy nhiên, cơ chế này cũng tạo thành môi trường nuôi dưỡng sự thụ động, dựa dẫm, trì trệ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Bởi cán bộ, công chức đã thuộc diện biên chế chỉ trừ khi vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm đến mức bị kỷ luật buộc thôi việc còn thường thì họ làm việc từ khi được tuyển dụng cho đến khi nghỉ hưu.
- Hoạt động của đội ngũ công chức hành chính diễn ra thường xuyên, liên tục trên phạm vi rộng và mang tính phức tạp. Các cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, ngoại giao, an ninh quốc phòng với các mặt hoạt động hết sức phong phú và phức tạp gồm tài chính, ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán, thống kê, tín dụng, bảo hiểm, tài sản công, khoa học, công nghệ, môi trường, kế hoạch, xây dựng, bưu chính viễn thông, giao thông vật tải, nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục… Tất cả các hoạt động đó đều liên quan hàng ngày và trực tiếp hoặc gián tiến đến cuộc sống của tất cả mọi người dân, đòi hỏi hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đội ngũ công chức hành chính phải đủ năng lực, thẩm quyền để giải quyết tất cả các vấn đề thuộc phạm vi quản lý, điều hành một cách nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả.
- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải am hiểu và tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế. Trong điều kiện mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, tất yếu Nhà nước phải giải quyết các quan hệ pháp lý mang yếu tố quốc tế, đồng thời phải ký kết và thực hiện các công ước quốc tế, các tập quán và thông lệ quốc tế trong tất cả các lĩnh vực.
- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trung thành với Đảng, với Chính phủ, với Tổ quốc và nhân dân. Đây là đặc trưng cơ bản của đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam nói chung, xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta và từ đặc điểm lịch sử, quá trình cách mạng hình thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập với khu vực và quốc tế, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều quan hệ xã hội mới xuất hiện đòi hỏi cán bộ, công chức phải có những thay đổi tương ứng nhằm thích nghi và đủ khả năng giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng tiến bộ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặt trái của tiến trình hội nhập và nền kinh tế thị trường cũng đặt ra yêu cầu cán bộ, công chức nói chung phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, tận tâm, tận trí phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.