LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐÀOTẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC TỔ CHỨC
2.2.2. Tác dụng của đàotạo và phát triển nguồn nhân lực
Hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò, tác dụng rất to lớn đối với nền kinh tế xã hội nói chung cũng như đối với các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động nói riêng.
- Đối với doanh nghiệp: Đào tạo được xem như một yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Giờ đây, chất lượng nhân viên đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp. Nó giúp các doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề tổ chức, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kề cận và giúp cho doanh nghiệp phát triển, thích ứng kịp thời với sự thay đổi của xã hội. Quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thành công sẽ mang lại những lợi ích sau:
+ Nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thực hiện công việc. + Nâng cao chất lượng thực hiện công việc.
+ Giảm bớt được sự giám sát vì khi người lao động được đào tạo họ có thể tự giám sát được.
+ Tạo thái độ tán thành và hợp tác trong lao động.
+ Giảm bớt được tai nạn lao động vì nhiều tai nạn xảy ra là do những hạn chế của con người hơn là do những hạn chế của trang thiết bị, máy móc hay những hạn chế về điều kiện làm việc.
+ Nâng cao tính năng động, ổn định của tổ chức và đảm bảo giữ vững hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, ngay cả khi thiếu những người quan trọng do có nguồn nhân lực đào tạo dự trữ.
- Đối với người lao động: Giúp cho người lao động cập nhật các kỹ năng, kiến thức mới, áp dụng thành công các thay đổi về công nghệ, kỹ thuật. Nhờ có đào tạo và phát triển mà người lao động tránh được sự đào thải trong quá trình phát triển của tổ chức và xã hội. Đào tạo còn góp phần thoả mãn nhu cầu phát triển của người lao động.
- Đối với nền kinh tế xã hội: Giáo dục, đào tạo và phát triển năng lực của người lao động có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Sự phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp cũng chính là yếu tố tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.