Đông Hồ Hà Tiên.
a) Lịch sử địa chất hình thành đầm Đông Hồ Hà Tiên. Chúng ta hãy nghe các nhà khoa học có uy tín lý giải việc này:
Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch viết trong “Tờ trình về địa chất khoáng sản
huyện Hà Tiên - Kiên Giang”, ngày 15.4.1984 như sau: “Sự hoạt động của đứt gãy
tạo ra những khu nâng và khu sụp lún trong huyện. Khu Kiên Lương thuộc loại nâng,
mỗi năm cao lên 1m/m, tức là 5m từ thời Vua Hùng. Phía Mỹ Đức là khu sụp lún
chậm, cũng ở mức độ suýt soát với 1m/m/năm, cho nên có bồi tích phong phú; hoạt độmg lấn biển không quan trọng lắm trong giai đoạn đầu.Phải đợi đến gần đây, khối nâng Cà Mau hoạt động, nó khiến cho sông Giang Thành đổ ngược về nam, thì việc lấn biển mới trở nên rõ nét. Cấu trúc tăng trưởng của bồi tích ở nam Bình San chỉ được lý giải bằng cách ấy…Loại bồi tích này có tuổi từ 10.000 năm trở lại…Từ 10.000 đến 6.000 năm cách nay, biển tràn ngoài khơi vào, biến toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long thành biển nông, với mực nước cao 5m. Từ 6.000 năm đến nay, biển rút ra khơi, phơi bày trầm tích mặn đáy biển ra ngoài, mà trên đó vật liệu của lòng sông và của các dòng lũ hàng năm không ngớt bồi tụ. Về mặt khung cảnh trầm tích, Hà Tiên có môi trường của quần đảo đã nổi thành đất liền… Loại đầm mặn hiện nay đang lắng tụ ở Đông Hồ, ngày xưa có nhiều đầm mặn như Đông Hồ ngày nay…
huyện Hà Tiên có nhiều Đông Hồ cổ…”
Ảnh hưởng dòng thuỷ lưu ven bờ của vịnh Thái Lan và con sông cổ thuộc hệ thống sông cổ chảy qua Châu Đốc đổ xuống phía bắc Hà Tiên, sự thay đổi địa chất thời xưa đã kiến tạo tại cửa sông Giang Thành cái đầm mặn Đông Hồ. Người ta cũng được biết, vào thời kỳ biển tiến, biển ngập đến Biển Hồ (Campuchia), do đó biển ngập đến quanh vùng Bảy Núi và để lại những dấu vết: “Vùng Bảy Núi với chứng
tích vỏ hàu có tuổi phóng xạ 5.000 năm bám quanh núi Chóc”. Trước thời kỳ biển
tiến này, sông Cửu Long cũng đổ ra biển Đông, nhưng bằng nhiều cửa: “Cửa thứ
nhất chảy qua Cạnh Đền (Rạch Giá), cửa thứ hai nằm giữa 2 sông Vàm Cỏ, cửa thứ
ba nằm ở bắc Hà Tiên với chứng tích là các giòng đất cổ trong vùng Giang Thành và Vĩnh Điều”
Một số nhà khoa học nghiên cứu quá trình biển thoái từ thời điểm 2.000 năm trở lại đây có ý kiến về những việc xảy ra trong vùng Hà Tiên như sau:
“Cách đây 2.000 năm, trong lúc mực nước biển còn cao hơn mực nước biển
hiện đại 1,0 - 1,5 m (dấu tích còn ghi lại trên vách đá vôi núi Còm, gần nhà máy xi măng Hà Tiên) con sông Cửu Long bấy giờ chẻ cửa biển Châu Đốc để đổ về 2 cửa
Tiền Giang và Hậu Giang, trong khi cửa Hà Tiên vẫn giữ tình trạng vùng kín cực mặn”
Như vậy, từ rất nhiều đời, qua nhiều biến đổi của hiện tượng địa chất, cái đầm nước mặn thuộc thời kỳ 6.000 năm trước vẫn hiện diện tới nay. Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta một món quà vô giá, nên các thế hệ của người Việt Nam hôm nay và mai sau phải ra sức bảo vệ trong quá trình khai thác.
b) Công cuộc khai thác đầm Đông Hồ của họ Mạc.
b1.Thời kỳ Cảng Khẩu (Hà Tiên) nổi danh trong vùng.- Cảng Khầu là tên gọi
của thương cảng Hà Tiên thời xưa. Cảng Khẩu bao gồm toàn thể đầm Đông Hồ và cửa biển Hà Tiên. Sách chữ Pháp ghi Can Cao hay Kang K’ao là cách phiên âm tiếng Trung hoa theo giọng Triều Châu.
Dưới sự lãnh đạo của Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích (1700 - 1771) Hà Tiên là một thương cảng trù phú sầm uất.Tàu thuyền các xứ Quảng Đông, Đài Loan, Đàng Ngoài (tức phía Bắc Sông Gianh) Huế, Lữ Tống, Bồ Đào Nha, Anh, Batavia, Hạ Châu (Singapour)… tấp nập đến Hà Tiên trao đổi hàng hóa. Họ Mạc chủ trương khuyến khích nhân dân làm ruộng, đánh bắt. mua vô hàng hóa từ Campuchia. Hàng hóa chính để xuất khẩu là lúa gạo, cá khô, tôm khô, đậu khấu, ngà voi; đôi khi cũng có các đồ sành sứ, vì theo một số người sưu tầm đồ gốm sứ cổ, thời xưa ở vùng Mũi Nai, Hòn Đất có nhiều lò gốm sản xuất gạch ngói, nồi niêu, chén bát. Thông thường sản phẩm địa phương chỉ là những đồ dùng bằng đất nung. Nhưng họ Mạc cũng có gởi mua của Trung Quốc những bình chậu bát đĩa bằng sứ tráng men rất giá trị. Thời ấy, kinh tế của họ Mạc là tự do giải quyết mọi việc cung cầu. Hơn nữa ông Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn cho phép mở lò đúc tiền, khuếch trương kinh doanh. Chúa còn cấp cho 3 chiếc thuyền long bài đủ sức vượt biển khơi. Nhiều lần ông cử người giỏi lái thuyền đi tận Nhật Bản giao thương, mậu dịch.
b2. Công trình họ Mạc đã làm để khai thác đầm Đông Hồ.
Măc dù bờ bên phải của đầm Đông Hồ đã có Rạch Cua, Rạch Cóc, nhưng họ Mạc đã cho đào thêm kênh Mương Đào, mở rộng sông Rạch Ụ. Hai dòng sông này đều gối đầu lên lộ cái Hà Tiên - Xà Xía, cả 2 đều mở vàm ra Đông Hồ. Công ích của 2 dòng sông chủ yếu là tạo sự thuận lợi cho các tàu thuyền chở hàng lên bến. Tàu thuyền khi đến hoặc chưa đi thì neo đậu trong Đông Hồ. Họ Mạc không phân biệt tàu bản xứ hoặc tàu khách từ xa đến, cũng như các loại tàu biển hoặc tàu sông. Bằng 2 dòng sông này, khách buôn có thể tiếp nhận hoặc giao chuyển hàng hóa, vật dụng thiết yếu các thứ. Hàng hóa từ các nước đưa vào bán đi Cao Miên hoặc từ Cao Miên chở đến, đều được giữ gìn trong những vựa chứa hoặc bảo quản trong những nhà kho dưới núi Phù Dung (Đề Liêm). Hàng hóa mua bán sẽ được thanh toán ngay, khỏi bị chất đống phơi nắng dầm mưa ngoài lộ. Mãi đến năm 1820, ông Trịnh Hoài Đức còn ghi nhận cuộc sinh hoạt tấp nập của khu chợ này, dù sự kiện diễn ra trước đó, thuộc thời điểm của thế kỷ XVIII. Khi mô tả núi Phù Dung (tức núi Đề Liêm ngày nay), sách “Gia Định thành thông chí cho chúng ta hình dung được cảnh nhộn nhịp xô bồ
của cái chợ đầu mối rất nhiều hàng hóa này: “Núi Phù Dung cách trấn thự về phía
Tây bắc hơn một dặm, hang động xanh rì, chùa Phù Dung ở phía tây nam núi, tiếng
chuông lẫn tiếng mõ, tiếng kinh kệ xen vào tiếng chợ búa, thực là nơi nửa tăng nửa tục”
b3. Công cuộc bảo trì và đóng mới tàu thuyền.
Ghe thuyền vào ăn hàng tại Cảng Khẩu, nếu gặp trắc trở bị hư hỏng sẽ đưa lên bãi sửa chữa ngay dưới chân núi Ngũ Hổ. Con rạch Ụ sẽ đưa tàu vào tận bến, lên lề và được sửa chữa. Con rạch này, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn gọi là Thủy Trường giang, (Thủy là nước; Trường là bãi rộng; Giang là sông) tức là con sông có bãi rộng sửa chữa ghe thuyền, ta nói gọn là rạch Ụ. Bãi sửa chữa ghe thuyền của họ Mạc ngày xưa được ông Trịnh Hoài Đức chỉ rất rõ “Từ
cửa tả đến xưởng thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, (…) phía bắc miếu Hội Đồng
có xưởng đóng thuyền. Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, thật là một nơi đô hội miền biển.”
Đây xin nói rõ thêm, khu đất rộng làm xưởng sửa chữa thuyền của Mạc Thiên Tích nằm dưới chân núi Ngũ Hổ. Vào thời cai quản của người Pháp, họ sử dụng làm sân vận động. Đến tay người Mỹ dùng làm căn cứ Hải thuyền. Nay là khu đất bao gồm Văn Phòng Thị ủy, Hội trường Thị ủy và Văn Phòng Ủy ban nhân dân thị xã Hà Tiên.
Riêng khu đất trống kẹt giữa 4 con đường Tô Châu, Bạch Đằng, Mạc Cửu và Chi Lăng, trong dó có Trường Trung học Cơ sở Đông Hồ I và một số nhà dân, chính là bãi đóng mới các tàu, thuyền. Sách Gia Định thành thông chí chỉ rõ: “Phía Bắc
miếu Hội Đồng có xưởng đóng thuyền” Miếu Hội Đồng chính là Đình thần Thành
Hoàng Hà Tiên ngày nay.
Như vậy, rạch Mương Đào và rạch Ụ là hai đầu mối lên hàng xuống tải, ngày đêm hoạt dộng tấp nập. Vào những thời hoàng kim nhất, ghe bầu cỡ lớn hoặc ghe cà dom trọng tải hàng trăm giạ lúa đều có thể đi vào hai con kinh này. Xưa kia ven bờ phải của đầm Đông Hồ vẫn còn rất sâu, mọi thứ tàu thuyền ghe lớn đều có thể neo đậu được. Khoảng các năm trước đây, nhiều ghe có lườn sâu, trọng tải lớn từ các tỉnh lân cận vẫn còn dùng rạch Cua, rạch Mương Đào để vào tận Cầu Giữa mua dưa hấu chở đi Sài Gòn, Gia Định. Ban đêm, đèn thắp sáng choang cả một khúc lộ. Trên lộ dưới thuyền, người mua kẻ bán trả giá râm ran. Xe bò chở dưa từ Mũi Nai - Xà Xía đậu cả một khúc đường trên trăm mét. Vì thế khoảng các năm 50 của thế kỷ XX, mùa dưa Tết ở chợ Bến Thành - chợ Lớn Mới người ta đều rôm rả chào mời thương hiệu Dưa Hà Tiên. Ngày nay thương hiệu này có còn được ai nhắc đến nữa không?
b4. Nguyên nhân nào con người làm hư hỏng Đông Hồ.
Lý do kinh Vĩnh Tế, rạch Giang Thành, hàng năm đổ ra Đông Hồ và biển Hà Tiên một khối phù sa vô cùng lớn. Khi ra khỏi vàm sông Giang Thành, phù sa lắng tụ tạo thành cồn, cản trước vàm sông. Từ đó có địa danh Vàm Hàn. Có thể nói, chỉ từ khoảng đầu thế kỷ XX, khi người Pháp thực hiện công cuộc đào vét, khơi dòng cho
rạch Giang Thành, mới có một số cù lao nổi lên giữa lòng hồ. Trước đó, để thực hiện công cuộc đào vét, họ cho đóng cừ tràm thành một luồng lạch thẳng, từ Vàm Hàn trở ra đến giữa đầm. Sau họ dùng tàu vét đào sâu lối ra vào rạch Giang Thành, phá vỡ cồn cát Vàm Hàn, cho ghe thuyền di chuyển được dễ dàng. Đôi chỗ hàng cừ của hai bên bờ luồng lạch đã bị sạt gãy, đất vét lòng lạch đổ lên bị nước cuốn trôi mất, người ta gọi đó là khúc cừ đứt. Không lâu bờ lạch chỗ còn chỗ mất, rồi cây cối mọc lên, tạo thành những cù lao ở giữa đầm. Chỗ nào bằng phẳng, dân cư tựu họp sinh sống, gồm người làm củi, khai thác lá dừa nước, chài cá bắt cua, lập thành ấp Cừ Đứt. Giả sử người ta tiếp tục đào sâu lòng hồ, không ngăn chận dòng chảy ra biển, quá trình bồi tụ làm cạn Đông Hồ có lẽ sẽ chậm hơn chứ không quá nhanh như hiện trạng.
b5. Một vài địa điểm mang hoài niệm đáng ghi nhớ
Phía Đông Nam đầm Đông Hồ có con rạch Cái Tắt thông với rạch Vược (chữ gọi Lư Khê, nay là rạch Núi). Đây cũng là 2 con rạch liên hệ với Mạc Thiên Tích và sự tồn vong của nó cũng ảnh hưởng đến đầm Đông Hồ.
Rạch Cái Tắt như tên gọi là con đường nước ngắn,đi tắt từ Đông Hồ qua rạch Vược. Nếu chúng ta nhớ lại, khi người Pháp chưa mở kênh Rạch Giá - Hà Tiên và đường lộ đá Hà Tiên - Hòn Chông chưa được khai thông, thì người dân ở xóm vàm Lư Khê chỉ có 2 cách đi Hà Tiên: một là chèo ghe đi bọc ngoài biển, từ cửa Rạch Vược qua cửa Kim Dự rồi vào Đông Hồ, hai là đi đường trong, từ rạch Vược theo rạch Cái Tắt trổ ra Đông Hồ rồi đến Hà Tiên. Đi đường trong được êm sóng, lặng gió hơn. Từ thời Mạc Thiên Tích, ông thường dùng lối đi này để qua rạch Vược, đến nơi Điếu Đình câu cá và làm thơ. Nơi đây ông có cảm hứng làm được 30 bài thơ, gieo vần phong phú gọi là Tam thập bình thanh vận làm theo phép Bội văn vận phủ gồm có 15 vần Thượng bình thanh và 15 vần Hạ bình thanh, lấy cùng một nhan đề Lư Khê
Nhàn Điếu thi, Đồng thời ông cũng sáng tác một bài phú hơn trăm lời nói lên những
suy tư sâu lắng về hoài bảo và tâm sự của kiếp nhân sinh, tựa Lư Khê Nhàn Điếu phú. Tất cả những bài Lư Khê Nhàn Điếu gồm thơ và phú này đăng trong tập Minh
Bột Di Ngư thi thảo. Tập thơ này dù đã được Trịnh Hoài Đức cho khắc in lại vào
năm 1821, nhưng đến nay cũng thất truyền. Nếu chúng tôi không lầm, chính ông Mạc Thiên Tích đã nảy ra ý tưởng tạo thành khúc Rạch Cái Tắt, nối đầm Đông Hồ với rạch Vược. Trong bài Nam Phố Trừng Ba, tác giả họ Mạc muốn nói bãi Nam Phố nằm giữa 2 cửa biển thông nhau bởi đầm Đông Hồ, bằng những câu thơ vắn gọn ông dẫn đường cho du khách trên Đông Hồ đến với nghệ thuật ẩm thực rất gần gũi mà rất sẵn ở Lư Khê: “Thích ai gỏi vược rau thuần/Giang hồ du khách mở gần hải môn”
Nếu ta nói cửa Hà Tiên là cửa biển thứ nhất, cửa Lư Khê (hay cửa rạch Vược) là cửa thứ 2, thì câu thơ của họ Mạc sẽ rõ nghĩa: “Nếu ai có thích gỏi cá vược ăn với rau thuần (là loại rau thơm, tục gọi rau tần), xin mời du khách ở Hồ Đông hãy vào -
hoặc ra - bằng 2 cửa biển”. Như vậy chẳng phải nhà thơ họ Mạc thời xưa đã khai
thác Đông Hồ rất là hào hoa phong vị hay sao?
c1. Về mặt văn hóa.
Đời sống xã hội và ngành nghề người dân ven đầm quả là phong phú vì tài nguyên lúc nào cũng dồi dào. Tại thị Xã nơi bờ bắc dân cư đông đảo, rất đa dạng. Nơi đây có nhiều tôn giáo và nhiều ngành nghề. Bờ nam liền sát chân núi Tô Châu từ xưa dân cư cũng rất trù mật.
Tín ngưỡng có nhiều chùa chiền, miếu mạo từ rất lâu đời. Các tôn giáo mở ra
theo nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Trên núi nhiều chùa Phật: Chùa Ngọc Tiên, chùa Ngọc Đăng, am Sư Khiết tại Cây Đa Bảy Gốc. Dưới núi có Thánh Thất Cao Đài, miếu Ông Bắc Đế, miếu Bà Mã Châu. Người làm nghề sông nước thì thờ miếu Bà Cậu ở Vàm Hàn, miếu Bà Thủy ở hòn Tiểu Kim Dự…
Ngành nghề khi đầm Đông Hồ còn sâu, nước đầy lênh láng đây là vùng ngập
mặn. Đầm có 2 con nước, mùa nước đổ, dòng nước pha chè (hay nước lợ). Mùa nước
kém, nước mặn, thực vật đa dạng, có nhiều cá tôm, thủy sản các loại. - Nghề chài lưới: Dân làm ăn trên đầm dùng ghe xuồng nhỏ: xuồng máy, ghe
tắc - ráng, xuồng ba lá. Phương tiện đánh bắt có đăng, đó, chà, nò, lọp, đáy, rớ, chài, lưới, câu, xiệp… Nhiều người ở Tô Châu, Cừ Đứt cũng sở hữu tàu hoặc ghe biển đánh bắt ngoài khơi… Chuyên chở hàng lớn, dùng ghe lường, ghe cà dom có gắn động cơ.
- Khai thác gỗ: Quanh hồ rừng ngập mặn sản sanh nhiều loại cây cất nhà và cây công nghiệp như: đước, vẹt, su, dà, cóc. Nghề củi có tràm, bần, mắm, giá. Lợp nhà thì rất sẵn lá dừa nước ở ven bờ (rạch Giang Thành, rạch Cái Tắc, kênh Rạch Giá - Hà Tiên).
c2. Về mặt văn học.
Các tác giả cổ điển là Mạc Thiên Tích và 31 thi nhân của Tao Đàn Chiêu Anh Các đã sáng tác 32 bài thơ mang tựa đề Đông Hồ Ấn Nguyệt, ca ngợi cảnh mặt trăng dọi bóng xuống Đông Hồ. Đây không chép hết ra, vì sợ làm mất thì giờ quí vị. Riêng có một ông khách đặc biệt của Mạc Thiên Tích là ông Trần Trí Khải, người dựng cờ khai mạc Tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736. Chúng ta cần nhắc nhở đến ông. Là người Nam Hải, ông không có thơ trong tập Hà Tiên Thập Vịnh, nhưng ông có viết một bài bạt cho tập thơ chữ Hán này, khi sách được khắc in năm 1737. Ông lại có làm thơ hồi văn đề vịnh Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh. Trong bài Thu Cảnh của ông, có 2 câu: “Trung dạ vịnh thu đam Việt khách/Không thiên kiến nguyệt phiếm tra du” (Thi