BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, DU LỊCH HÀ TIÊN

Một phần của tài liệu ĐỊNH HưỚNG QUI HOẠCH bảo tồn và PHÁT TRIỂN đầm ĐÔNG hồ VIỆT NAM (Trang 152 - 156)

- TS Dƣơng Văn N

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, DU LỊCH HÀ TIÊN

VĂN HÓA, DU LỊCH HÀ TIÊN

- Lâm nghĩa Sỹ -

Chuyên viên cao cấp, VP TU Kiên Giang

Thưa chủ toạ hội thảo Thưa tất cả quý đại biểu.

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, ngày nay, Hà Tiên là một đô thị không lớn, nhưng là một đô thị có nét rất riêng độc đáo trong những đô thị ở ĐBSCL. Nói là nét riêng độc đáo, vì Hà Tiên tuy không lớn về diện tích, về dân số, về quy mô kiến trúc xây dựng, nhưng lại là một đô thị chứa trong lòng nó có núi có sông. Hà Tiên không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là điểm dừng lắng đọng của du khách gần xa, kể cả những du khách từ các châu lục khác khi đến Kiên Giang.

Hà Tiên, một bề dày lịch sử, đủ để hậu thế trầm ngâm suy ngẫm về những khúc bi hùng, của lịch sử một thời tiền nhân ta mở đất phương Nam. Một phong cảnh sơn thuỷ xinh đẹp hữu tình, đủ để khách lãng du tần ngần trước cảnh núi xanh, sông rộng, biển khơi, cò bay về núi, động đá nuốt mây, trăng treo đỉnh núi hay in bóng rực sáng mặt đầm... Một áng văn thơ tuy ở xa xôi biên ải, nhưng cũng đủ sức lay động trái tim của những tao nhân mặc khách đa tình vương vấn luỵ văn chương. Bên cạnh đó, một vùng biển xanh, êm đềm quanh năm với đầy ắp cá tôm, đủ sức nuôi sống và đem lại sự thong dong cho bao thế hệ con người Hà Tiên gắn liền với những biến động lịch sử, với biển cả, gió mưa.

Hà Tiên, với những nội dung tôi xin nêu ra sau đây, một giá trị đã được nhiều người biết đến, nói đến, cần được phát huy ở một cấp độ cao và nhanh hơn, nhưng thực sự cũng đang đứng trước những vấn đề đặt ra khá phong phú bộn bề, đồng thời cũng hàm chứa những mâu thuẫn khá gay gắt không đơn giản chút nào trong bước đi lên sắp tới.

Thứ nhất: Di sản lịch sử, văn hoá và du lịch Hà tiên - Bảo tồn và phát huy.

Thực ra, đến hôm nay, đặt ra vấn đề bảo tồn di sản lịch sử, văn hoá, du lịch của Hà Tiên và phát huy những giá trị này, tôi nghĩ là đã muộn màng, tuy cần thiết và nên làm. Có một thực tế đã và đang diễn ra là, nhiều giá trị cổ của Hà Tiên đã và đang mất dần, cả văn hoá vật thể lẫn phi vật thể. Trong khi đó, tình hình phục hồi văn hoá cổ ở một số địa phương khác vừa qua, bên cạnh mặt tích cực, lại tạo ra sự băn khoăn cho nhiều người am hiểu và tâm huyết với di sản của cha ông, bởi bóng dáng của sự hỗn tạp, lai căng, khi những công trình đã được phục dựng hiện ra trước mắt mọi người.

Để phát huy di sản lịch sử, văn hoá và cảnh quan Hà Tiên, tôi nghĩ, trước tiên cần có sự kiểm kê khẩn trương và toàn diện một cách nghiêm túc, kịp thời. Không

làm thế, sẽ không thể biết di sản lịch sử, văn hoá, cảnh quan Hà Tiên là gồm những gì? Cái gì đã mất. Cái gì còn. Có phải chăng, lịch sử Hà Tiên chỉ là những tháng năm họ Mạc mở đất và giữ đất?. Có phải chăng, văn hoá Hà tiên chỉ là những áng văn thơ của Tao đàn Chiêu anh Các, kể cả những bài viết, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tâm huyết?. Tôi thì nghĩ, lịch sử Hà Tiên, ngoài tao đàn Chiêu Anh Các, còn là một vùng văn hoá đặc biệt, với sự giao thoa rất rõ của 3 dòng văn hoá Kinh, Hoa, Khmer suốt 3 thế kỷ, trên từng chi tiết nhỏ, trong đời sống bình thường ở đất Hà Tiên, ở từng công trình còn lại hôm nay, dưới từng mái nhà của những hộ dân rất đỗi bình thường. Đó là văn hoá giao tiếp, ứng xử của người Hà Tiên, với nét rất riêng không lẫn vào đâu được, trong bề rộng và bề dày của văn hoá Việt đa dạng. Không kiểm kê những cái đó, sẽ là thiếu sót, rất thiếu sót. Và khi cần phát huy, sẽ rất không đầy đủ, bởi thiếu bóng dáng của những dân cư bình thường, nhưng vẫn đậm nét trong lịch sử mở đất phương Nam, đất Hà Tiên. Mà lịch sử, tự ngàn xưa, dù ở trời Đông hay phương Tây, đâu chỉ là của riêng danh nhân hay giai nhân, của nhà thơ hay tướng lĩnh.

Một công việc cần thiết nữa là: Sau kiểm kê, cần có sự tổng hợp, phân tích, đánh giá chính xác, chân thực theo quan điểm khách quan, cụ thể, khoa học và phát triển đối với những gì đã thu thập được, với một nhãn quan xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất Hà Tiên, đặt trong một bối cảnh của vùng đất mới 300 năm đầy biến động lịch sử, vì thế, nội hàm và phương thức biểu hiện của văn hoá cũng thể hiện sự biến động của vùng đất đó. Có như thế, mới có sự công nhận rõ ràng, chính thức văn hoá đặc sắc của một vùng đất. Sau đó là đặt đúng vị trí, giá trị của văn hoá Hà Tiên trong di sản văn hoá chung của vùng, của cả nước.

Vấn đề bảo tồn di sản lịch sử, văn hoá, du lịch văn hoá Hà tiên.

Thực ra, sau kiểm kê, mới có thể biết được cần phải bảo tồn những gì. Bởi, không thể giữ lại tất cả những gì mà Hà Tiên đã có. Vả lại, với dòng chảy thời gian và ở thời điểm hiện tại hôm nay, không thể và không cần thiềt phải giữ lại tất cả. Và trong thực tế, chúng ta không thể biết được hết tất cả những gì mà Hà Tiên đã trải qua, đã từng có. Ngay cả cái đã có, có cái đã mất đi ngay trước mắt chúng ta thời gian qua, mất một cách hiển nhiên trong sự nuối tiếc của bao người, bởi tác động của sức mạnh đồng tiền thời kinh tế thị trường, cộng với sự vô trách nhiệm, hay nói một cách khác hơn là sự kém cỏi thiếu văn hoá của một số người nào đó. Họ làm văn hoá, nhân danh văn hoá, nhưng lại là những người thiếu những hiểu biết cơ bản về văn hoá, xâm hại trực tiếp di sản văn hoá với những lập luận của đồng tiền. Hà Tiên thập cảnh đang bị xâm hại. Có cái gần như không còn, dù dấu ấn vẫn còn đó trong tâm thức bao người. Dấu tích Phương Thành còn không ? Nếu còn, làm sao giữ lại và nhất là làm sao để người dân chiêm ngưỡng vật chứng lịch sử? Chúng ta thật đau lòng, khi một nhà hàng khách sạn hình thành và chình ình nằm đó trên Kim Dự lan đào từ bao năm qua. Chúng ta băn khoăn biết bao khi thấy cảnh bê tông hoá ngày càng đậm nét ở nhiều thắng cảnh như Bãi Sau, Núi Đèn, Đông Hồ. Thật xót xa với

thực tế nhếch nhác ở khu Thạch Động. Thật buồn lòng khi Lư Khê biến mất, tan tác cảnh quan rừng trên núi Tô Châu. Và cảnh thương mại hoá đang diễn ra ở không ít cơ sở thờ tự gắn liền với lịch sử Hà Tiên. Có một thực tế đang diễn ra ở Hà Tiên, với những công trình được và chưa được, những hoạt động kinh tế, xây dựng đang có xu hướng làm cho Hà Tiên biến dạng một cách đáng lo ngại. Đó là sự thay đổi cảnh quan, sự biến mất dần của rừng và cây xanh cảnh quan trên núi đá vôi, sự hiện diện của văn hoá phân lô, văn hoá hình ống, cũng như tình trạng bào mòn văn hoá giao tiếp, thô thiển văn hoá thương mại và nhạt dần quan hệ dân cư. Trữ lượng văn hoá vốn cổ Hà Tiên đang phai dần trong từng cá thể, từng động thái quản lý chứa đựng những yếu tố thực dụng...

Đâu rồi cảnh quan đẹp đẽ và không khí trang nghiêm chốn cửa thiền của Phù Dung cổ tự, của thơ mộng Đông Hồ, Tô Châu? Đó là những cái đáng lo ngại trong quá trình phát triển của Hà Tiên. Bởi nếu không khéo, vẫn sẽ có một đô thị Hà Tiên về cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng sẽ không thể phân định được đâu là cái riêng, rất riêng của Hà Tiên trong từng nét xây dựng, hoặc đời sống dân cư, chưa nói đến những hoạt động văn học nghệ thuật đăc trưng. Bởi, sẽ không thể nào phân biệt nổi với bao đô thị khác, nếu cũng chỉ là tổng số của những công trình cứng ngắc bê tông, khi những nhà quản lý chỉ hiểu rằng: Mục tiêu xây dựng Hà Tiên trở thành đô thị văn hoá - du lịch chỉ là đạt đô thị loại mấy của cấp độ đô thị?. Nếu châm bẩm mục tiêu phấn đấu là đô thị loại 3, loại 2, chúng ta sẽ không thể nào có một Hà Tiên đặc nét Hà Tiên. Trong khi, nhiều nơi khác, muốn có một chút gì riêng như Hà Tiên, mà vẫn không sao có được. Hãy nhớ cho, đừng để mất những gì không đáng mất. Đó là điều vô cùng cần thiết.

Tất cả, tất cả những cái đó đang đặt ra cho chúng ta, những con người hôm nay phải hành động ngay, không thể chần chừ được nữa, nếu không muốn mãi mãi mất Hà Tiên.

Vấn đề phát huy:

Muốn phát huy di sản lịch sử, văn hoá và thế mạnh du lịch của Hà Tiên cần có nhận thức mới và sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo, về cách điều hành sao cho một đô thị Hà Tiên lịch sử - văn hoá - du lịch sớm hiện ra.

Qua kiểm kê, chúng ta sẽ thấy được những giá trị văn hoá đó đã mất gì, còn gì, cần được đặt ở vị trí nào trong bình diện chung của vùng và cả nước. Thế nhưng, để phát huy, thì tôi nghĩ, phải xem xét đến những đặc trưng, những yếu tố và điều kiện cụ thể của giai đoạn xã hội hiện tại. Bởi chúng ta không thể phục dựng lại nguyên xi tất cả, không thể tái hiện lại toàn bộ, rồi kêu quần chúng phải thưởng thức, phải ngưỡng vọng. Tôi nghĩ, để phát huy có hiệu quả xã hội cao, thì cần có sự chọn lọc một cách thật khách quan, trên cơ sở khoa học, cụ thể, xác định rõ nhu cầu của xã hội, của quần chúng, những gì ta cần hướng dẫn thị hiếu văn hoá cho quần chúng. Từ đó, có thể chọn ra những cái gì phù hợp cần đưa trở lại đời sống nhân dân trong xã hội hiện đại. Cần đưa nội dung gì trong văn thơ Chiêu Anh Các vào trường học và

vào các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật hiện đại? Lớp trẻ ngày nay sẽ cảm thụ, sẽ tiếp nhận thế nào những áng văn thơ xưa? Nhân dân Hà Tiên và cả vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ sẽ thấy cái gì của Hà Tiên xưa cần nên tái hiện, mà cái đó cần thiết cho cuộc sống hôm nay? Cái ăn, cái ở, cái mặc, cách giao tiếp ứng xử của Hà Tiên xưa cần phải được tái hiện như thế nào, để có thể đi vào đời sống xã hội hiện đại hôm nay một cách thiết thực, hữu ích mà không khiên cưỡng? Tất cả, tất cả những cái đó, theo tôi cần đựợc tính toán lại thận trọng, trên cơ sở một đề án thật cụ thể, theo hướng tôn trọng lịch sử, quá khứ, nhưng đảm bảo phù hợp với xu thế thời đại. Từ đó, mới có thể đem lại một kết quả chắc chắn và thuyết phục người dân Hà Tiên cũng như du khách gần xa.

Cần xác định rõ xây dựng đô thị lịch sử - văn hoá - du lịch là xây dựng những gì, nội hàm đô thị lịch sử - văn hoá - du lịch gồm những gì, phải tiến hành như thế nào, tiến hành với cái gì? Không xác định rõ những nội dung đó, sẽ không thể hình dung, nói chi là xác định được phải làm cụ thể cái gì, làm với cái gì, làm thế nào và ai sẽ làm gì? Một đô thị văn hoá sẽ có khu phố cổ hoặc còn phần nào đó cổ, song hành với những khu nhà phố hiện đại cao tầng? Quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc cũng như kiến trúc cụ thể của đô thị Hà Tiên sẽ phải như thế nào, về tổng thể cũng như từng khu chức năng, từng khu phố cụ thể? Văn hoá ăn phải như thế nào? Mặc thế nào? Giao tiếp, ứng xử ở ngoài đường, trong chợ, cơ quan, nơi công cộng như thế nào? Phải có những chính sách, giải pháp gì cụ thể, làm cú hích cho phát triển văn hoá - du lịch Hà Tiên? Phải xã hội hoá nguồn lực phát triển như thế nào? v.v và v..v...

Vấn đề sau cùng: văn hoá lãnh đạo của Hà Tiên

Muốn có một Hà Tiên văn hoá - du lịch, mà văn hoá là cái hồn của du lịch, là cơ sở để phát triển du lịch, thì không thể không nói đến văn hoá lãnh đạo, nói chính xác hơn là văn hoá của lãnh đạo, văn hoá để lãnh đạo và xây dựng Hà Tiên. Muốn có một Hà Tiên đô thị văn hoá, trước hết lãnh đạo và quản lý Hà Tiên phải là những hình ảnh tiêu biểu đi đầu trong xây dựng nội hàm văn hoá mang đặc trưng Hà Tiên. Muốn văn hoá thấm đậm trong dân, trước hết phải thấm đậm trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và lực lượng nòng cốt để dễ lan tỏa. Nói thì dân nghe. Nhưng làm và làm đúng, làm tốt, dân mới tin, nhất là mới làm theo. Đó là điều bình thường, rất đỗi bình thường, nhưng luôn là chân lý, như đông đảo chúng ta đang học theo gương Bác Hồ, nhưng làm theo mới là quan trọng, mới là quyết định kết cục.

Thưa quý đại biểu.

Trên đây là những suy nghĩ rất chưa chín chắn của một người, dù rất tâm huyết với Hà Tiên, với lịch sử văn hoá Hà Tiên. Mong rằng, những suy nghĩ này sẽ được quý đại biểu suy nghĩ và đánh giá. Xin chân thành cám ơn./.

Một phần của tài liệu ĐỊNH HưỚNG QUI HOẠCH bảo tồn và PHÁT TRIỂN đầm ĐÔNG hồ VIỆT NAM (Trang 152 - 156)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)