Một số hàm ý khuyến nghị

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối trường kinh tế và kinh doanh năm 2021 (Volume 2) (Trang 901 - 904)

FINANCIAL TECHNOLOGY AND OTHER RELATING ISSUES

5. Một số hàm ý khuyến nghị

- Về nhân tố đặc điểm của chương trình CLC và cảm nhận của sinh viên

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố đặc điểm của chương trình CLC và cảm nhận của sinh viên có tác động trực tiếp và quan trọng nhất đến quyết định học chương trình CLC. Từ kết quả nghiên cứu tác giả nhận thấy rằng sinh viên nhận thức rõ những điểm khác nhau giữa hai chương trình đào tạo CLC và chương trình đại trà ở các điểm như là các vấn đề về cơ sở vật chất, giảng viên, các nhân tố đầu ra… Tuy nhiên trên thực tế thông qua việc khảo sát trực tiếp và phỏng vấn các sinh viên về giảng viên giảng dạy chương trình tác giả nhận thấy hệ thống phòng học, các trang thiết bị dạy và học phục vụ cho chương trình CLC chưa có sự khác biệt lớn so với chương trình đại trà. Do vậy, để tăng cảm nhận của sinh viên khi theo học chương trình CLC tại các trường đại học thuộc khối kinh tế cần hoàn thiện nâng cấp các cơ sở vật chất, hệ thống phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, cũng như tăng cường chất lượng của đội ngũ giảng viên… Sinh viên cũng quan tâm đến danh tiếng và uy tín của các trường đại học thuộc khối kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do vậy việc nâng cao danh tiếng, uy tín của các trường đại học thuộc khối kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn là những vấn đề chiến lược. Hiện nay nhiều trường đại học thuộc khối kinh tế có uy tín trong lĩnh vực kinh tế đã và đang triển khai các chương trình liên kết với các các trường đại học trên thế giới và các tổ chức lớn trên thế giới. Vì vậy hướng tới việc mở rộng ngành, liên kết quốc tế với các tổ chức, các trường đại học có nền giáo dục phát triển cũng là những phương án đáng để quan tâm. Không những vậy để nâng cao cảm nhận của sinh viên CLC các trường đại học khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội có thể cân nhắc việc tăng thêm các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, du học sinh học tập cùng các sinh viên từ đó tạo động lực cho sinh viên và khơi dậy hứng thú học tập trong họ.

Tăng cường cơ hội du học của sinh viên cũng là một vấn đề quan trọng. Nghiên cứu cho thấy sinh viên cũng dành sự quan tâm đến các cơ hội du học. Để tăng tỷ lệ sinh viên du học, ban quản lý chương trình có thể xem xét các vấn đề liên quan như bảo đảm ngoại ngữ đạt chuẩn, tìm kiếm nguồn cung học bổng cho sinh viên xuất sắc nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hỗ trợ thông tin liên quan đến cách thức học tập, sinh sống ở nước ngoài cho sinh viên. Việc tăng cường cơ hội du học làm cho sinh viên ưu tiên chọn chương trình đào tạo CLC hơn các chương trình đào tạo khác.

- Về nhân tố nhân tố cá nhân

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên chọn ngành học dựa trên sở thích và điểm mạnh của mỗi sinh viên. Sinh viên chọn ngành học do muốn phát triển các điểm mạnh của bản thân.

Như vậy cho thấy giai đoạn định hướng nghề nghiệp, sở thích là một nhiệm vụ rất quan trọng ngay từ ban đầu. Vì vậy nhà trường có thể suy nghĩ đến việc hợp tác với các trường THPT và tổ chức các buổi hướng nghiệp, các buổi tham quan trường… Không những vậy sinh viên cũng quan tâm đến việc phát triển các kỹ năng mềm, do đó tác giả kiến nghị nhà trường đẩy mạnh sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong các hoạt động dạy và học, tăng cường các hoạt động thực tiễn như các chuyến đi thực tế tại doanh nghiệp, các cuộc thi ứng dụng kiến thức vào thực tiễn… giúp sinh viên có động lực, hứng thú hơn trong quá trình học tập.

- Về nhân tố truyền thông

Đối với vấn đề truyền thông, hiện nay việc cạnh tranh giữa các trường càng trở nên gay gắt sau khi hàng loạt các trường tiến hành tự chủ về tài chính. Vì vậy, để thu hút sinh viên, các trường đại học khối kinh tế cần đẩy mạnh truyền thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là các trang mạng xã hội. Theo kết quả thống kê mô tả của nghiên cứu, nguồn thông tin mà sinh viên biết đến chương trình CLC chủ yếu đến từ mạng xã hội và hoạt động truyền thông của nhà trường. Mặt khác, theo thống kê về việc sử dụng internet tại Việt Nam, hiện nay đang có 65 triệu người sử dụng mạng xã hội việc cập nhật thông tin thông qua các mạng xã hội đã và đang trở thành thói quen của phần đông dân số nước ta. Vì thế việc cập nhật các thông tin tuyển sinh nhanh chóng kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của các sĩ tử là một việc nên ưu tiên hàng đầu của bộ phận truyền thông của các trường đại học khối kinh tế.

Hiện nay, bất kỳ một trường đại học nào đều đã có website chính thức và fanpage trên các mạng xã hội. Vì vậy cần tiếp tục phát huy những thế mạnh hiện có. Đồng thời, để hấp dẫn thêm nhiều học sinh dự thi hơn hay muốn nâng cao vị thế, uy tín bằng chất lượng học sinh đầu vào thì nên bắt tay vào xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho riêng mình, cụ thể hơn như nâng cấp website với nhiều thông tin hơn cho đối tượng học sinh muốn dự thi tham khảo như giới thiệu về ngành nghề mà trường đào tạo, cơ hội học bổng và đồng thời cũng thống kê qua nhiều năm về tỷ lệ chọi, điểm chuẩn hay các tỷ lệ khác về đầu ra như tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm của các sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, thông điệp quảng bá của chương trình có thể nhấn mạnh vào các nhân tố vốn là điểm mạnh hiện có của chương trình CLC bao gồm cơ hội du học, cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường Đại học, môi trường học tập bằng ngoại ngữ, được học với giáo viên nước ngoài, cơ hội việc làm và danh tiếng của đối tác đào tạo.

Bên cạnh kênh thông tin truyền thông, các website của trường là một trong những kênh có mức ảnh hưởng đến sinh viên thì nhà trường nên đồng thời khai thác tốt hơn một số kênh khác như hoạt động tư vấn tuyển sinh và chuyên viên tư vấn tuyển sinh. Trong kết quả nghiên cứu, tác giả nhận thấy có đến 51,4% sinh viên sinh sống ở nông thôn mà thực tế cho thấy việc cập nhật thông tin ở nông thôn thường kém so với thành thị. Vậy nên hoạt động

truyền thông, tuyển sinh thông qua phía các trường cấp ba, mở các tour tham quan trường, các buổi hướng nghiệp cho học sinh THPT cũng là các ý kiến đáng để xem xét.

- Về nhân tố học phí

Về nhân tố học phí, nghiên cứu đã chỉ ra rằng học phí tác động cùng chiều đến quyết định học chương trình đào tạo CLC cho thấy rằng sinh viên đã tìm hiểu trước về hệ đào tạo và đã chuẩn bị trước tâm lý cũng như tài chính trong 4 năm học tại trường. Tuy nhiên vẫn có những sinh viên với gia đình thuần nông không thể tránh khỏi những lúc khó khăn khi đóng học phí. Vì vậy để tạo động lực cho những sinh viên xuất sắc nhưng không có điều kiện về tài chính trường nên cân nhắc đến các học bổng hỗ trợ cho các sinh viên có thành tích xuất sắc, các học bổng đầu vào từ đó những sinh viên này có tác động tích cực đến hoạt động và chất lượng của chương trình CLC cũng như việc tuyển sinh của chương trình này.

- Về nhân tố nhóm tham khảo

Nghiên cứu cho thấy tác động từ nhóm tham khảo ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên.

Quyết định lựa chọn ngành nghề, chương trình học của sinh viên bị ảnh hưởng từ những nhóm tham khảo: thầy cô, bạn bè, xu hướng xã hội theo kết quả nghiên cứu định lượng. Sau khi khảo sát thực tế, nhóm nhận được kết quả: phần lớn bạn bè của sinh viên có nhìn nhận chưa đúng, chưa biết hết những lợi ích của việc theo học chương trình CLC đem lại cho sinh viên. Từ đó kích thích nhóm tham khảo, tăng số lượng sinh viên quyết định lựa chọn học chương trình CLC.

Hơn thế nữa, sinh viên hiện nay đặc biệt nhạy cảm với xu hướng của xã hội. Trong thời kỳ 4.0 như hiện nay, sinh viên lại càng quan tâm hơn đến việc kết hợp công nghệ vào công tác dạy và học, và tính ứng dụng của các lý thuyết vào trong thực tiễn tại các doanh nghiệp. Tác giả đề xuất mô hình phát triển SMARTER EDUCATION của (Uskov, V., Howlet, R. Jain, L., 2017) gồm S (self-directed): tự định hướng; M (motivated): tạo động lực; A (adaptive): tính thích ứng cao; R (resources): các nguồn lực, tài nguyên, học liệu mở rộng; T (technology): dựa trên nền tảng công nghệ; E (engagement): khuyến khích sự tham gia; R (relevance): sự phù hợp.

Đây được coi là một mô hình giáo dục phát triển toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trong quản lí và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mô hình này đã được trường đại học Quốc gia Hà Nội (một trong 2 trường đại học tốt nhất Việt Nam) áp dụng vào trong giảng dạy và quản lí. Cụ thể, việc áp dụng công nghệ: công nghệ AI, Big Data…. vào giáo dục sẽ giúp học sinh kích thích trí tưởng tượng, tăng cường việc ghi nhớ; sinh viên không còn phải học những bài giảng khô khan thiếu thực tiễn.

- Về nhân tố cơ hội nghề nghiệp

Theo kết quả nghiên cứu, cơ hội việc làm có ảnh hưởng lớn tới quyết định của sinh viên. Đặc biệt sinh viên rất quan tâm tới việc được tiếp xúc, thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Điều này cũng dễ hiểu, các doanh nghiệp muốn tuyển những người có năng lực và kinh nghiệm. Câu trả lời chính là kỳ thực tập (Internship) và kỳ làm Luận văn tốt nghiệp trước khi ra trường. Nó không chỉ giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm

thực tế mà còn giúp sinh viên nâng cao kĩ năng, mở rộng mối quan hệ. Tuy nhiên hiện nay có một thực trạng là các kì Internship của sinh viên CLC thường chưa chọn được các doanh nghiệp đủ lớn để giúp sinh viên học tập thực tế tốt nhất. Phần lớn sinh viên đều chọn thực tập ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ do không có mối quan hệ với doanh nghiệp lớn. Sinh viên đi thực tập thường không được doanh nghiệp coi trọng do thiếu kinh nghiệm thực tế và không được tin tưởng. Do đó để tăng cơ hội việc làm, từ đó tăng số lượng sinh viên quyết định chọn chương trình CLC, các trường đại học nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng hiệu quả kì thực tập của sinh viên ví dụ như giúp sinh viên CLC thực tập tại các Tập đoàn, Tổng công ty…

Tác giả đề xuất mô hình tăng cường sự liên kết giữa 3 bên: doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên, đồng thời lập một “trung tâm hỗ trợ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp”. Các trường cần tăng cường hợp tác toàn diện, trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp.

Việc hợp tác này vừa đem lại lợi ích cho sinh viên khi có cơ hội được thực tập tại công ty lớn có danh tiếng giúp sinh viên tăng cơ hội có việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, những sinh viên trong kì thực tập sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty.

Bên cạnh đó, việc thành lập một “Trung tâm hỗ trợ sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp” đóng vai trò rất quan trọng. Trung tâm này sẽ hỗ trợ sinh viên có thêm thông tin về công ty mình thực tập, giúp sinh viên có những kỹ năng để giải quyết một số khó khăn trong quá trình thực tập. Trung tâm này cũng sẽ tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về sinh viên: hiệu suất làm việc, thái độ làm việc…. Những ý kiến này sẽ được cung cấp cho nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp hơn với thực tế tại các doanh nghiệp. Như đã phân tích ở trên, ta nhận thấy một điều, các bên liên kết càng chặt chẽ thì lợi ích mỗi bên nhận được sẽ càng lớn. Mối liên kết càng bền chặt thì cơ hội việc làm của sinh viên cũng sẽ tăng cao.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối trường kinh tế và kinh doanh năm 2021 (Volume 2) (Trang 901 - 904)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(910 trang)