KỸ THUẬT TRỒNG MỘT SỐ LOÀI HOA PHỔ BIẾN
4.8.3. Chăm sóc bón phân
Liều lượng phân bón cho 1.000 m2 (vừa mương vừa líp):
Kinh nghiệm nông dân miền Tây Nam Bộ:
- Trước khi trồng nên bón phân chuồng đã ủ mục cho cây huệ. : - Bón lót: Phân chuồng mục khoảng 1,5-2 tấn + Super lân 50kg.
- Thúc 1: 10 ngày sau khi trồng bón 12kg DAP và 6kg Urea bằng cách hoà nước tưới vào gốc.
- Thúc 2: 15 ngày sau thúc 1 bón 15kg NPK 16-16-8 và 3 kg urea. Sau đó tiếp tuc bón thúc nhiều lần cho đến khi có hoa với liều lượng tương tự 15 ngày 1 lần
- Thúc khi huệ ra hoa: 15kg NPK 16-16-8, 3kg urea và 5kg phân Kali. Vào giai đoạn này nếu thấy cây huệ quá xanh tốt thì giảm bớt lượng urea, nếu không cây huệ sẽ cho ít bông.
Kinh nghiệm nông dân Binh Chánh: - Lót: Bón 30kg DAP
- Thúc 1: 30 ngày sau trồng bón 30kg DAP và 30kg Urê
- Thúc 2 : 20- 25 ngày sau thúc 1 (gần xây ngù) bón 15kg urê, phun thêm phân KNO3 (Natri Kali)
- Thúc 3: Sau khi thu bông bón thêm 15kg DAP và 15kg Urê. Trước khi bón phân kết hợp làm cỏ cho Huệ.
Chú ý : Khi bón phân quan trọng nhất là phải nhìn màu sắc lá mà gia giảm phân bón cho phù hợp.
Tưới nước: Sau khi trồng mỗi ngày phải tưới 2 lần, nếu trên cây huệ xuất hiện nhện đỏ thì phải tưới 3-4 lần để rửa lá không cho nhện bám vào chích hút nhựa cây. Tưới bằng tô hay chậu nhỏ múc nước dưới mương tạt lên cây. Không dùng máy bơm tưới nước vì dễ làm dập lá.
Bồi gốc: Sau khi trồng khoảng 1 tháng khi cây huệ cao khoảng 10cm và có 4-5 lá, lấy bùn dưới mương bồi lên mặt mô để kích thích cây ra thêm rễ mới.
4.8.4. Thu hoạch:
Sau khi trồng khoảng 3 tháng cây huệ bắt đầu cho thu hoạch, sau đó 2 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch rộ. Sau đó khoảng 3-5 ngày sẽ cho thu hoạch một lần.
Thường thu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thu lúc trời nắng hoặc để lâu không ngâm nước bông Huệ sẽ bị hở yếm (phải vạt gốc lại và ngâm nước).
Cách thu hoạch bông: lần đầu thu dùng dao sắc cắt xéo bông gần sát củ để nước không đọng trong cọng hoa dễ làm thói củ, lần thứ hai trở đi dùng chân giữ gốc Huệ tay nắm cọng bông Huệ ở phía dưới dặt mạnh ngang mặt đất, bông sẽ rời ngay khớp. Nếu bông ngã bị cong phải buộc lại cho thẳng. Nên ngâm bông vào nước sạch, không nên pha phèn chua vào nước để ngâm bông, bông huệ sẽ bị nhầy gốc làm chóng tàn. Nếu để bông chưng thì cách ngày phải vạt gốc và thay nước thì sẽ chưng được khoảng nửa tháng.
4.8.5. Phòng trừ sâu bệnh:
Sâu hại:
- Rệp sáp phá hại các bộ phận của cây (từ 3- 4 tháng sau trồng trở đi)
Phòng trị bằng các loại thuốc sau : Nissuran, Kelthan 20 EC, Comite, Basudin 10H. Đối với nhện đỏ nông dân có kinh nghiệm phòng trị theo phương pháp dùng chậu nhỏ múc nước từ dưới rãnh tưới ngược lên mặt dưới của lá để rửa trôi nhện đỏ không cho bám lên lá.
Bệnh hại; Khoảng tháng 9 - 10, mưa dầm Huệ dễ bị bệnh một số bệnh hại như: - Úng lá.
- Thúi củ, thối gốc. - Thối tai bông
Phòng ngừa bệnh bằng các loại thuốc: Anvil, Topsin, Ridomil, Rovral, Alliette…
- Hiện tượng “phát bình tiêm đọt”: xuất hiện trong giai đoạn cây mới ra hoa rất thường thấy ở các vùng chuyên canh huệ. Nguyên nhân không phải do 1 tác nhân và thường gồm 2-3 tác nhân tấn công trong một giai đoạn.
+ Có hiện tượng phát hoa chính không bị thối lụi mà đọt cây bị rụt lại, không phát triển nên cây mọc thêm 2-3 nhánh, thậm chí nhiều hơn số nhánh, cành ở phần gốc (có thể do virus).
+ Có trường hợp phát hoa chính bị thối, nấm mốc đen tấn công, các cành, nhánh mới mọc ra nhiều nhưng thường rất nhỏ, hoa nở không đẹp, biến dạng, phẩm chất hoa xấu.
Đây là hiện tượng do nấm bệnh gây hại. Khi gặp trường hợp như trên, cần nhổ bỏ các cây bị bệnh và dùng thuốc trừ nấm như Aliette 80WP, Antracol, Bendazol 50WP... xử lý xung quanh vùng đất cây bị bệnh, ngăn chặn lây lan ra cây khác. Dùng vôi bột để khoanh vùng đất nhiễm nấm bệnh cũng đạt hiệu quả. Trường hợp bị bệnh nặng phải xử lý đất hoặc để đất nghĩ, hay dùng biện pháp trồng luân canh với cây khác họ. Tốt nhất là luân canh với các cây trồng dưới nước như lúa, rau muống... trong 1-2 vụ.