Sản xuất giống: Vườn sản xuất giống cần bảo đảm một số điều kiện như đất nhiều mùn, địa điểm đủ ánh sáng, đủ nước, đủ phân, khoảng cách trồng phù hợp, phòng trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại kịp thời.
Đồng thời, cần bảo đảm giống có độ thuần cao bằng các biện pháp như:
- Khử lẫn thường xuyên từ lúc gieo ươm cây con cho đến khi cây ra hoa, nhổ bỏ các cây khác giống để tránh không bị lẫn tạp sau này
- Ngăn ngừa lai hỗn tạp bằng cách ly không gian giữa các giống giao phấn, có thể áp dụng nhà lưới nhà kính để cách ly các giống với nhau.
- Tránh lẫn cơ giới trong lúc thu hoạch, phơi, cất giữ.
Cần tổ chức kiểm tra phẩm chất vườn giống, kho giống, đánh giá chất lượng hạt giống, tình hình sâu bệnh. Khi kiểm tra vườn giống, không những phải xem chung toàn vườn, mà phải xem từng cây, và kiểm tra các biện pháp kỹ thuật sản xuất giống.
Những giống nhập nội thường phải qua một thời gian khảo nghiệm, thuần hóa, và qua chọn lọc đánh giá thị hiếu người tiêu thụ rồi mới đưa vào sản xuất.
Chọn tạo giống hoa: Chọn tạo giống nhằm các mục đích như:
- Chọn các cá thể có các tính trạng tốt trong quần thể giống địa phương để cải tạo hay phục tráng giống.
- Chọn lọc giống mới từ các đột biến tự nhiên trên cây trồng sau đó nhân bằng phương pháp vô tính để cố định đặc tính quý đó. Qua các bước khảo nghiệm tiếp theo sẽ hình thành nên dòng vô tính mới.
- Chọn các cặp bố mẹ phục vụ cho công tác lai tạo nên giống lai F1.
Có nhiều phương pháp chọn lọc, sau đây là hai cách thường làm theo kinh nghiệm của nông dân là:
- Quan sát toàn vườn hoa, chọn những cây tốt nhất, không bị sâu bệnh, thuần giống, đánh dấu riêng. Khi hoa tàn, quả chín, hái những quả tốt, chọn hạt mẩy cất làm giống.
- Trồng vườn hoa giống riêng. Chọn chỗ đất tốt, không bị cớm bóng, bón phân đầy đủ, áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, loại bỏ những cây xấu, và những cây khác giống.
Chọn những quả tốt nhất (hay những củ giống tốt nhất) thu hái làm giống trên những cây tốt nhất đã được chọn lựa cách ly và đánh dấu trong vườn sản xuất hạt giống, Trong những quả này cần chọn những hạt tốt (mẩy, nguyên vẹn, không sâu bệnh) phơi cất riêng để làm giống cho các vụ sau
Ngoài những cây hoa tốt nhất trong vườn giống đã chọn để làm giống vụ tới gọi là loại một, sẽ chọn những cây tốt còn lại gọi là loại hai để làm giống sản xuất thương mại.
Năm nào cũng tiếp tục chọn giống thật nghiêm ngặt thì sản lượng và phẩm chất hoa ngày càng được nâng cao và cải tiến một cách rõ rệt.
Ngoài ra, người trồng hoa cần quan sát trong vườn trồng và ngoài tự nhiên để chọn những kiểu hình đặc biệt có thể là một dạng đột biến tạo hay biến dị về mặt di truyền. Sau đó, cố định các kiểu hình đặc biệt này bằng cách nhân giống vô tính (giâm, chiết, ghép hay nuôi cấy mô….). Trong công tác chọn tạo giống mới người ta có thể gây đột biến một cách nhân tạo bằng các phương pháp như sau:
- Nuôi cấy mô tế bào và gây đột biến. Trong các giai đoạn nuôi cấy mô, cây sinh trưởng và hình thành một cá thể mới nên có thể gây đột biến một cách dễ dàng. Một số phương pháp hay được ứng dụng là chiếu xạ (tia gamma, tia X quang…), ngâm vào dung dịch các loại hóa chất (colchicines, kinetin, gibberellins, ethephon….), hay phối hợp chiếu xạ với giảm nhiệt độ, chiếu xạ với dung hóa chất.
- Lai cùng loài. Khi lai hai giống cùng loài với nhau thì thường không khó khăn về khả năng thụ phấn, tạo phôi và phôi có thể phát triển bình thường thành hạt lai F1.
- Lai xa. Bằng các phương pháp: lai hữu tính, cứu phôi, lai soma bằng dung hợp tế bào trần.
- Sử dụng kỹ thuật di truyền để chuyển gen lạ vào genome của giống hoa để tạo ra giống hoa mới