Nhân giống bằng phương pháp hữu tính

Một phần của tài liệu kỹ thuật chăm sóc và trồng hoa (Trang 45 - 46)

Gieo hạt là phương pháp nhân giống rất thông dụng trong ngành hoa. Hạt của một số loài hoa có thể tồn trữ nhiều năm vẫn giữ được khả năng nảy mầm với tỷ lệ cao. Nhưng đa số phải gieo sớm, thu hạt mùa này, gieo mùa tới.

Đối với một số loài hoa hạt có vỏ cứng gieo lâu mọc, ví dụ: chân chim, phlốc thường phải xử lý hạt giống. Nên thử sức nảy mầm của hạt trước khi gieo, nếu tỷ lệ nảy mầm dưới 50% thì nên loại bỏ, vì cây mọc lên thường nhiễm bệnh, phát triển xấu.

Ưu điểm của gieo hạt là:

- Đơn giản, nhanh chóng, dễ vận chuyển, dễ bảo quản nên ít chi phí cho sản xuất cây giống. Sản xuất quy mô lớn có thể áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa gieo hạt bằng máy.

- Cây con mọc từ hạt có bộ rễ ăn sâu, cành lá phát triển mạnh, khỏe và sống lâu. - Tác giả giữ được bản quyền khi tạo ra giống mới là giống lai F1.

Nhược điểm cơ bản của cây nhân giống từ hạt là

- Nhiều biến dị, cây mẹ tốt nhưng cây con có thể xấu; những cây gieo hạt từ những cây mẹ khác nhau, sản lượng và chất lương không đồng đều. Để khắc phục cần phải mua hạt giống từ nhà sản xuất hạt giống hoa chuyên ngành và hạt lai F1 chi phí sản xuất cao hơn.

- Đối với các loại cây thân gỗ (hoa hồng...) cây gieo từ hạt lâu ra hoa.

Trong quy trình sản xuất đối với nhiều loài hoa thân thảo gieo ươm hạt tạo nên cây non là khâu đầu tiên rất quan trọng. Tạo cây con tốt từ lúc gieo hạt sẽ bảo đảm cây sẽ phát triển tốt, cho hoa đẹp. Tùy giống hoa, quy định kỹ thuật có thể gieo hạt tại chỗ đất trồng, hay gieo hạt ở vườn ươm trong chậu, khay gieo hạt hay túi nylon sau đó nhổ lên cấy lại sang môi trường mới (luống trồng, chậu nhựa, túi nylon lớn, giỏ tre..vv..)

Đối với các giống hoa leo và có rễ phát triển như đậu thơm, muồng tím, sen cạn…vv nên gieo thẳng tại chỗ trồng, luống hoa..

Phần lớn các loài hoa thân thảo thích hợp với phương pháp gieo hạt. Chọn lô đất tốt màu mỡ làm các luống gieo hạt, diệt trừ cỏ dại và tổ kiến, làm đất cày xới phơi ải và

bón lót phân hữu cơ, tro trấu.... Không nên gieo dày vì cây con sau khi mọc phải ở lại vườn gieo một thời gian trước khi cấy ra vườn trồng. Nếu cây con mọc quá dày, thiếu ánh sáng, sẽ bị yếu. Nhưng nếu gieo thưa, cây mọc tốt nhưng tốn đất.

Sau khi gieo cần rải thêm một lớp mùn hoặc cát để bề mặt đất liếp gieo không bị đóng ván, nứt nẻ. Tủ kín hạt gieo trong 3 – 4 ngày đầu kể từ khi gieo để giữ ẩm, giữ nhiệt, tạo bóng tối cho hạt mọc nhanh, đều.

Đối với những hạt giống rất nhỏ như thu hải đường, mõm sói, bươm bướm, phải trộn hạt giống với cát để gieo cho đều, không lấp hạt, chỉ rải hạt trên mặt đất và phủ thêm một lớp cát, mùn thật mỏng.

Trong sản xuất hiện đại, gieo hạt có thể được tự động hóa nhờ công nghệ xử lý hạt giống, sau đó phủ lên bề mặt bên ngoài hạt một lớp hỗn hợp chất độn là đất sét và các khoáng chất cần thiết cho giai đoạn đầu của hat giống (pelleted seed). Hạt giống sau khi xử lý sẽ có hình tròn như viên bi phù hợp cho cơ giới hóa và dễ dàng cho gieo hạt bằng tay

Cần tưới giữ ẩm thường xuyên, chống nắng to, mưa lớn và côn trùng phá hoại như kiến, dế. Nếu cây con mọc quá dày cần tỉa bỏ bớt. Tưới đẫm nước trước khi nhổ để không ảnh hưởng tới cây giữ lại, cây được tỉa bỏ có thể trồng lại ở nơi khác hay vào túi nylon.

Trong vườn ươm, cây con mọc dày, thiếu ánh sáng nếu cứ để như vậy cây con sẽ bị yếu. Vì vậy khi cây con đã gieo được 15 – 20 ngày, nên nhổ cấy ra vườn ươm, hoặc cấy lên chậu con. Mật độ thưa hơn, đủ ánh sáng, được chăm sóc kỹ trong khoảng 15 – 25 ngày cây con sẽ rất cứng cáp trước khi đem trồng ngoài vườn hoa, công viên. Cây con khi mới nhồ cấy sang vườn ươm cần được che nắng độ 2 – 3 ngày để hạn chế sự phát tán hơi nước trên lá trong lúc cây chưa bén rễ.

Một phần của tài liệu kỹ thuật chăm sóc và trồng hoa (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)