KỸ THUẬT TRỒNG MỘT SỐ LOÀI HOA PHỔ BIẾN
4.8.3. Cách trồng và mật độ trồng:
4.8.3.1. Đất trồng:
Hoa huệ rất kén đất trồng, vì vậy cây huệ chỉ phát triển tươi tốt ở những địa phương có vùng đất phù hợp. Nói chung hoa huệ thích hợp với đất thịt nhẹ, đất sét pha. Đất phèn mặn và không tơi xốp trồng huệ không được. Đất trồng huệ phải tương đối cao ráo, nếu đất trũng thấp thì phải lên liếp mới trồng được. Do đặc tính kén đất trồng nên khu vực đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 vùng trồng huệ chính như sau:
- Vùng từ huyện Thuận An (Bình Dương) và vùng An Phú Đông (Tp. Hồ Chí Minh).Cây huệ sinh trưởng tương đối tốt nhưng cũng chỉ có tính chất mùa vụ kéo dài từ lúc trồng cho đến nhổ lên trồng lại trong vòng 10-12 tháng.
- Vùng từ huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh) kéo dài xuống Trung Lương và Chợ Gạo (Tiền Giang). Vùng này được coi là đắc địa dành cho cây hoa huệ, cây sinh trưởng phát triển rất mạnh chỉ một lần gieo củ là có thể thu hoạch được vài ba năm.
Theo bà con nông dân thì Huệ trồng ở Bình Chánh có mùi thơm hơn khi trồng ở miền Tây (có lẽ do đất có nhiều nguyên tố vi lượng).
Nhiều địa phương khác cũng đã phát triển những vùng trồng huệ quy mô lớn như Tuy Phước (Bình Định), Hương Trà (Thừa Thiên Huế)….
4.8.3.2. Kỹ thuật trồng hoa huệ
Thời vụ trồng hoa huệ hầu như quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào khoảng tháng 2 âm lịch để kịp có bông bán vào các ngày rằm, mồng 1 và các dịp lễ trong năm như: Tết Thanh Minh (tháng 3), Tết mồng 5 tháng 5, Đại lễ Vu lan rằm tháng 7, Tết Trung thu, Tết trùng cửu, Tết nguyên đán vv….
Kỹ thuật lên mô trồng huệ:
Trên các ruộng lúa người ta tiến hành lên mô (hay còn gọi là liếp) cao 20cm, rộng 1,2m, cách nhau bằng một cái rãnh rộng khoảng 40-45cm, sâu 20cm.
Sau khi lên mô cứ để nguyên các cục đất sét đã được móc dưới mương đắp lên, không nên băm nhỏ. Thao tác này có tác dụng tăng khả năng giữ nước của đất, hạn chế hiện tượng nén chặt kết cấu đất làm bí rễ nên cây huệ không phát triển được.
Sau khi trồng khoảng 14-15 tháng người ta sẽ nhổ củ huệ lên để tiến hành đảo đất lên mô lại bằng cách phá mô cũ lấy đất đắp mô mới. Mô mới nằm ngay trên rãnh nước của đợt trồng trước, còn rãnh của đợt trồng này lại nằm ngay giữa mô của đợt trồng trước.
Môt số vùng ở huyện Bình Chánh trồng Hoa Huệ muộn hơn là vào đầu mùa mưa trên vùng đất sét trắng tại các xã như Tân Quý Tây, Bình Chánh, Hưng Long, Tân Túc… Liếp trồng và mương nước ở đây cũng lớn hơn: bề ngang mặt líp 2 mét, đáy 2,5 mét, bề ngang mương nước 1,5 mét. Mặt líp phải bằng phẳng để giữ được nước và khi trồng tận dụng được mặt đất trồng. Đất được cuốc, xới thành từng cục khoảng ngón chân cái, ngón tay cái.
Một công đất (1.000 m2) cần từ 10 đến 15 giạ giống đã được xử lý. Trước khi trồng phải lặt sạch rễ, tàn dư thực vật trên củ, trong vòng một tuần phải trồng ngay để củ khỏi mất sức. Có thể trồng cùng 1 loại củ để thu hoạch cùng lúc hoặc trồng 1 bụi có ba loại củ lớn nhỏ khác nhau để thu hoạch thành từng đợt. Kinh nghiệm trồng 1 loại củ trên líp dễ chăm sóc hơn.
Cách trồng:
- Ở miền Tây Nam bộ, mỗi mô trồng 3 hàng, cách nhau khoảng 30cm mỗi bụi cách nhau 20cm (mật độ 30cm x 20cm), mỗi bụi trồng 3-4 củ, nên trồng củ giống trong 1 bụi theo hàng ngang. Trước khi trồng băm đất dưới mương tạo bùn nhuyễn bốc lên mặt mô (chỗ định đặt củ giống) sau đó trồng bằng cách nhấn ngập sâu khoảng ½ củ giống xuống lớp bùn.
- Ở Bình Chánh người trồng huệ có thể áp dụng các mật độ trồng khác như Khoảng cách 20cm x 20cm (cho củ giống nhiều, nhưng khó chăm sóc, dễ bị sâu bệnh) và khoảng cách 40cm x 40cm (không cho củ giống nhiều, nhưng dễ chăm sóc).
- Có thể trồng bằng cách khác không dùng bùn vét mương mà trồng vào đất. Đặt củ dưới đất và lấp đất từ 2- 3 cm, nếu đặt củ cạn thì cây mau cho ra bông, đặt củ sâu cho bông chậm nhưng bông tốt hơn. Trồng xong tưới nước sáng chiều. Sau trồng khoảng hai
tháng Huệ bắt đầu xây ngù (gù), từ xây ngù đến cắt bông khoảng 1 tháng, tính hết thời gian từ trồng đến thu bông chậm nhất là khoảng 3,5 tháng.