KỸ THUẬT TRỒNG MỘT SỐ LOÀI HOA PHỔ BIẾN
4.4. Kỹ thuật trồng hoa Thược dược:
4.4.1. Lịch sử và đặc điểm thực vật
Tên khoa học Dahlia variabilisDesf cùng họ cúc Asteraceae với các cây hoa cúc, hoa vạn thọ và hoa đồng tiền. Loài thực vật này rất đa dạng về kiểu hình giống như tên khoa học của nó (variabilis có nghĩa là biến đổi, thay đổi)
Thược dược có nguồn gốc từ Mehicô và vùng Trung Mỹ được nhập nội vào Tây Ban Nha năm 1789, sau đó lan ra các nước khác ở Châu Âu. Năm 1802, một nhà thực vật học người Anh đã định danh loài hoa từ châu Mỹ cùng chi Dahlia là Dahlia coccinea. Tên khoa học, chữ Dahlia được nhà thực vật Abbe Cavanilles – người đầu tiên phân loại chi thực vật này một cách khoa học - lấy tên bạn mình là nhà thực vật học Thụy Điển Dahl để gọi nó.
Hoa thược dược cũng là loài hoa chính thức của thành phố Seattle, bang Washington.
Cây thược dược còn được dùng trong y học để chữa một số bệnh.
Đặc điểm thực vật:
Chi Dahlia có 36 loài với khoảng trên 20.000 giống. Từ các loài cổ điển các nhà chọn giống đã lai tạo thành một số loài lai mới, ví dụ năm 1872 nhà chọn giống Hà Lan Vander Burg tạo được loài Dahlia juarezi (lấy tên Juarez của tổng thống nước cộng hòa Mêhicô).
Thược dược là một trong số những loài hoa được chọn trồng phổ biến và lấy hoa bán Tết. Hoa có nhiều giống: giống lùn, giống trung và giống cao với nhiều màu khác nhau như vàng lợt chanh, vàng sậm, tím lợt, tím sậm, nâu sậm, nâu đốm sọc trắng, tím đốm trắng đỏ.
Điều kiện ngoại cảnh. Cây chịu nắng hoàn toàn nhưng cần có thời gian lạnh và tối để phát dục, thích ứng với nhiệt độ khoảng 15-34o
C.
Kích thước hoa thược rất đa dạng, từ 5cm (các giống hoa nhỏ) đến 30cm (các giống hoa lớn). Phân loại thực vật cây hoa thược dược có thể dựa phân thành hai nhóm có cấu trúc hoa đơn và hoa kép. Nhóm giống hoa đơn, mang tính chất đặc trưng của các loài hoa dại chỉ có một vòng cánh, màu sắc cũng đẹp, nhưng hiện nay ít được trồng. Nhóm giống hoa kép rất đa dạng đẹp, nhiều hình dáng và màu sắc. Có giống cánh rối, cánh hoa như bị xé nhỏ, có giống cánh hoa xếp như tổ ong. Có giống màu tím, màu đỏ cờ, đỏ tươi, màu nhung, tiết dê, huyết dụ, màu da cam, màu gạch cua, cánh sen thẫm, cánh sen nhạt, trắng sữa, trắng trong, vàng đậm, vàng hoàng yến... Hoa nở rực rỡ song rất tiếc là không có mùi thơm. Trong một số trường hợp, thược dược có thể tự thụ phấn.
Chiều cao cây thược dược có độ biến thiên rất lớn từ 30cm (các giống thấp lùn) đến 180 – 240cm (các giống cao cây).
Lá thược dược hình lông chim đơn, đôi khi cũng có hình lông chim kép. Đặc điểm lá thược dược cũng đa dạng tùy theo kiểu hoa, ví dụ lá nhóm giống thược dược xương rồng (cactus dahlia) xẻ thùy nhiều hơn, rìa lá có răng cưa nhỏ và nhiều hơn, mặt dưới lá gồ ghề hơn lá các giống nhóm thược dược cánh dẹt (show dahlia) và nhóm thược dược tổ ong (pompon dahlia).
Rễ thược dược thuộc loại rễ củ phình to chứa chất dự trữ. Củ cây thược dược hoang dã ngày xưa đã được người Mêhicô sử dụng làm thực phẩm. Ngày nay, hình dạng củ thược dược cũng đa dạng và thay đổi tùy theo nhóm giống và không còn dùng làm thực phẩm nữa.
Thân cây thược dược thuộc dạng thân gỗ, phân cành, bên ngoài phủ một lớp lông tơ.