KỸ THUẬT TRỒNG MỘT SỐ LOÀI HOA PHỔ BIẾN
4.6.4. Kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng
4.6.4.1. Nhân giống hoa cẩm chướng:
Các giống đa niên có thể nhân giống bằng các phương pháp như: gieo hạt, giâm cành, giâm chồi ngọn, chiết cành và nhân giống invitro. Các phương pháp gieo hạt, giâm chồi ngọn và nuôi cấy mô được áp dụng phổ biến trong sản xuất hoa cắt cành.
Kỹ thuật làm vườn ươm trồng cẩm chướng gieo hạt
Cẩm chướng được gieo trồng chủ yếu bằng hạt, sau khi trồng 4 tháng cây sẽ bắt đầu ra hoa. Hạt cẩm chướng cần thu chọn lọc từ cây hoa cẩm chướng chính vụ. Cây khỏe mạnh, không sâu bệnh. Hoa to, đẹp, đáp ứng được yêu cầu của người trồng hoa
Trước khi gieo, hạt cẩm chướng cần được xử lý: ngâm trong nước ấm 25-30o C, thời gian 3-6h, tùy thuộc vào thời tiết. Khử trùng vỏ hạt bằng KMnO4 nồng độ 0.3% trong 2h.
Hạt cẩm chướng nhỏ, khi gieo cần trộn đều với tro hoặc cát để rắc cho đều trên mặt luống. Gieo hạt xong, rắc một lớp đất bột mỏng phủ lên mặt hạt. Để giữ ẩm, phủ một lớp rơm mỏng trên mặt luống. Tưới nhẹ vừa đủ ẩm, 2-4 lần/ngày, tùy thời tiết. Nếu trồng cẩm chướng trong chậu có thể gieo hạt trực tiếp cũng được. Sau khi hạt nảy mầm (khoảng 5-7 ngày sau khi gieo), bỏ lớp rơm ra, tưới nhẹ giữ ẩm.
Khi cây cao khoảng 3-4cm, tỉa cây, trồng thưa ra vườn ươm đã chuẩn bị sẵn. Khoảng cách 5x5cm. Thời gian này cây còn yếu, cần trông nom, chăm sóc cây cẩn thận. Khi cây cao 10-12cm, đưa ra trồng đại trà, thời gian cây ở vườn ươm khoảng 20-30 ngày
Phương pháp trồng hoa cẩm chướng từ giâm chồi ngọn
Ở nước ta hiện nay, đây là phương pháp trồng phổ biến nhất. Ưu điểm của phương pháp này là chủ động giống. Chăm sóc dễ, tỉ lệ sống cao, thời gian nhanh hơn, phẩm chất hoa được duy trì thông qua nhân giống vô tính
Phương pháp: tách chồi ngọn từ cây mẹ, chồi có độ dài 5-7cm. Xử lý kích thích ra rễ bằng cách nhúng gốc vào dung dịch thuốc kích thích, thời gian 3-5 giây. Trong sản xuất thường dùng IBA, nồng độ 500-1000ppm,.
Đem cành cẩm chướng vào vườn giâm, có giàn phủ nylon che mưa nắng hay vào trong nhà lưới, nhà kính. Trong vườn giâm ngăn các liếp giâm bằng gạch hay ván gỗ rộng 1m cao 25-30cm bên trong đổ một lớp cát sạch, dày 10-20cm. Cắm cành giâm vào liếp sâu khoảng 1/3 chiều dài cành giâm. Tưới nước hay phun nước thường xuyên, duy trì ẩm độ không khí cao để cành giâm không bị mất nước. Sau 15-20 ngày, cành ra rễ. Khi khoảng 90% số cành ra rễ, tiến hành đưa ra trồng. Đưa cây ra từ từ để cây thích nghi dần.
Tiến hành phun thuốc trừ nấm, tuyệt đối không bón phân vào thời kỳ này
Phương pháp trồng hoa cẩm chướng từ cây invitro:
Có các ưu điểm là hệ số nhân nhanh, cây sạch bệnh, khỏe, độ đồng đều cao. Trong sản xuất hoa cẩm chướng quy mô công nghiệp, hầu như toàn bộ cây giống là cây invitro. Ở nước ta, khi thị trường hoa chưa phát triển, trồng cây hoa cẩm chướng từ cây invitro mới được áp dụng trong phạm vi thí nghiệm, chưa áp dụng trong sản xuất đại trà.
4.6.4.2. Kỹ thuật trồng cẩm chướng thương phẩm
Các loại hoa cẩm chướng hiện đang trồng phổ biến trong sản xuất: cẩm chướng trắng, ngà, hồng nhạt, gấm, hồng tươi, đỏ, tím, hoa cà, hoàng yến
Thời vụ gieo trồng thích hợp tháng 7, 8, 9 hàng năm; thu hoa từ tháng 11,12 đến tháng 1,2 năm sau nhằm phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm. Đối với vùng núi cao, khí hậu mát mẻ, cây hoa cẩm chướng có thể sinh trưởng, phát triển và ra hoa quanh năm
Đất trồng cần thoáng khí, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, có tỉ lệ mùn cao, có nhiều vi sinh vật có ích. Thành phần cơ giới là đất cát pha nhẹ, ráo nước nhanh
Làm đất: trước khi trồng, đất được cày bừa kỹ, nhỏ, mịn, hạt đất trên mặt luống <0.5cm. Mặt luống phẳng, rộng khoảng 60cm, đáy luống rộng khoảng 80cm. Trước khi trồng 10 ngày đất cần được xử lý Foocmon 40% tiêu độc (xem mục 3.2.2). Trước khi gieo
hạt hoặc trồng nên xử lý đất chống kiến bằng vôi bột. Phân chuồng và phân hầm cầu bón lót rải đều trên mặt luống, sau đó xới nhẹ tay để trộn đều phân với đất
Trồng: thường trồng 2 hàng trên luống. Khoảng cách trồng: 20x20cm
Chăm sóc cây theo từng thời gian sinh trưởng, kết hợp xới xáo, làm cỏ, tưới nước và bón phân. Đóng cọc giăng lưới làm giá đỡ cho thân cây đứng thẳng.
Sau khi trồng tưới ẩm đều cho cây con. Sau 5-7 ngày, cây bén rễ.
Bón phân hóa học với hàm lượng N:P:K cân bằng (ví dụ 15:15:15). Cú 3-4 ngày tưới thúc một lần. Tưới tăng dần tỉ lệ pha phân loãng 1/200, 1/150, 1/100, 1/50
Thời kỳ ra nụ, bón phân tỉ lệ N:P:K = 1:2:3. Pha với nước tiểu chuồng heo hoặc nước phân chuồng tỉ lệ 1/40, 1/30, 1/20, 1/10.
Tỉa hoa: đối với những giống hoa lớn chỉ nên để lại một hoa trên 1 cành, bấm ngắt hết tất cả mầm hoa trên thân đến đốt thứ 5 vì dưới đốt này, các thân cho hoa khác mới tiếp tục phát triển.