6. Kết quả nghiên cứu
1.3.3 Các nhân tố thuộc môi trường nội bộ:
Môi trường nội bộ là các yếu tố bên trong doanh nghiệp. Các nhân tố thuộc môi trường bên trong ảnh hưởng tới nguồn nhân lực chủ yếu là: chiến lược của doanh nghiệp (mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh); cơ cấu và qui mô sản xuất kinh doanh; trình độ công nghệ và quản trị; cơ chế quản lý và chính sách của doanh nghiệp; văn hóa doanh nghiệp; công đoàn và các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp.
Trong đó cơ chế quản lý và chính sách nhân sự của doanh nghiệp là nhóm nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu nhất, được ban lãnh đạo các trường quan tâm nhất hiện nay. Các nhân tố cụ thể thuộc nhóm nhân tố này là: chính sách thu hút nguồn nhân lực; chế độ bố trí sử dụng nguồn nhân lực; chế độ đào tạo và đào tạo lại; tiền lương và phúc lợi; đánh giá và thăng tiến
Các nhân tố bên ngoài (môi trường vĩ mô và môi trường vi mô) ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực đầu vào, khả năng thu hút và giữ chân nhân sự của doanh nghiệp. Các nhân tố bên trong ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện tới nguồn nhân lực trên tất cả các mặt quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực và trong cả việc thu hút, duy trì và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Do đó các nhân tố bên trong được coi là các công cụ phát triển nguồn nhân lực trong các trường.
Việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và sự phát triển nguồn nhân lực là rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi một nguồn lực lớn về thời gian, nhân lực, tài chính và tổ chức. Trong luận văn xin giới hạn nội dung nghiên cứu sự ảnh hưởng của các nhân tố bên trong ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nguồn nhân lực.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực:
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chú trọng vấn đề đảm bảo số lượng nhân viên với các phẩm chất phù hợp cho công việc của doanh nghiệp. Để có thể tuyển đúng người vào đúng việc; trước hết, doanh nghiệp phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực trạng sử dụng nhân viên trong doanh nghiệp nhằm xác định được những công việc nào cần tuyển thêm người.
Một doanh nghiệp có chính sách thu hút nguồn nhân lực phù hợp và hấp dẫn, xuất phát từ việc hoạch định nguồn nhân lực chính xác và khoa học, sẽ thu hút được nhiều người đảm bảo chất lượng hơn, tức là nhân lực có chất lượng ban đầu cao hơn. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhân lực tại doanh nghiệp.
Chế độ bố trí, sử dụng nhân sự:
Bố trí sử dụng nhân lực là việc bố trí công việc, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, từng đơn vị, phòng ban và việc xây dựng, thực thi quy chế quản lý nhân sự.
Bố trí sử dụng nhân sự hợp lý thể hiện ở các nội dung sau: nhân sự được phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường và chuyên môn của từng người; các đơn vị phòng khoa được trao nhiệm vụ, phân bổ nguồn lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chyên môn của từng khoa phòng.
Khi bố trí nhân sự sai, sử dụng nhân sự không hợp lý người lao động sẽ không phát huy hết năng lực của mình, thực hiện sai nhiệm vụ, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, phòng khoa bị chồng chéo dẫn đến rối loạn hoạt động của nhà trường và tình trạng vô trách nhiệm tập thể. Khi đó người lao động bị triệt tiêu động lực làm việc và giảm sự trung thành. Khi người lao động không nhiệt tình làm việc, thiếu ý thức trách nhiệm, không say mê sáng tạo, không thiết tha học tập, bồi dưỡng, không trung thành với doanh nghiệp, tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ phổ biến.
Như vậy bố trí sử dụng nhân sự hợp lý không chỉ là biện pháp khai thác nguồn lực hiệu quả, mà còn là động lực và công cụ phát triển nguồn nhân lực của từng cá nhân và của tập thể người lao động.
Chế độ đào tạo và đào tạo lại:
Chế độ đào tạo và đào tạo lại là vấn đề cốt lõi có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp dưới góc độ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện.
Mục tiêu của đào tạo là nâng cao hiệu quả hoạt động của người lao động và của doanh nghiệp. Nếu làm tốt công tác đào tạo, doanh nghiệp thu được các lợi ích sau: trình độ người lao động được nâng cao - là cơ sở cho việc nâng cao năng suất lao động cá biệt, nâng cao chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm. Trình độ được nâng cao người lao động hiểu rõ công việc hơn, thành thạo kỹ năng hơn; khả năng sáng tạo và quản lý được nâng cao.
Đối với người lao động, vai trò của công tác đào tạo thể hiện ở chỗ: tạo ra tính chyên nghiệp cho người lao động; đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người lao động về phát triển nghề nghiệp và thăng tiến trong tương lai; làm phong phú công việc và tăng khả năng sáng tạo trong hoạt động; tạo khả năng nâng cao thu nhập cho người lao động; tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp; mở rộng cơ hội nghề nghiệp và việc làm trong tương lai.
Tiền lương và phúc lợi:
Với chế độ tiền lương và phúc lợi bảo đảm:
Người lao động có điều kiện tái sản xuất - điều kiện tiền đề cho sự phát triển thể lực.
Người lao động có điều kiện tài chính tham gia các khóa học và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang bị các đồ dùng, mô hình, các thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu, đây là điều kiện cho sự phát triển trí lực.
Làm cho người lao động yên tâm, trung thành với doanh nghiệp (với các trường), có chí phấn đấu, nhiệt tình lao động, không bị tha hóa - điều kiện cho sự phát triển tâm lực.
Cơ chế lương và phúc lợi bảo đảm và có tính cạnh tranh cao sẽ khuyến khích người lao động nhiệt tình tham gia các chương trình đào tạo của doanh nghiệp và tự đào tạo, học hỏi để nâng cao trình độ.
Đánh giá và thăng tiến:
Đánh giá nhân sự thực chất là xác định giá trị của nhân sự trong mối quan hệ với các nhân sự khác trong doanh nghiệp. Đánh giá nhân sự là trách nhiệm của các nhà quản trị và là nhu cầu khách quan của người lao động.
Thăng tiến nhân sự thực chất là phát triển địa vị quản trị - đó là nhu cầu chính đáng của người lao động và là biện pháp bổ sung nguồn nhân lực quản trị.
Đánh giá nhân sự là cơ sở của hầu hết tất cả các hoạt động quản trị nhân sự từ hoạch định nguồn nhân lực đến tuyển dụng, bố trí sử dụng lao động, thù lao và đào tạo, thăng tiến. Thăng tiến hợp lý vừa thể hiện sự thừa nhận trình độ, năng lực, vừa
là công cụ quan trọng khai thác tiềm năng quản trị để phát triển doanh nghiệp, vừa là biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản trị của doanh nghiệp.
Như vậy, đánh giá nhân sự và thăng tiến được coi là một trong những công cụ phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, là động lực cho người lao động trong học tập và nâng cao trình độ, hoàn thiện nhân cách, tu dưỡng đạo đức, tác phong lao động.