Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngôn ngữ học lý thuyết là tiến hành phân loại các ngôn ngữ của thế giới. Về cơ bản, ngôn ngữ học đã chia ra bốn kiểu phân loại ngôn ngữ. Đó là: phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc, phân loại ngôn ngữ theo loại hình, phân loại ngôn ngữ theo khu vực (theo địa lý) và phân loại ngôn ngữ theo chức năng. Mỗi một kiểu phân loại này được đặc trưng và tương ứng vơi một trong bốn phương pháp phân loại sau đây, tương ứng từng cái một:
1. Phương pháp so sánh - lịch sử.
Phương pháp so sánh-lịch sử là phương pháp đặc thù của ngôn ngữ học thế kỷ XIX. Nó gắn liền với khuynh hướng ngôn ngữ học so sánh - lịch sử mà những đại biểu nổi tiếng là anh em Schlegel (Schlegel Friedrich 1772-1829, Schlegel Wihelm von 1762-1845), được anh em Grim (Grimm Jacob 1785-1863, Grimm Wilhelm 1786-1832)... kế thừa và phát triển.
Nội dung của phương pháp này là so sánh các ngôn ngữ thân thuộc với nhau để tìm ra những điểm
tương đồng và dị biệt giữa chúng, từ đó vươn tới nghiên cứu ngôn ngữ thời trước với tư cách là ngôn ngữ bố mẹ
(parent language) hoặc ngôn ngữ tiền thân (proto-language) của chúng, vạch ra mối quan hệ thân thuộc và
nguốn gốc chung của chúng để dần dần đi ngược lên một ngôn ngữ cổ nhất. Trên cơ sở đó, tiến hành phân loại
nguồn gốc, phân loại quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ, tức là xác định nên các ngữ hệ(language families). Cách phân loại này còn được gọi là phân loại ngôn ngữ theo phổ hệ(genealogical classification).
2. Phương pháp so sánh - loại hình.
Phương pháp so sánh-loại hình là phương pháp đặc thù cho ngôn ngữ học loại hình (typological linguistics). Nội dung của phương pháp này là dựa vào đặc điểm hình thức của các ngôn ngữ trên các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp... để so sánh chúng, tiến tới xác lập nên các kiểu loại ngôn ngữ và phân loại chúng về mặt loại hình học. So với phương pháp so sánh-lịch sử, các ngôn ngữ được khảo cứu trong phương pháp này không nhất thiết là phải có cùng quan hệ nguồn gốc, quan hệ họ hàng hay quan hệ thân thuộc.
3. Phương pháp so sánh khu vực.
Phương pháp so sánh khu vực là phương pháp nghiên cứu tất cả các ngôn ngữ không cùng họ hàng, không cùng nguồn gốc nhằm tìm ra sự tiếp xúc, sự vay mượn, sự liên minh và giao thoa giữa các ngôn ngữ do những nhân tố văn hóa, xã hội, kinh tế... tạo nên. Từ đó, tiến tới xác định nên các liên minh ngôn ngữ và tiến hành phân loại chúng về mặt địa lý.
4. Phương pháp so sánh-đối chiếu.
Phương pháp so sánh - đối chiếu là phương pháp so sánh, đối chiếu tất cả các ngôn ngữ chủ yếu trên
diện đồng đại về các mặt của đặc điểm loại hình. Từ đó, rút ra những đặc thù cho từng ngôn ngữ đề xây dựng nên các lý thuyết về phiên dịch và những phương pháp học và dạy tiếng tối ưu.
Trên đây là bốn phương pháp phân loại cơ bản đặc trưng cho từng kiểu phân loại ngôn ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tiến hành phân loại ngôn ngữ, người ta không đơn thuần dựa vào một phương pháp cá biệt nào, mà có thể sử dụng nhiều phương pháp nêu trên theo mức độ và quan niệm nào đó.
Do mức độ phổ biến trong các tài liệu ngôn ngữ học và tính chất quan trọng của chúng, nên ở chương này, chúng tôi chỉ trình bày hai trong số bốn cách thức và phương pháp phân loại ngôn ngữ vừa mới được đề cập trên đây: phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc và phân loại ngôn ngữ theo loại hình.