CÁC CHỨC NĂNG CỦA NGÔN NGỮ

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 37 - 39)

1 Chức năng giao tiếp.

“Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người” (Lê-nin). Như vậy, chức năng quan trọng nhất, cơ bản nhất của con người là chức năng giao tiếp.

Giao tiếp - hiểu theo nghĩa rộng - là dùng (code) để truyền đi một thông tin. Việc truyền đạt thông tin này được tiến hành qua những bước liên tục, quá trình này làm thành hệ thống giao tiếp với các nhân tố sau:

a- Con người: tức là những kẻ tham gia vào giao tiếp. Con người có thể đóng vai trò là nguồn phát tin

(hoặc nơi phát) và nguồn nhận tin (hoặc nơi nhận). Nguồn phát tin và nguồn nhận tin cũng có thể là một. b- Mã: vừa là ký hiệu (ngôn ngữ hoặc văn tự) vừa là cách sử dụng chúng. Nguồn phát tin phải mã hóa, phải lập mã (encodes), tức là dùng mã tạo ra một hình thức có thể truyền đạt bằng kênh (canal), nguồn nhận phải giải mã (decodes) tức là nhận kiểu hình thức đó.

c- Nội dung thông tin truyền đi được gọi là thông điệp (message).

d-Thông điệp này được tổ chức qua văn bản (text), tức là qua cách lựa chọn và sắp xếp ngôn ngữ để giao tiếp.

Muốn giao tiếp xảy ra, thì nguồn nhận tin và nguồn phát tin phải sử dụng cùng một mã chung, hay ít nhất hai mã được sử dụng phải tương đương phần nào. Mặt khác, mã hiểu rộng ra có thể là vốn kiến thức của người nói, người nghe, người đọc, người viết. Vốn kiến thức giữa mã phát và mã nhận càng gần nhau bao nhiêu thì giao tiếp càng đạt hiệu quả cao bấy nhiêu. Tuy nhiên, sự trùng khớp về mã phát và mã nhận - trên thực tế - chỉ là điều lý tưởng.

Ngôn ngữ được xem như là mã và lời nói là thông báo cụ thể: Ngôn ngữ là cái tiềm tàng và qua giao tiếp ngôn ngữ, cái tiềm tàng này được hiện thực hóa. Do vậy, nói ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, công cụ thông tin tức là nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể hiểu nhau được, có thể bày tỏ nhận thức, ý chí, nguyện vọng của mình với người khác.

Giao tiếp ngôn ngữ từ lúc chuẩn bị cho đến lúc tiến hành luôn luôn gắn liền với hoạt động con người và phát triển thành một hoạt động đặc biệt, có chức năng đặc biệt của nó.

Nhờ chức năng giao tiếp, qua ngôn ngữ, con người mới nắm bắt được các kiến thức và kinh nghiệm xã hội bằng cách khái quát hóa thực tế về mặt khái niệm. Từ khi có chữ viết, nhờ có hình thức này mà ngôn ngữ làm cho con người hiểu nhau dù sống cách xa nhau hàng thế kỷ, người ta có thể ghi lại và truyền đạt những kinh nghiệm và kết quả của việc nhận thức thế giới từ người này đến người khác.

Giao tiếp ngôn ngữ - về nguyên tắc - luôn mang tính chất xã hội. Để có thể giao tiếp với nhau, con người phải có những mối quan hệ xã hội nhất định đối với nhau, đó là quan hệ giao tiếp. Quan hệ này xảy ra trong xã hội, trong cộng đồng ngôn ngữ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm với các chủ đề giao tiếp đa dạng phong phú.

Căn cứ vào những dấu hiệu thuần túy hình thức, người ta có thể chia giao tiếp ngôn ngữ thành các loại hình như: độc thoại, hội thoại, đàm thoại, giải thuyết, thuyết trình... Tuy nhiên, dù ở hình thức nào đi nữa, giao tiếp ngôn ngữ luôn được xây dựng trên hệ thống các mối quan hệ xã hội nói chung, trên cấu trúc xã hội và quan hệ giai cấp, các lớp và nhóm ngưới của xã hội đó nói riêng.

Hình thức giao tiếp của ngôn ngữ có thể là nói (ngôn ngữ nói) và viết (ngôn ngữ viết) hay dùng các phương tiện kỹ thuật như điện thoại, vô tuyến điện thoại, máy ghi âm... Tùy thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tổ chức xã hội cụ thể.

2. Chức năng phản ánh.

a) Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, ra đời gắn liền với con người với từng dân tộc và xã hội nhất định, được xã hội bảo vệ mà tồn tại qua bao đời nay, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Do đó, không chỉ là công cụ giao tiếp, ngôn ngữ còn là công cụ tàng trữ và truyền đạt những hiểu biết về cuộc sống, về thực tiễn, về tri thức khoa học, các kinh nghiệm xã hội do nhân loại đã tích lũy được trong quá trình tồn tại của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong kho tàng ngôn ngữ phản ánh tất cả những nhận thức của con người về tự nhiên cũng như xã hội, ngôn ngữ là kho lưu trữ và bảo tồn quá trình phát triển của con người, của các xã hội đi trước. b) Từ những điều đã từng đề cập ở trước, ta thấy, chức năng phản ánh của ngôn ngữ còn gắn liền với nhận thức và tư duy. Mác và Enghels đã chỉ ra rằng, sự sản sinh ra ý tưởng, biểu tượng, ý thức trước hết là gắn liền với hoạt động vật chất và với giao dịch vật chất của con người - đó là ngôn ngữ của cuộc sống thực tế. Mỗi một từ của ngôn ngữ là một khái niệm - kết quả của nhận thức con người về hiện thực - một tên gọi hay một sự định danh (naming) về hiện thực mà trong đó, phản ánh tất cả những quá trình nhận thức - cảm tính cũng như lý tính - của con người đối với thế giới khách quan. Tuy nhiên, khi đã đi vào khái niệm và được cố định hóa bằng từ, thì nội dung của sự phản ánh đã trở nên khái quát, và từ với khái niệm trở nên không đồng nhất. Nói cách khác, đã không đồng nhất với khái niệm thì từ cũng không đồng nhất với sự vật của hiện thực khách quan. Bởi vì, chức năng phản ánh của ngôn ngữ thực chất chỉ là dẫn xuất một ký hiệu ngôn ngữ đến một đối tượng của thế giới ngoài ngôn ngữ có thật hay không có thật.

3. Chức năng biểu cảm.

Theo .. (1979), chức năng biểu cảm của ngôn ngữ là năng lực diễn đạt thông tin, chuyển đạt nó và tác động nó đến sự ảnh hưởng của người tham gia giao tiếp. Nói cách khác, chức năng biểu cảm của ngôn ngữ không nhằm mục đích giao tiếp, mà chỉ để biểu hiện thái độ, tình cảm của người nói đối với điều mà người ấy cảm thấy hoặc gây kích thích, gây ảnh hưởng, khêu gợi sự biểu hiện thái độ, tình cảm ở người nghe trong trường hợp có hoặc không có mục đích giao tiếp.

Tuy nhiên, suy cho cùng, chức năng biểu cảm của ngôn ngữ không thể tách rời với chức năng giao tiếp và chức năng phản ánh. Bởi vì, trong hoạt động giao tiếp, dù có mục đích hay không có chủ định, cả ba chức năng đều hiện diện, xâm nhập vào nhau. Mặt khác, lời nói bao giờ cũng biểu hiện một ý tưởng nào đó, “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” (Marx).

Ngoài ba chức năng cơ bản trên đây, cũng có thể xác định các chức năng ngôn ngữ theo cách của Halliday M.A.K (1985). Theo ông, ngôn ngữ có ba chức năng sau đây

a. Chức năng ý niệm (ideational function)

Là sự biểu hiện của kinh nghiệm (experience): kinh nghiệm của ta về thế giới xung quanh và cả ở trong ta nữa, về cái thế giới tưởng tượng của ta. Đó là sự biểu hiện của những sự tình, những hành động, những biến cố, những quá trình tâm lý và những mối quan hệ.

b. Chức năng liên nhân (interpersonal)

Là chức năng mang hình thức như một sự tác động (interact): người nói hay người viết dùng ngôn ngữ để tác động như thế nào đó vào người nghe hay người đọc. Trong hoạt động giao tiếp, chức năng này là sự luân phiên thay đổi vai trò trong những cách tác động lẫn nhau bằng ngôn từ: những nhận định, những câu hỏi, những đề nghị, những mệnh lệnh kèm theo những hình thái nhất định.

c. Chức năng văn bản (textual).

Là tính quan yếu (relevant) đối với cấu trúc ngôn bản (construct texts): phần văn bản đi trước hoặc đi sau và đối với tình huống bên ngoài. Nói tóm lại, chức năng văn bản là xây dựng nên một thông điệp (passage) hoặc liên kết các thông điệp thành diễn từ (conected passages of discourse)

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)