QUAN ĐIỂM MÁC – XÍT VỀ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 27 - 28)

Từ lập trường và quan điểm duy vật lịch sử, trong tác phẩm Tác dụng của lao động trong sự chuyển

biến từ Vượn thành Người,(1) Ph.Enghels đã giải quyết một cách khoa học về vấn đề nguồn gốc của ngôn ngữ.

Theo ông, vào một thời kỳ chưa xác định được đích xác ở cuối thiên niên kỷ thứ ba (kỷ nguyên địa chất thứ ba) có một loài vượn-người đã đạt đến trình độ phát triển đặc biệt cao, sinh sống ở một nơi nào đó trong vùng nhiệt đới (đã chìm sâu xuống Ấn Độ độ dương). Họ sống từng bầy trên cây. Có lẽ do thói quen phải dùng hai chi trước vào chức năng leo trèo và các chức năng khác, họ dần dần bỏ mất thói quen dùng hai chi trước khi đi dưới đất và do đó, dần dần đứng thẳng người khi di chuyển trên mặt đất. “Sự chuyển biến từ vượn thành người diễn ra như thế đó”. Hai chi trước phải đảm nhiệm chức năng ngày càng phát triển như cầm, lấy thức ăn, làm tổ, dùng gậy gộc chống kẻ thù... và sau nữa là chế tạo ra những công cụ sản xuất nguyên thủy. Bước quyết định đó đã được hoàn thành: “bàn tay đã được giải phóng. Từ đó trở đi nó có thể đạt được ngày càng nhiều khéo léo mới và có sự mềm dẻo, uyển chuyển hơn... truyền lại hết con đến cháu và cứ tăng lên mãi từ thế hệ này sang thế hệ kia”. Và bàn tay con người “được hàng nghìn thế kỷ lao động cải tiến đến cao độ”, nó “không những là khí quan dùng để lao động mà còn là sản phẩm của lao động nữa”. Như vậy, trước hết đó là nhờ có lao động, rồi nhờ sự thích ứng với các động tác luôn luôn mới, nhờ tính di truyền và sau nữa là nhờ sự rèn luyện liên tục, thừa hưởng các kết quả của các thế hệ trước, con người mới có bàn tay và có trình độ hoàn thiện rất cao như ngày nay.

Với quan niệm cơ thể con người là một chỉnh thể, Ph.Enghels đã chỉ ra rằng hai bàn tay điêu luyện và hai chân ngày càng được hoàn thiện vì lối đi thẳng người đã tác động đến các bộ phận khác của cơ thể con người. Lao động xã hội “mở rộng thêm tầm mắt của con người, thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các thành viên của xã hội bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau và làm cho mỗi cá nhân ngày càng có ý thức rõ rệt hơn đối với lợi ích của sự hợp tác ấy. Những con người đang hình thành ấy đạt tới trình độ có những điều cần phải nói với nhau. Nhu cầu ấy đã làm cho thanh quản nói riêng và

tất cả bộ máy phát âm của người-vượn nói chung hoàn thiện dần và phát ra được những âm tiết gãy gọn. Ngôn ngữ ra đời từ đó”.

Như vậy: “Trước hết là lao động rồi đồng thời với lao động: đó là hai động lực chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến thành bộ óc con người”. Sự phát triển của bộ óc đi đôi với sự phát triển của tất cả các giác quan. Sự phát triển của óc và giác quan tác động đến sự phát triển của ý thức, đến năng lực trừu tượng hóa và năng lực suy luận, sự phát triển của ý thức tác động trở lại lao động và ngôn ngữ, làm cho lao động và ngôn ngữ không ngừng phát triển. Sự tương tác giữa lao động, ý thức, ngôn ngữ đến nay vẫn còn tiếp tục.

Các công cụ lao động đầu tiên mà con người tạo ra là công cụ săn bắt, đánh cá. Điều đó chứng tỏ con người đã chuyển từ chế độ ăn thuần túy thực vật sang chế độ ăn cả thịt nữa. Chế độ ăn thịt đã ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ óc. Nó còn đưa đến hai tiến bộ mới, có ý nghĩa quyết định: dùng lửa và nuôi súc vật. Sau đó, việc trồng trọt và tiếp theo là những ngành lao động khác nữa ra đời. Cuối cùng là nghệ thuật và khoa học. Khi đã tạo ra được nguồn thức ăn dồi dào cho mình, khi bàn tay đã ngày càng khéo léo để có thể làm được nhà, may quần áo che thân, thì con người có thể tùy ý di chuyển đến những vùng khí hậu khác nhau.

Tất cả những hoạt động đó cùng với sự phát triển của ý thức và của ngôn ngữ làm cho loài người ngày càng xa cách với giới động vật, và là đặc trưng phân biệt loài người với bất kỳ loài động vật nào, dù là động vật cao cấp.

Học thuyết về nguồn gốc ngôn ngữ của Ph.Enghels là một học thuyết có giá trị khoa học lớn. Nó đã được kiểm chứng hùng hồn bằng những thành tựu của khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Với quan điểm và cách lý giải mang duy vật tính lịch sử và duy vật biện chứng, giả thuyết của Ph.Enghels đã làm cho mọi sự giải thích có tính chất đơn giản, thần bí hoặc duy tâm về nguồn gốc của ngôn ngữ bị phá sản.

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)