Cấu trúc nghĩa của từ

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 68 - 69)

III. NGHĨA CỦA TỪ

2. Cấu trúc nghĩa của từ

Đến nay, khi đề cập đến nghĩa từ vựng của từ, đa số các nhà ngôn ngữ học đều nhất trí cho rằng đó là những mối quan hệ nào đó. Tuy nhiên, các quan hệ là phức tạp và đa dạng giữa từ với các hiện tượng khác, do vậy nghĩa của từ cũng là một đối tượng phức tạp, bao gồm một số thành tố đơn giản hơn. Người ta thường nói đến các thành tố sau:

a. Nghĩa biểu vật.

Nghĩa biểu vật (denotative meanings) là quan hệ của từ với đối tượng mà từ biểu thị. Đối tượng mà

từ biểu thị không phải chỉ là các sự vật mà còn là quá trình, tính chất hoặc hiện tượng thực tế nào đó. Tất cả những sự vật hiện tượng, quá trình, tính chất mà từ biểu thị được gọi là cái biểu vật (denotat) của từ. Mối quan hệ của từ với cái biểu vật được gọi là nghĩa biểu vật.

Cần nhận thức rằng cái biểu vật có thể gồm các đối tượng thuộc ngôn ngữ lẫn các đối tượng ngoài ngôn ngữ. Các đối tượng thực tế ngoài ngôn ngữ có thể bao gồm các sự vật khác nhau, những thuộc tính, hành động, phẩm chất, quan hệ vốn có đối với các sự vật ấy lẫn những đối tượng hoang đường như ma, quỷ, thần, thánh... Các đối tượng thuộc ngôn ngữ gồm:

a) Các hiện tượng được biểu thị bằng các thuật ngữ ngôn ngữ học: hình vị, trọng âm, từ tổ...

b) Những thông báo về các quan hệ trong ngôn ngữ được biểu thị bằng các hư từ, tức là bằng các liên từ, giới từ, đại từ...

b. Nghĩa biểu niệm.

Nghĩa biểu niệm (significative meanings) là quan hệ của từ với biểu tượng, khái niệm mà từ biểu thị. Khái niệm hoặc biểu tượng có quan hệ với từ được gọi là cái biểu niệm (significat). Quan hệ giữa từ và khái niệm hoặc biểu tượng được gọi là nghĩa biểu niệm.

Cái biểu vật và cái biểu niệm có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cái biểu niệm là sự phản ánh của cái biểu vật trong nhận thức của con người. Tuy nhiên, giữa cái biểu vật và cái biểu niệm có sự khác nhau rất lớn. Mỗi cái biểu vật duy nhất có thể thuộc vào những cái biểu niệm khác nhau. Bởi vì, cùng một sự vật có thể tham gia vào một số lớp khác nhau, bắt chéo lẫn nhau. Ví dụ, một người nào đó, khi thì được gọi là anh giáo viên, khi thì cậu thanh niên, khi thì bố... Ngược lại, mỗi cái biểu niệm có thể ứng với nhiều cái biểu vật khác nhau, tức là nó quan hệ đối với cả một lớp hạng đối tượng trong thực tế. Chẳng hạn, khái niệm nhà có quan hệ với tất cả các loại nhà khác nhau trong thực tế.

Mặt khác, mối quan hệ giữa âm của từ với cái biểu niệm, tức là nghĩa biểu niệm của từ đó, trong một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định là cái có tính chất ổn định. Vì lẽ đó, nghĩa biểu niệm thuộc vào hệ thống ngôn ngữ. Trong khi đó, nghĩa biểu vật chỉ thể hiện ra khi sử dụng các từ trong lời nói. Nó không có tính chất ổn định, bởi vì bản thân mối quan hệ giữa từ với cái biểu vật có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nói năng cụ thể.

c. Nghĩa ngữ dụng.

Nghĩa ngữ dụng (pragmatic meanings) là quan hệ giữa từ với người sử dụng. Bởi một điều hiển

nhiên rằng người sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn không thờ ơ đối với những từ ngữ được dùng. Họ có thể bộc lộ thái độ chủ quan của mình đối với từ ngữ, và qua đó tới cái biểu vật và cái biểu niệm của từ ngữ.

Cần lưu ý rằng đây là quan hệ giữa từ với tập thể người sử dụng từ đó, chứ không phải với một cá nhân hay một số người. Bản thân sự lĩnh hội ngôn ngữ là có tính chất cá nhân. Cùng một từ có thể gây ra những cảm xúc khác nhau ở người nghe, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa và lịch sử, kinh nghiệm cá nhân, vốn sống và quan điểm giai cấp của mỗi người.

d. Nghĩa kết cấu.

Nghĩa kết cấu (structural meanings). Mỗi một từ đều nằm trong một hệ thống từ vựng, có quan hệ

đa dạng và phức tạp với các từ khác. Quan hệ giữa từ với những từ khác trong hệ thống được gọi là nghĩa kết cấu của từ.

Trong hệ thống đó, mỗi từ có giá trị riêng của mình nhờ quan hệ đối với các từ khác. Giá trị hay ý nghĩa khu biệt của từ với từ khác chính là quan hệ của từ trên trục đối vị. Mặt khác, cái biểu vật và cái biểu niệm của từ còn bị quy định bởi mối quan hệ kết hợp của từ đó với các từ khác. Nhờ quan hệ nối tiếp này mà người ta xác lập nên kết trị (valence) hay nghĩa cú pháp của từ. Nói cách khác, kết trị chính là khả năng kết hợp của từ, bao gồm cả khả năng kết hợp từ vựng và khả năng kết hợp cú pháp.

Một phần của tài liệu giáo trình cơ sở ngôn ngữ học (Trang 68 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)