Xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 73 - 79)

8. Kết cấu của luận án

2.3. Cấu trúc của pháp luật về thế chấp quyền đòi nợ

2.3.2. Xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ

thực hiện các hành vi nhất định để ngăn chặn việc bên có nghĩa vụ và bên thế chấp câu kết định đoạt trái phép hoặc hành vi làm mất, làm giảm sút giá trị của quyền đòi nợ; (iii) Quyền ưu tiên cho phép bên nhận thế chấp quyền đòi nợ được thực hiện quyền của mình đối với quyền đòi nợ, được thanh toán trước những chủ thể khác.

iii) Quyền và nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên thế chấp

Bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên thế chấp quyền đòi nợ có một số quyền và nghĩa vụ nhất định trong biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên thế chấp có quyền được nhận thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ từ bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp. Trường hợp bên nhận thế chấp không cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ thì bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp. Về nguyên tắc, bên có nghĩa vụ trả nợ có thể được cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ từ phía bên nhận thế chấp quyền đòi nợ hoặc bên thế chấp quyền đòi nợ. Trường hợp bên nhận thế chấp quyền đòi nợ chứng minh được bên có nghĩa vụ đã biết hoặc bên có nghĩa vụ có lỗi dẫn đến việc bên có nghĩa vụ không biết hoặc không thể biết thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện việc thanh toán cho bên nhận thế chấp quyền đòi nợ.

2.3.2. Xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ quyền đòi nợ

Xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là trụ cột thứ hai (X thứ hai) trong cấu trúc mô hình 4X của giao dịch bảo đảm hiện đại theo khuyến nghị của UNCITRAL. Các nội dung về xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ bao gồm các nội dung: Phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ; công khai/đăng ký biện pháp thế chấp quyền đòi nợ [81, tr.16].

66

Quyền đối nhân chỉ phát sinh hiệu lực trong mối quan hệ giữa hai bên - trái chủ và thụ trái; trái chủ chỉ có quyền yêu cầu thụ trái thực hiện nghĩa vụ, chứ không có quyền yêu cầu ai khác. Quyền đối vật, trái lại, phát sinh hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng [26, tr.42]. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, pháp luật các nước luôn có sự tách bạch giữa các điều kiện xác lập vật quyền bảo đảm theo thỏa thuận và thủ tục cần thiết để vật quyền bảo đảm đó có hiệu lực với bên thứ ba thông qua việc đăng ký vật quyền bảo đảm hoặc hay hành vi chuyển giao tài sản bảo đảm [54, tr.26]. Nói cách khác, pháp luật các nước luôn có sự phân định rạch ròi giữa hiệu lực của giao dịch bảo đảm giữa các bên và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Sự phân biệt rạch ròi này sẽ góp phần một mặt thúc đẩy, khuyến khích việc hình thành vật quyền bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên, mặt khác cho phép bên thứ ba có thể chủ động tiếp cận để nhận biết tình trạng của tài sản đó thông qua những công cụ hữu hiệu [106, tr.66]. Theo các quy định tại Điều 9 UCC và các quy định tương tự tại Luật về giao dịch bảo đảm bằng động sản của Canada và New Zealand, quyền lợi bảo đảm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba sau khi đã được xác lập và có hiệu lực giữa hai bên, và chủ nợ có bảo đảm thực hiện một trong các phương thức sau: chiếm hữu tài sản bảo đảm, kiểm soát tài sản bảo đảm hoặc đăng ký quyền lợi [90]. Do đó, các nội dung về hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ xoay quanh cách thức, phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ hoặc đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ.

2.3.2.1. Phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ

Phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp thường được áp dụng trong trường hợp tài sản thế chấp là động sản vô hình như tài khoản tiền gửi, thư tín dụng, cổ phiếu, chứng khoán, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán và các loại giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu. Theo UNCITRAL, quyền lợi bảo đảm đối với tài khoản tiền gửi ngân hàng phát sinh hiệu lực đối kháng với

67

người thứ ba nếu bên nhận bảo đảm kiểm soát, chi phối tài khoản tiền gửi đó theo một trong ba cách: (i) Bên nhận bảo đảm chính là ngân hàng nơi mở tài khoản; (ii) Bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm và ngân hàng nơi mở tài khoản ký kết thỏa thuận, trong đó, ngân hàng đồng ý tuân theo chỉ dẫn của bên nhận bảo đảm về việc trích nợ từ tài khoản mà không cần có sự đồng ý của bên bảo đảm; (iii) Bên nhận bảo đảm đứng tên chủ tài khoản đó [108, a25]. Tại Điều 9 UCC cũng quy định phương thức kiểm soát, chi phối và quản lý đối với các tài sản thế chấp dạng này được áp dụng khi bên nhận thế chấp chính là tổ chức tín dụng mở, quản lý tài khoản tiền gửi, thư tín dụng, cổ phiếu, chứng khoán, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán và các loại giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu của bên thế chấp [90]. Trường hợp bên nhận thế chấp không phải là tổ chức tín dụng thì bên nhận thế chấp có thể thỏa thuận với bên thế chấp để trao quyền kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp cho tổ chức tín dụng đang mở, quản lý các tài khoản đó.

Đối với việc thế chấp quyền đòi nợ, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ luôn đề cao việc quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ nhằm hạn chế rủi ro khi nhận thế chấp quyền đòi nợ. Để quản lý được quyền đòi nợ thế chấp, bên nhận thế chấp yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ tham gia ký cam kết về việc bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ thanh toán khoản tiền trực tiếp vào tài khoản của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp có thể thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi của mình như: (i) yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán tiền qua tài khoản duy nhất của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp; (ii) áp dụng nguyên tắc tiền về đến đâu thu nợ đến đấy; (iii) khi tiền về tài khoản của bên thế chấp mở tại ngân hàng theo chỉ định bên nhận thế chấp, tài khoản này sẽ được bên nhận thế chấp phong tỏa hoặc yêu cầu phong tỏa theo nội dung đã được thỏa thuận trước với bên thế chấp [49, tr.56].

Để kiểm soát, chi phối và quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, bên nhận thế chấp có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ tham gia vào giao dịch thế

68

chấp quyền đòi nợ nhằm mục đích kiểm soát, giám sát quyền đòi nợ, bảo đảm kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán giữa bên có nghĩa vụ trả nợ và bên thế chấp [50, tr.54]. Việc này cũng giúp bên nhận thế chấp hạn chế tối đa trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ và bên thế chấp câu kết, thông đồng với nhau làm giảm giá trị của quyền đòi nợ, ngầm thực hiện trả nợ cho nhau, nằm ngoài tầm kiểm soát của bên nhận thế chấp. Thực chất sự tham gia của bên có nghĩa vụ trả nợ vào giao dịch thế chấp quyền đòi nợ như là một biện pháp chi phối, giám sát, quản lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, tránh trường hợp các rủi ro cho bên nhận thế chấp phát sinh từ việc bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ có các hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng của giao dịch thế chấp. Bên có nghĩa vụ tham gia vào hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ được coi như một hình thức bên có nghĩa vụ trả nợ đã biết về giao dịch thế chấp quyền nợ và bên nhận thế chấp quyền đòi nợ hoặc bên thế chấp không cần phải thực hiện thủ tục thông báo, cung cấp thông tin cho bên có nghĩa vụ trả nợ. Đây cũng là giải pháp nhằm mục đích hạn chế trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ cố tình không đồng ý, thực hiện cản trở việc thực hiện thế chấp quyền đòi nợ giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp.

2.3.2.2. Công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ

Thế chấp quyền đòi nợ xác lập vật quyền bảo đảm của bên nhận thế chấp trên quyền đòi nợ, vì vậy nó không chỉ có hiệu lực đối với các bên trong giao dịch thế chấp quyền đòi nợ, mà còn có hiệu lực đối kháng với các chủ thể khác có quyền, lợi ích xung đột với bên nhận thế chấp trên cùng quyền đòi nợ thế chấp, ví dụ: các chủ nợ khác của bên thế chấp, bên mua, bên nhận chuyển nhượng quyền đòi nợ. Tuy nhiên, vì các chủ thể thứ ba này không tham gia vào giao dịch thế chấp quyền đòi nợ, nên không thể biết được sự tồn tại của giao dịch thế chấp quyền đòi nợ. Trong khi đó, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ đương nhiên muốn được ưu tiên trước các chủ thể khác (đối kháng với quyền lợi của các chủ thể khác). Vì vậy, cần phải có cơ chế công khai hóa giao dịch thế chấp quyền đòi nợ bằng các phương thức như đăng ký biện pháp thế chấp quyền

69

đòi nợ, bên nhận thế chấp cung cấp thông tin cho bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc bên nhận thế chấp quyền đòi nợ quản lý quyền đòi nợ thế chấp. Chỉ khi được công khai hóa thì giao dịch thế chấp quyền đòi nợ mới có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai của giao dịch, hạn chế rủi ro cho các bên thứ ba khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Như vậy, mục đích của các phương thức xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là nhằm thông báo cho tất cả các bên thứ ba biết về sự tồn tại của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt trước khi tham gia các giao dịch khác liên quan đến tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, đồng thời tạo căn cứ rõ ràng để xác định thứ tự ưu tiên giữa bên nhận thế chấp và bên thứ ba.

Từ góc độ pháp luật so sánh, các hệ thống pháp luật cũng có những cách tiếp cận đa dạng về phương thức xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Trên thực tế, cơ chế đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ để xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba đối với quyền đòi nợ được coi là phương thức phù hợp. Tuy nhiên, pháp luật của Đức quy định đối với thế chấp quyền đòi nợ, nếu muốn xác lập hiệu lực đối kháng thì bên nhận thế chấp phải gửi thông báo đối với bên có nghĩa vụ trả nợ [63, tr.83]. Pháp luật của Pháp cũng quy định thế chấp quyền đòi nợ sẽ có hiệu lực đối kháng với các bên và cả bên thứ ba vào thời điểm nó được lập thành văn bản, tuy nhiên, việc thế chấp quyền đòi nợ phải được thông báo đối với bên có nghĩa vụ trả nợ thì mới làm phát sinh hiệu lực đối với họ (trong trường hợp không thông báo, bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ thanh toán cho chủ nợ trực tiếp của mình (tức là bên thế chấp quyền đòi nợ) [63, tr.83]. Quy định về phương thức thông báo tới bên có nghĩa vụ trả nợ, về lý thuyết, là rất cần thiết để đảm bảo rằng họ sẽ thanh toán cho bên nhận thế chấp thay vì cho bên thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ thể hiện mối quan hệ giữa bên nhận thế chấp quyền đòi nợ và bên có nghĩa vụ trả nợ không liên quan đến việc xác định hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Hơn nữa phương thức thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ không thực sự tiện lợi nếu số

70

lượng bên có nghĩa vụ trả nợ rất lớn [106, tr.50]. Vì vậy, cơ chế đăng ký, công khai biện pháp thế chấp quyền đòi nợ để xác lập hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba đối với quyền đòi nợ được coi là phương thức phù hợp, đơn giản và tiện lợi.

Để cho tính đối kháng tuyệt đối của vật quyền nói chung và của vật quyền bảo đảm nói riêng có được hiệu quả mong muốn, là làm thế nào để vật quyền được mọi người nhận biết [26, tr.42]. Công khai hóa vật quyền bảo đảm là một trong những thiết chế đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo tính hiệu quả, tính xác định và tính dự báo trước của hệ thống pháp luật giao dịch bảo đảm [104, tr.103]. Chính vì công khai hóa vật quyền bảo đảm đem lại hệ quả pháp lý quan trọng là xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, nên công khái hóa vật quyền bảo đảm còn là căn cứ pháp lý đầu tiên để xác định thứ tự quyền ưu tiên thanh toán dựa trên nguyên tắc xác định quyền ưu tiên thanh toán theo thời điểm vật quyền bảo đảm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba [54, tr.27]. Việc đăng ký vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có tác dụng thông tin cho người thứ ba về sự tồn tại của vật quyền và là điều kiện để vật quyền được tôn trọng. Biện pháp đăng ký được áp dụng đối với lợi ích bảo đảm trên tất cả các loại tài sản và là biện pháp được khuyến khích nhằm xác lập thứ tự ưu tiên, ngoại trừ những lợi ích bảo đảm được hoàn thiện theo cách thủ đắc quyền sở hữu và những lợi ích bảo đảm tự động hoàn thiện hoặc không cần phải hoàn thiện [90].

Thế chấp quyền đòi nợ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Việc đăng ký thế chấp quyền đòi nợ sẽ bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp khi xác định thứ tự ưu tiên thanh toán so với bên nhận thế chấp khác. Đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong các biện pháp bảo đảm an toàn cho biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Thông qua việc đăng ký giao dịch bảo đảm, các bên trong quan hệ thế chấp quyền đòi nợ có thể kiểm tra một cách thuận lợi quyền đòi nợ dùng để bảo đảm. Về bản chất, đăng ký giao dịch bảo đảm khi thế chấp quyền đòi nợ có ý nghĩa như là sự tuyên bố quyền của bên

71

nhận thế chấp đối với quyền đòi nợ để công chúng và bên có nghĩa vụ trả nợ biết về giao dịch thế chấp quyền đòi nợ. Đồng thời, thông báo gián tiếp về sự hạn chế quyền của bên thế chấp đối với tài sản thế chấp là quyền đòi nợ.

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)