8. Kết cấu của luận án
2.2. Khái niệm, bản chất pháp lý và đặc điểm của thế chấp quyền đòi nợ
2.2.2. Bản chất pháp lý của thế chấp quyền đòi nợ
Trên thực tế đã có quan điểm tiếp cận thế chấp dưới giác độ là một giao dịch dân sự và cho rằng bản chất của quan hệ thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quan hệ hợp đồng [51, tr.47]. Với cách tiếp cận này, bên nhận thế chấp có các quyền đối với tài sản thế chấp mang tính gián tiếp thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp theo hợp đồng đã ký kết mà không có quyền trực tiếp trên tài sản thế chấp. Nếu bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì bên nhận thế chấp chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bên thế chấp thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ. Như vậy, tính chất bảo đảm của biện pháp thế chấp sẽ có nguy cơ trở thành không có bảo đảm vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của bên thế chấp (hoặc phải thông qua các thủ tục tố tụng tại Tòa án). Trường hợp tài sản thế chấp còn là đối tượng của nhiều quan hệ khác nữa như quan hệ cầm cố, bảo lãnh, cầm giữ, cho thuê, mua bán trả góp…thì hợp đồng thế chấp đã ký kết không đủ căn cứ để bên nhận thế chấp có quyền đối kháng (quyền ưu tiên số tiền khi xử lý tài sản thế chấp) trước các chủ thể khác, vì hợp đồng thế chấp chỉ có hiệu lực ràng buộc giữa bên thế chấp với bên nhận thế chấp [94, tr.15].
49
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, cách tiếp cận thế chấp có bản chất là một loại vật quyền bảo đảm là phù hợp. Theo đó, thế chấp là một biện pháp bảo đảm mang tính chất đối vật, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện đối với các bên trong quan hệ thế chấp [61, tr.17]. Thế chấp tài sản tạo ra một vật quyền đối với giá trị kinh tế của tài sản, không phải đối với bản thể tài sản như quyền sở hữu. Bên nhận thế chấp không có quyền của chủ sở hữu đối với tài sản mà quyền định đoạt đối với tài sản thế chấp vẫn thuộc về bên thế chấp. Một khi không ai đứng ra trả nợ, thì bên nhận thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm làm bật ra giá trị kinh tế của tài sản thế chấp để thu hồi nợ, mà không ai, kể cả chủ sở hữu không có quyền ngăn cản [24, tr.20]. Vật quyền bảo đảm nói chung và vật quyền thế chấp là một khái niệm của hệ thống Civil Law được dùng để chỉ quyền trực tiếp và ngay tức khắc của bên nhận thế chấp trên một tài sản được chủ sở hữu của nó dùng để thế chấp bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ. Vật quyền thế chấp chỉ một biện pháp làm tăng quyền năng của trái chủ, mà không phụ thuộc vào người khác, cho phép trái chủ có quyền lợi đặc biệt đối với tài sản của người thụ trái [104, tr.606]. Quan hệ vật quyền thế chấp được xác lập trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa hai yếu tố: chủ thể của quyền (con người) và đối tượng của quyền (tài sản). Theo đó, quan hệ vật quyền thế chấp cho phép chủ thể có quyền áp đặt quyền của mình lên tài sản, mà không cần đến sự đồng ý hoặc không đồng ý của chủ thể khác. Đây chính là sự khác biệt cơ bản giữa vật quyền thế chấp nói riêng và vật quyền nói chung với quan hệ trái quyền (trong quan hệ trái quyền thì quyền của chủ thể này, đồng thời là nghĩa vụ của chủ thể khác). Các quan hệ trái quyền thường phụ thuộc nhiều vào ý thức của bên có nghĩa vụ có chủ động thực hiện nghĩa vụ không và thực hiện như thế nào. Quan hệ vật quyền cho chủ thể nắm quyền thực hiện quyền của mình một cách chủ động hơn. Vật quyền thế chấp ở đây có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động
50
của thụ trái để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, người có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản [25, tr.57].
Như vậy, thế chấp quyền đòi nợ là một biện pháp có một số tính chất vật quyền nhằm bảo đảm cho quan hệ trái quyền. Tính chất vật quyền của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ được thể hiện thông qua việc bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền yêu cầu trực tiếp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, quyền kiểm soát quyền đòi nợ, quyền ưu tiên thanh toán và các quyền này có giá trị đối kháng với bên thứ ba. Đối với quyền đòi nợ được dùng làm tài sản thế chấp, bên thế chấp phải trông chờ vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba (bên đang có nghĩa vụ với bên thế chấp) để đạt được quyền lợi của mình - đây chính là một đặc tính của trái quyền.