8. Kết cấu của luận án
1.3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu
1.3.4. Một số lý thuyết nghiên cứu áp dụng
1.3.4.1. Lý thuyết về vật quyền bảo đảm
Lý thuyết về vật quyền xuất phát từ thời La Mã, được hoàn thiện qua thời gian và tiếp tục được vận dụng vào pháp luật dân sự hiện đại [67, tr.10]. Vật quyền bảo đảm đưa ra một biện pháp làm tăng quyền năng của trái chủ, mà không phụ thuộc vào người khác, cho phép trái chủ có quyền lợi đặc biệt đối với tài sản của người thụ trái [67, tr.606]. Quan hệ vật quyền bảo đảm cho phép chủ thể có quyền “áp đặt” quyền của mình lên tài sản, mà không cần đến sự đồng ý hoặc không đồng ý của chủ thể khác. Các thành tố trong vật quyền bảo đảm bao gồm: (i) Quyền tác động trực tiếp lên tài sản bảo đảm (quyền xử lý tài sản bảo đảm mang đến cho bên nhận bảo đảm sự chủ động tuyệt đối, không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hay không của bên bảo đảm) [77, tr.14]; (ii) Quyền theo đuổi (truy đòi) tài sản bảo đảm (bên nhận bảo đảm có quyền duy trì, lập lại quyền chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm) [46]; (iii) Quyền kiểm soát lưu thông tài sản bảo đảm (bên nhận bảo đảm thực hiện các hành vi nhất định để ngăn chặn việc định đoạt trái phép tài sản bảo đảm hoặc hành vi làm mất, làm giảm sút giá
26
trị của tài sản bảo đảm) [77, tr.14]. Ngoài ra, vật quyền bảo đảm cũng có tính đối kháng tuyệt đối, giúp quyền bên nhận bảo đảm có bảo đảm được tôn trọng bởi tất cả mọi người, đặc biệt là những chủ nợ không có bảo đảm [26, tr.42].
Vận dụng lý thuyết về vật quyền bảo đảm sẽ có cơ sở để hiểu rõ bản chất của các quy định pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung và thế chấp quyền đòi nợ nói riêng. Khi vận dụng hiệu quả lý thuyết vật quyền bảo đảm sẽ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho bên nhận bảo đảm trong quá trình tham gia thực hiện biện pháp bảo đảm. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động của bên có nghĩa vụ để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, bên có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản [26, tr.40]. Việc áp dụng lý thuyết vật quyền bảo đảm còn giúp xây dựng được một hệ thống các quyền của bên nhận bảo đảm một cách đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng một cách hiệu quả cho việc sử dụng biện pháp bảo đảm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài sản, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển [48, tr.7].
1.3.4.2. Lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm
Vào nửa đầu thế kỷ XX, Giáo sư Grant Gilmore (một trong những kiến trúc sư của Quyển 9 UCC) đã khởi xướng lý thuyết tiếp cận đơn nhất hay tiếp cận theo chức năng trong pháp luật về giao dịch bảo đảm (được gọi là lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm) [96], [79, tr.32]. Khởi đầu từ Hoa Kỳ, lý thuyết này đã nhanh chóng được tiếp nhận ở các nước thuộc truyền thống thông luật như Canada, New Zealand, Australia, và tầm ảnh hưởng của nó đã lan rộng sang cả các nước thuộc truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa, tạo nên một xu hướng toàn cầu. Trên cơ sở lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm, cấu trúc của pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng động sản được thiết kế theo hướng không chia theo từng biện pháp bảo đảm khác nhau mà xoay quanh bốn trụ cột được gọi là cấu trúc mô hình 4X của giao dịch bảo đảm, gồm: (i) Xác lập quyền của bên nhận bảo đảm trên tài sản bảo đảm hay xác lập quyền lợi bảo đảm; (ii)
27
Xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của quyền lợi bảo đảm; (iii) Xác định thứ tự ưu tiên của quyền lợi bảo đảm; (iv) Xử lý tài sản bảo đảm.
Vận dụng lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm sẽ tạo nên cải cách mang tính chất đột phá, đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình luật giao dịch bảo đảm truyền thống sang mô hình hiện đại. Cấu trúc của pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện đại theo lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm được thiết kế mang tính logic, rõ ràng, tính hệ thống cao, đồng bộ, đơn giản, có tính chắc chắn, minh bạch, dễ áp dụng [100]. Khung pháp lý về giao dịch bảo đảm sẽ đơn giản, thuận tiện cho các chủ thể, giảm đáng kể chi phí giao dịch, các bên trong giao dịch không phải gặp khó khăn, vướng mắc trong việc định danh cho biện pháp bảo đảm, mà chỉ cần dựa vào các đặc điểm nhận diện theo chức năng của giao dịch để biết họ có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Đặc biệt, vận dụng lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm sẽ tạo điều kiện để các bên trong giao dịch bảo đảm sử dụng tất cả các loại tài sản hiện có và tài sản mới sẽ xuất hiện trong nền kinh tế hiện đại làm tài sản bảo đảm, tận dụng, thúc đẩy, khuyến khích sử dụng mọi loại tài sản đều có thể trở thành đối tượng của giao dịch bảo đảm và khai thác tối đa giá trị tài sản bảo đảm.
1.3.4.3. Lý thuyết về tự do hợp đồng
Lý thuyết về tự do hợp đồng là hạt nhân cốt lõi của học thuyết tự do ý chí được các luật gia phát triển trong thế kỷ 19, vì hợp đồng thực chất được giải thích trong các điều kiện của tự do ý chí [16, tr.12]. Nguyên tắc tự do ý chí trong pháp luật hợp đồng được hiểu là các bên được tự do giao kết hợp đồng hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình miễn là nó không trái với trật tự công cộng. Nguyên tắc này khi chiếu vào việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng lại mang một sắc thái khác, làm phát sinh một tiểu nguyên tắc là nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng [59, tr.243]. Lý thuyết tự do hợp đồng có một giá trị nổi bật là hạn chế sự can thiệp của nhà nước, các quyết định mang tính hành chính theo hướng mở rộng tối đa các
28
quyền tự do đối với tài sản và các lợi ích của tư nhân và thu hẹp tối đa sự can thiệp của chính quyền vào khu vực tư nhân [16, tr.15].
Vận dụng lý thuyết về tự do hợp đồng, các bên tham gia biện pháp thế chấp quyền đòi nợ phải hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Việc vận dụng lý thuyết về tự do hợp đồng trong thế chấp quyền đòi nợ còn được thể hiện ở chỗ các bên được tự do áp dụng lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm trong quá trình xác lập quan hệ thế chấp quyền đòi nợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Ngoài ra, vận dụng lý thuyết tự do hợp đồng trong thế chấp quyền đòi nợ còn giúp: (i) Bên thế chấp và bên nhận thế chấp được quyền quyết định việc lựa chọn đối tác và đối tượng khi thực hiện biện pháp thế chấp quyền đòi nợ; (ii) Bên thế chấp và bên nhận thế chấp có quyền tự do thoả thuận về nội dung của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ, hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, quyền và nghĩa vụ của các bên; (iii) Bên thế chấp và bên nhận thế chấp có quyền tự do quyết định việc giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thế chấp quyền đòi nợ.
1.3.4.4. Lý thuyết về phân loại tài sản
Phân loại tài sản là một nhu cầu khách quan, là linh hồn của khái niệm tài sản và là kỹ thuật pháp lý quan trọng của luật dân sự nói chung và luật tài sản nói riêng [17, tr.24]. Xem xét tới các đặc tính vật lý thực tế của tài sản, trong khoa học pháp lý, theo các căn cứ khác nhau, người ta có nhiều cách phân loại tài sản khác nhau. Tài sản hoặc là hữu hình, hoặc là vô hình, hoặc là bất động sản, hoặc là động sản. Theo đó, tài sản bao gồm: bất động sản hữu hình, bất động sản vô hình, và động sản hữu hình, động sản vô hình. Tài sản hữu hình là vật. Còn tài sản vô hình là quyền. Vật nói ở đây với nghĩa là những bộ phận khác nhau của thế giới vật chất có khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của con người và đã được quan hệ xã hội hóa. Tài sản vô hình hay còn gọi là quyền tài sản bao gồm: quyền đối vật (vật quyền); quyền đối nhân (trái quyền); và quyền sở hữu trí tuệ [18, tr.2].
29
Vận dung lý thuyết về phân loại tài sản sẽ làm rõ các khía cạnh của tài sản và để xây dựng các quy chế pháp lý điều chỉnh chúng cho phù hợp [92, tr.31]. Từ lý thuyết về phân loại tài sản có thể thấy quyền đòi nợ một dạng quyền tài sản có thể trị giá được bằng tiền và được lưu thông, trao đổi, mua bán trong các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại. Quyền đòi nợ thể hiện một quan hệ về tài sản vì khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên có nghĩa vụ phải đưa tài sản của mình cho bên có quyền dẫn đến tình trạng tài sản của bên có nghĩa vụ bị giảm sút[19, tr.18]. Ngược lại, bên có quyền khi nhận tài sản của bên có nghĩa vụ thì tài sản của bên có quyền tăng lên và khi quyền đòi nợ được lưu thông, trở thành đối tượng của các giao dịch thì bên có quyền có thể thu hồi lại một khoản tiền như một hoạt động kinh tế.
1.3.4.5. Lý thuyết về nghĩa vụ
Lý thuyết về nghĩa vụ cho thấy nợ là một nghĩa vụ tài sản của một bên (bên nợ) đối với một bên khác (chủ nợ). Nghĩa vụ ở đây được hiểu là một quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai chủ thể theo đó một chủ thể (chủ thể quyền - người có quyền) có thể yêu cầu chủ thể kia (chủ thể nghĩa vụ - người có nghĩa vụ) phải hoàn thành một yêu cầu nhất định [15, tr.39]. Nghĩa vụ là mối liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó một người là trái chủ (hay chủ nợ) có quyền đòi người kia là người phụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá bằng tiền [59, tr.13]. Để quan tâm đầy đủ tới tất cả các khía cạnh của nghĩa vụ, cần lưu ý trong quan hệ nghĩa vụ luôn có hai chủ thể trái ngược nhau về mặt lợi ích là: (i) một bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ; và (ii) một bên khác (bên có nghĩa vụ) phải thực hiện yêu cầu của bên kia [20, tr.38].
Vận dung lý thuyết về nghĩa vụ sẽ hiểu rõ bản chất của quyền đòi nợ là một mối quan hệ pháp lý giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền và quyền đòi nợ có đầy đủ các yếu tố được pháp luật công nhận và bảo vệ. Quyền đòi nợ là một quan hệ đối nhân (quyền đối nhân) vì bên có quyền chỉ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền mà không được quyền thi hành trên bất cứ
30
một tài sản cụ thể nào của bên có nghĩa vụ [20, tr.44]. Việc bên có quyền thi hành quyền đòi nợ phải phụ thuộc vào tài sản đã và đang có của bên có nghĩa vụ.
31
KẾT LUẬN CHƢƠNG 1
Xuất phát từ tiền đề quan trọng là cấu trúc bốn trụ cột của giao dịch bảo đảm hiện đại (xác lập biện pháp bảo đảm có hiệu lực giữa các bên; xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba; xử lý tài sản bảo đảm; xác định thứ tự ưu tiên) được UNCITRAL khuyến nghị áp dụng, tại chương 1 của luận án đã đánh giá tổng quan về tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài gồm: (i) đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu lý luận về quyền đòi nợ và thế chấp quyền đòi nợ; (ii) đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về xác lập biện pháp thế chấp quyền đòi nợ có hiệu lực giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp; (iii) đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba khi thế chấp quyền đòi nợ; (iv) đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ; (v) đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về thứ tự ưu tiên khi thực hiện thế chấp là quyền đòi nợ.
Trên cơ sở tổng quan về tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài có thể thấy các công trình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước đã cơ bản xây dựng được nền móng nghiên cứu lý luận, thực trạng và kiến nghị về thế chấp quyền đòi nợ. Theo đó, có thể kế thừa một số kết quả nghiên cứu về lý luận, thực trạng, thực tiễn áp dụng pháp luật và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thế chấp quyền đòi nợ. Bên cạnh đó, tại chương 1 của luận án đã xác định các vấn đề được luận án nghiên cứu sâu hoặc cần tiếp tục nghiên cứu phát triển trong quá trình thực hiện đề tài. Từ đó, chương 1 của luận án đặt ra các câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và nêu các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận án gồm phân tích kết hợp với bình luận, phân tích kết hợp với luật học so sánh, trừu tượng hóa, tổng hợp, tổng kết thực tiễn, khái quát hóa, mô hình hóa, nghiên cứu tài liệu tại bàn và ý kiến chuyên gia. Đồng thời, chương 1 của luận án cũng trình bày các cơ sở lý thuyết quan trọng để thực hiện đề tài như: lý thuyết về vật quyền bảo đảm, lý thuyết tiếp cận theo chức năng bảo đảm, lý thuyết về tự do hợp đồng, lý thuyết về phân loại tài sản và lý thuyết về nghĩa vụ.
32
Chƣơng 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ THẾ CHẤP QUYỀN ĐÒI NỢ