Đặc điểm pháp lý của thế chấp quyền đòi nợ

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 58 - 60)

8. Kết cấu của luận án

2.2. Khái niệm, bản chất pháp lý và đặc điểm của thế chấp quyền đòi nợ

2.2.3. Đặc điểm pháp lý của thế chấp quyền đòi nợ

Trong biện pháp thế chấp có đặc điểm pháp lý là không có sự chuyển giao quyền sở hữu cũng như quyền chiếm hữu đối với tài sản thế chấp. Đây là một điểm chung của cả hai hệ thống pháp luật Civil Law và Common Law khi có sự phát triển của biện pháp thế chấp theo hướng chuyển từ hình thức thế chấp có chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp sang hình thức thế chấp không có sự chuyển giao quyền sở hữu cũng như quyền chiếm hữu đối với tài sản thế chấp. Trong quan hệ thế chấp tài sản thì không có sự chuyển giao tài sản thế chấp từ bên thế chấp sang bên nhận thế chấp. Đặc điểm pháp lý này tạo điều kiện thuận lợi cho bên thế chấp. Bên thế chấp vẫn tiếp tục được sử dụng, khai thác công dụng của tài sản thế chấp, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản làm tăng thu nhập [47, tr.28].

Ngoài các đặc điểm pháp lý của thế chấp tài sản, thế chấp quyền đòi nợ có các đặc điểm pháp lý riêng. Trước hết, việc thực hiện biện pháp thế chấp này có đối đượng là quyền đòi nợ. Khi tham gia vào quan hệ thế chấp, bên thế chấp dùng tài sản là quyền đòi nợ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không chuyển giao quyền đòi nợ đó cho bên nhận thế chấp.

51

Quyền đòi nợ khi được dùng làm đối tượng của biện pháp thế chấp có đặc trưng là: (i) Quyền đòi nợ có thể thuộc quyền định đoạt của bên thế chấp hoặc bên thế chấp có quyền nhất định đối với quyền đòi nợ đó; (ii) Quyền đòi nợ không phải là đối tượng bị tranh chấp, nếu quyền đòi nợ đang có tranh chấp thì chỉ khi nào các tranh chấp đó được giải quyết bằng bản án của tòa án hoặc các bên đã thỏa thuận được với nhau bên về giải quyết tranh chấp đó thì mới được đưa vào làm đối tượng của biện pháp thế chấp; (iii) Quyền đòi nợ phải phát sinh từ hợp đồng được giao kết, xác lập đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch.

Việc thế chấp quyền đòi nợ còn có đặc điểm pháp lý là phụ thuộc vào hợp đồng làm phát sinh quyền đòi nợ. Quyền đòi nợ được phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã được xác lập hợp pháp trước đó và hợp đồng này làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền của bên có nghĩa vụ trả nợ đối với bên thế chấp. Hợp đồng ký giữa bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ có ý nghĩa rất quan trọng là xác lập, hình thành và tạo ra quyền đòi nợ cho bên thế chấp, nên hợp đồng này được coi là cơ sở tạo ra đối tượng của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Nếu giao dịch cơ sở làm phát sinh quyền đòi nợ hợp pháp sẽ tạo ra quyền đòi nợ hợp pháp và trở thành đối tượng của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ. Nếu giao dịch cơ sở làm phát sinh quyền đòi nợ không hợp pháp thì quyền đòi nợ không hợp pháp không thể trở thành đối tượng của thế chấp quyền đòi nợ.

Đặc điểm mang tính đặc thù của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ là tính chất quyền trên quyền. Trong biện pháp thế chấp quyền đòi nợ, quyền đòi nợ là trái quyền, khi quyền đòi nợ được dùng để thế chấp thì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ sẽ có quyền tài sản: quyền đối với quyền đòi nợ [92, tr.34]. Thế chấp quyền đòi nợ thuộc phạm trù vật quyền bảo đảm do thế chấp quyền đòi nợ là một dạng cụ thể của thế chấp tài sản và quyền đòi nợ là một dạng tài sản vô hình cụ thể nên khi quyền đòi nợ được dùng để thế chấp thì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ sẽ xác lập vật quyền bảo đảm đối với quyền đòi nợ. Điểm đặc biệt là quyền đòi nợ còn là một loại trái quyền, nên biện pháp thế chấp quyền đòi nợ có

52

tính chất vật quyền yếu, thể hiện thông qua việc bên nhận thế chấp chỉ có quyền yêu cầu trực tiếp đối với bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà không có quyền tác động trực tiếp lên tài sản của bên có nghĩa vụ. Quyền yêu cầu trả tiền có ý nghĩa quan trọng nhất, giúp bên nhận thế chấp có sự chủ động tuyệt đối, không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hay không của bên thế chấp. Tuy nhiên, với tính chất trái quyền của quyền đòi nợ, việc thực hiện quyền của bên nhận thế chấp phải phụ thuộc vào hành vi, ý thức trả nợ của bên có nghĩa vụ. Điều đó cho thấy, đặc điểm pháp lý quyền trên quyền của biện pháp thế chấp quyền đòi nợ được thể hiện thông qua việc bên nhận thế chấp sẽ có một số quyền nhất định đối với quyền đòi nợ như:

(i) Quyền yêu cầu trực tiếp đối với bên có nghĩa vụ cho phép bên nhận

thế chấp được thực hiện các yêu cầu trực tiếp đối với bên có nghĩa vụ (trong đó quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả tiền mang ý nghĩa quan trọng nhất, giúp bên nhận thế chấp có sự chủ động tuyệt đối, không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hay không của bên thế chấp trong việc định đoạt đối với quyền đòi nợ). Tuy nhiên, việc thực hiện quyền của bên nhận thế chấp phải phụ thuộc vào hành vi của bên có nghĩa vụ trả nợ. Đây chính là đặc trưng quan trọng quyết định tính chất đặc thù của việc xác định hiệu lực đối kháng và thứ tự ưu tiên trong thế chấp quyền đòi nợ [63. tr.82].

(ii) Quyền kiểm soát quyền đòi nợ cho phép bên nhận thế chấp quyền đòi nợ được thực hiện các hành vi nhất định để ngăn chặn việc bên có nghĩa vụ và bên thế chấp câu kết định đoạt trái phép quyền đòi nợ được dùng thế chấp hoặc hành vi làm mất, làm giảm sút giá trị của quyền đòi nợ đó.

(iii) Quyền ưu tiên cho phép bên nhận thế chấp quyền đòi nợ được thực

hiện quyền của mình đối với quyền đòi nợ, được ưu tiên thanh toán trước (trong trường hợp có nhiều bên nhận thế chấp quyền đòi nợ thì bên nhận thế chấp xác lập trước sẽ có quyền ưu tiên so với bên nhận thế chấp xác lập sau).

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)