Bản chất pháp lý của quyền đòi nợ

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 50 - 51)

8. Kết cấu của luận án

2.1. Khái niệm, phân loại, bản chất pháp lý và đặc điểm của quyền đòi nợ

2.1.3. Bản chất pháp lý của quyền đòi nợ

Quyền đòi nợ có tính chất khá đặc biệt vì nó phản ánh việc một nghĩa vụ vừa là một mối quan hệ về mặt pháp luật, đồng thời lại là một loại tài sản [38, tr.34]. Do quyền đòi nợ có tính chất trái quyền nên nó cho phép bên có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền vì lợi ích của bên có quyền. Theo đó, quyền đòi nợ cho phép bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán một khoản tiền cho bên có quyền tại một thời điểm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Bên có quyền chỉ có thể yêu cầu việc thanh toán khoản tiền từ phía bên có nghĩa vụ chứ không thể tác động lên tài sản khác của bên có nghĩa vụ bởi quyền đòi nợ chỉ thiết lập các mối quan hệ đối nhân giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ.

Dưới góc độ của pháp luật tài sản, quyền đòi nợ là một tài sản đặc biệt, nó là tài sản ở dạng vô hình và là một quyền tài sản. Quyền đòi nợ là một quyền tài sản tương đối, đó là quyền chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với chủ thể có nghĩa vụ [38, tr.35]. Hay nói cách khác, chủ thể có quyền đòi nợ chỉ có thể thỏa mãn quyền của mình thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của chủ thể khác (chủ thể mang nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể). Với tính chất này, quyền đòi nợ được coi là một dạng cụ thể của quyền tài sản được xây dựng trong khuôn khổ chế định quyền chủ thể, chế định được coi là xương sống của hệ thống luật tư ở các nước theo văn hoá pháp lý Rô măng – Giéc manh [23, tr.12]. Quyền chủ thể được hiểu là việc hạn chế quyền tự do của những người khác theo quy định của pháp luật, vì lợi ích của chủ thể quan hệ pháp luật trong việc thực hiện các quyền được thừa nhận trong một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn, quyền sở hữu đối với một tài sản sinh lợi là quyền của chủ sở hữu được độc quyền sử dụng tài sản,

43

thu hoa lợi từ tài sản và định đoạt tài sản; tất cả mọi người phải tôn trọng quyền đó và mọi hành vi xâm phạm quyền đó đều có thể bị chế tài theo quy định của pháp luật [23, tr.13]. Trong pháp luật của Anh, quyền tài sản (proprietary right) thường được hiểu là quyền mà một người có đối với tài sản và có tính đối kháng với nhiều người khác nói chung chứ không chỉ đối với mỗi người trao quyền [95, tr.203]. Như vậy, bất kỳ quyền đòi nợ nào có giá trị kinh tế, mang lại lợi ích cho con người đều được coi là quyền tài sản. Cách tiếp cận này hướng đến bản chất của quyền đòi nợ chỉ cần nhìn nhận ở góc độ giá trị kinh tế của nó, xem xét yếu tố trị giá được bằng tiền của quyền đòi nợ.

Một phần của tài liệu Thế chấp quyền đòi nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 50 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)