8. Kết cấu của luận án
2.1. Khái niệm, phân loại, bản chất pháp lý và đặc điểm của quyền đòi nợ
2.1.1. Khái niệm quyền đòi nợ
Theo luật dân sự truyền thống, quan hệ giữa người với người có ý nghĩa kinh tế được gọi là quan hệ nghĩa vụ hay còn được gọi là “quyền đối nhân” (rights in personam). Còn quan hệ giữa người với vật được gọi là “quyền đối
vật” hay “vật quyền” (rights in rem) [18, tr.4]. Quyền đối nhân thuộc phạm vi
truyền thống của chế định nghĩa vụ. Còn vật quyền thuộc phạm vi truyền thống của chế định tài sản mặc dù vật quyền chỉ là một loại tài sản. Trong vật quyền (quyền đối vật), người có vật quyền được thi hành trực tiếp, ngay lập tức, không cần qua trung gian trên tài sản là đối tượng của vật quyền đó. Mối quan hệ này là quan hệ giữa một người xác định có quyền với một vật cụ thể là đối tượng của quyền [18, tr.5]. Vật quyền mang tính chất tuyệt đối theo nghĩa tất cả những người khác trong xã hội có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền năng của người được hưởng vật quyền, và người này được thực hiện các quyền trực tiếp đối với tài sản [25, tr.58]. Tuy nhiên, quyền đối nhân là quyền của một người xác định được yêu cầu một người xác định khác phải thực hiện hay không được thực hiện một hành vi nào đó vì lợi ích của người có quyền. Quan hệ này là quan hệ giữa những người xác định với nhau bao gồm: trái chủ (chủ nợ hay người có quyền) và người thụ trái (con nợ hay người có nghĩa vụ). Trái chủ chỉ có quyền yêu cầu người thụ trái chứ không có quyền thi hành trực tiếp trên bất kỳ một tài sản cụ thể nào của người thụ trái [18, tr.4]. Quan hệ trái quyền mang tính chất tương đối, nó chỉ mối quan hệ giữa người có quyền và người có nghĩa vụ và về mặt nguyên tắc, nó chỉ có hiệu lực tương đối giữa hai người này mà thôi. Người có quyền chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chứ không có
33
quyền cụ thể đối với tài sản này hay tài sản kia của người có nghĩa vụ [25, tr.59].
Từ lý thuyết về nghĩa vụ và lý thuyết về tài sản có thể thấy quyền đòi nợ là một trái quyền, không phải là quan hệ pháp lý giữa chủ thể và vật, mà là quan hệ đối nhân, quan hệ pháp lý giữa các chủ thể. Các quy tắc chi phối quan hệ ấy đặc trưng bằng việc chỉ định hành vi ứng xử thực hiện nghĩa vụ trong giao tiếp giữa hai bên. Nghĩa vụ ở đây được hiểu là một quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai chủ thể theo đó một chủ thể (chủ thể quyền - người có quyền) có thể yêu cầu chủ thể kia (chủ thể nghĩa vụ - người có nghĩa vụ) phải hoàn thành một yêu cầu nhất định [15, tr.39]. Nghĩa vụ là mối liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó một người là trái chủ (hay chủ nợ) có quyền đòi người kia là người thụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá bằng tiền [59, tr.13]. Để quan tâm đầy đủ tới tất cả các khía cạnh của nghĩa vụ, cần lưu ý trong quan hệ nghĩa vụ luôn có hai chủ thể trái ngược nhau về mặt lợi ích là: (i) Một bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ; và (ii) một bên khác (bên có nghĩa vụ) phải thực hiện yêu cầu của bên kia [20, tr.38]. Sự hợp tác tích cực của trái chủ và thụ trái là điều kiện cần thiết để quan hệ trái quyền vận hành suôn sẻ. Khuôn mẫu diễn tiến quan hệ trái quyền có thể được mô tả như sau: người có trái quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ; thụ trái thực hiện và người có trái quyền tiếp nhận việc thực hiện [25, tr.58]. Quyền đòi nợ là quan hệ trái quyền nên mang tính chất tương đối, nó chỉ mối quan hệ giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ và về mặt nguyên tắc, nó chỉ có hiệu lực tương đối giữa hai bên này. Bên có quyền đòi nợ chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả nợ chứ không có quyền cụ thể đối với bất kỳ tài sản nào của bên có nghĩa vụ.
Do quyền đòi nợ là một trái quyền nên về mặt cấu trúc kỹ thuật, quyền đòi nợ được hình thành từ ba yếu tố: bên có quyền (trái chủ), bên có nghĩa vụ (thụ trái) và đối tượng là khoản tiền hoặc vật phải trả. Ðối tượng của quyền đòi nợ có thể là khoản tiền hoặc vật sẽ được bên có nghĩa vụ trả cho bên có quyền vào một thời điểm nhất định. Theo đó, quyền đòi nợ mang tới cho chủ sở hữu
34
quyền đòi nợ một quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ trả tiền hoặc trả vật cho chủ sở hữu quyền đòi nợ. Bên có quyền đòi nợ thực hiện quyền của mình bằng cách yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản và tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó dưới hình thức nhận tiền hoặc vật [49, tr.8]. Với ý nghĩa đó, quyền đòi nợ cho phép bên có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả cả lợi tức, hoa lợi phát sinh (hoàn trả nợ gốc và nợ lãi phát sinh). Ngoài ra, quyền đòi nợ cũng có ý nghĩa rộng hơn khi phản ánh tập hợp các quyền, bao trùm các quyền phát sinh khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc trả tài sản cho bên có quyền như quyền khởi kiện, quyền yêu cầu thi hành án và các quyền khác có liên quan.
Theo luật La Mã, trái quyền được phát sinh ra bởi các nguồn gốc như hợp đồng, chuẩn hợp đồng, vi phạm, chuẩn vi phạm và các nghĩa vụ pháp định [21, tr.7]. Để bao quát được tất cả các trái quyền và nguồn gốc phát sinh trái quyền, trái quyền được phân loại thành trái quyền phát sinh từ hợp đồng hoặc trái quyền phát sinh từ bất kỳ hành vi hay sự kiện nào mà hiệu lực của nghĩa vụ bị ràng buộc bởi pháp luật [20, tr.73]. Quyền đòi nợ là một trái quyền nên quyền đòi nợ được phát sinh từ hợp đồng hoặc từ bất kỳ hành vi hay sự kiện nào mà hiệu lực của nghĩa vụ bị ràng buộc bởi pháp luật. Theo đó, quyền đòi nợ trong đời sống kinh tế - xã hội rất đa đạng liên quan đến nhiều lĩnh vực, tồn tại dưới nhiều dạng và được phát sinh bởi nhiều căn cứ khác nhau. Trong giao dịch dân sự, quyền đòi nợ có thể là quyền yêu cầu thanh toán khoản tiền, quyền yêu cầu trả vật phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, quyền đòi nợ là khoản phải thu của bên có quyền, theo đó, bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền phát sinh theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp này, quyền đòi nợ có ý nghĩa là quyền yêu cầu thanh toán khoản tiền cho hàng hóa được bán, cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, hoặc định đoạt theo cách khác, hoặc quyền yêu cầu trả tiền cho dịch vụ được cung ứng hay sẽ được cung ứng [37, tr.459].
35
Như vậy, quyền đòi nợ là một quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Quyền đòi nợ được sử dụng để yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả tài sản phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định. Theo nghĩa rộng, quyền đòi nợ được hiểu là quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả một khoản tiền hoặc vật, bao gồm khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán và quyền yêu cầu khác phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định.