trong Hiến pháp
“Cơ chế” là một thuật ngữ đa diện và có nhiều định nghĩa. Theo Đại từ
điển Tiếng Việt, “cơ chế” là: “cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường
hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện” [89, tr.464]. Theo từ điển Oxford, “cơ
chế” (mechanism) được hiểu là “hệ thống các cấu phần hoạt động cùng nhau trong một bộ máy” [148]. Từ điển Black's Law trực tuyến cũng đưa ra định
nghĩa cho thuật ngữ này theo hướng tương tự nhưng chi tiết hơn, theo đó, “cơ
chế” là “các thành phần, yếu tố hoặc các bộ phận và các nguồn năng lượng, thông tin cho phép hoạt động của một bộ máy, một quy trình, nhằm đạt được những kết quả mong muốn từ sự kết hợp các yếu tố này” [100]. Như vậy, đặc
trưng của cơ chế là hệ thống các yếu tố cấu thành mối quan hệ qua lại, điều tiết, thích ứng lẫn nhau được tổ chức, sắp xếp một cách có nguyên tắc nhằm đạt được một hoặc nhiều mục đích nhất định [21, tr.31].
Cơ chế bảo vệ QCN, QCD trong hiến pháp trước hết là cơ chế pháp lý, sau đó là cơ chế được hình thành thông qua các quy định của hiến pháp, mà nhằm mục đích để bảo vệ các QCN, QCD được hiến định.
Cơ chế pháp lý khác với các cơ chế thông thường ở chỗ mọi thành tố cấu thành và nguyên tắc hoạt động của nó đều phải được ghi nhận theo pháp luật. Nói cách khác, cơ chế pháp lý được hiểu là “hệ thống các biện pháp
pháp luật tác động đến quan hệ xã hội, bao gồm toàn bộ những mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các bộ phận cấu thành: chủ thể pháp luật, quy phạm pháp luật và sự kiện pháp luật. Thông qua đó, các bộ phận cấu thành của quá trình điều chỉnh pháp luật liên kết với nhau trong những quan hệ pháp luật cụ thể với những quyền và nghĩa vụ nhất định” [38, tr.765]. Cơ chế pháp lý tác
động lên các quan hệ xã hội theo hướng phù hợp với mục đích và nhiệm vụ của nhà nước, bao gồm: các quy phạm pháp luật, các văn bản áp dụng pháp
40
luật, các quan hệ pháp luật, các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp luật, các hành vi thực hiện quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý [67, tr.41].
Từ một góc độ khác, cơ chế pháp lý được hợp thành bởi hai nội dung: thể chế và thiết chế, trong đó thể chế được hiểu là các quy định pháp luật, các quy tắc được ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nhất định có tính ràng buộc đối với các chủ thể; thiết chế là các cơ quan, tổ chức được lập ra để thực thi những chức năng, nhiệm vụ nhất định [48, tr.9].
Như vậy, gắn với cơ chế bảo vệ các quyền hiến định, có thể hiểu đây là tổng thể các nguyên tắc, quy tắc và cơ quan, tổ chức được hiến định nhằm giữ cho các QCN, QCD khỏi bị xâm phạm, gây tổn hại, làm suy giảm hoặc vô hiệu hoá. Nói cách khác, đây là các thể chế và thiết chế hiến định có mối liên hệ chặt chẽ để đảm bảo QCN, QCD được thực thi trên thực tế theo đúng tinh thần của hiến pháp, ngăn ngừa và xử lý những vi phạm từ phía các chủ thể trong xã hội, trong đó bao gồm các cơ quan nhà nước.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên, có thể định nghĩa “Cơ chế bảo vệ
QCN, QCD trong Hiến pháp” là các thể chế, thiết chế được ghi nhận trong khuôn khổ hiến pháp quốc gia nhằm mục đích ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm các quyền hiến định, trong đó: (i) Thể chế bao gồm các nguyên tắc, quy tắc hiến định về nội dung và cách thức giám sát, bảo vệ các QCN, QCD; (ii) Thiết chế là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ QCN, QCD được hiến định.