dựng nhà nước pháp quyền
Bảo vệ, bảo đảm các QCN, QCD là điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhà nước mà trong đó chủ quyền tối thượng thuộc về người dân. Người dân tự giới hạn một phần quyền của mình và trao quyền cho nhà nước thông qua một bản khế ước xã hội, chính là Hiến pháp, nhằm được bảo vệ các quyền của mình. Do đó, việc bảo vệ các QCN, QCD phải là mục tiêu của nhà nước pháp quyền. Cơ chế này không chỉ đảm bảo QCN được thực thi trên thực tế mà còn khẳng định chủ quyền của người dân thông qua việc ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực dẫn đến vi phạm các QCN của các chủ thể công quyền. Nhà nước pháp quyền không phải một hình thức hay bộ máy nhà nước cụ thể mà là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, mọi chủ thể trong xã hội bao gồm nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước, nhóm xã hội và các
64
cá nhân đều phải chấp hành, thực hiện, tuân thủ pháp luật. Trong nhà nước pháp quyền, hiến pháp và pháp luật, trong đó có các nguyên tắc hiến định và các đạo luật về QCN, là công cụ để giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước, cơ sở bảo vệ các giá trị xã hội tiến bộ [46].
Từ đầu thế kỷ 20, các phong trào nhân quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia đã đồng thời thúc đẩy mối quan tâm về nền pháp quyền. Điều này là bởi nhà nước pháp quyền là nền tảng để các QCN được thực thi trên thực tế. Ngược lại, việc bảo vệ các QCN cũng chính là củng cố nguyên tắc pháp quyền.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhân quyền và pháp quyền là một mối quan hệ phức tạp. Trước hết, bảo vệ các QCN theo hiến pháp và pháp luật là một yêu cầu của nhà nước pháp quyền, ngược lại, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền góp phần quan trọng trong việc các QCN, QCD hiến định được thực thi trên thực tế. Cụ thể, các nguyên tắc cơ bản của nền pháp quyền như bình đẳng trước pháp luật, thượng tôn hiến pháp và pháp luật giúp bảo vệ các QCN, QCD được thực thi theo đúng tinh thần ghi nhận theo hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, các nguyên tắc về pháp quyền cũng cho phép đặt ra những giới hạn về quyền với mục đích thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng, đồng thời, giúp cho những giới hạn này không bị lạm dụng bởi các nhà cầm quyền [150].
Tóm lại, thiết lập cơ chế bảo vệ QCN, QCD theo hiến pháp cũng chính là một quá trình trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở mỗi quốc gia vì nó thúc đẩy tinh thần tuân thủ pháp luật của mọi thành phần trong xã hội cũng như kiềm chế những hành vi tuỳ tiện từ nhà nước và công chức nhà nước trong việc thực thi các QCN, QCD.