Hiến pháp Việt Nam cần gắn với việc thúc đẩy các nguyên tắc pháp quyền
Một nền pháp quyền không thể tồn tại trong một xã hội mà QCN, QCD không được bảo vệ. Ngược lại, QCN, QCD chỉ được bảo vệ trên thực tế khi xã hội được vận hành theo các nguyên tắc của nền pháp quyền. Bản thân khái niệm pháp quyền hàm chứa cơ chế thực thi các quy định pháp luật về QCN,QCD, biến chúng từ nguyên tắc thành hiện thực. Các nguyên tắc pháp quyền cũng đồng thời cung cấp những biện pháp khắc phục khi các QCN, QCD bị vi phạm. Về vấn đề này, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền, Sergio Vieira de Mello, đã từng nhấn mạnh, pháp quyền và nhân quyền giống như hai mặt của một đồng tiền, có quan hệ nội tại và không thể chia cắt. Theo
128
đó, pháp quyền là những nguyên tắc hữu hiệu hướng các thành phần trong một xã hội và các xã hội khác nhau đạt đến thoả thuận, là nền tảng để truyền bá văn hóa nhân quyền. Các nguyên tắc pháp quyền và tinh thần tôn trọng nhân quyền là hai yếu tố thống nhất, là chìa khoá giúp các quốc gia vượt qua mọi khó khăn. Dưới tinh thần của pháp quyền, mọi xung đột, mâu thuẫn trong xã hội cũng như những hành vi vi phạm nhân quyền đều được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc khách quan, vô tư, dân chủ. Nguyên tắc pháp quyền cũng đòi hỏi chủ thể có quyền lực phải chịu trách nhiệm, theo đó những hành vi phạm nhân quyền phải bị trừng phạt và những chủ thể bị xâm phạm nhân quyền phải được bồi thường thiệt hại một cách thích đáng. Nguyên tắc pháp quyền cũng có nghĩa mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, không có cá nhân hay nhóm nào nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật hoặc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Các nguyên tắc pháp quyền và các quyền, tự do cơ bản của con người là các giá trị phổ quát, tuyệt đối; bởi chúng được áp dụng với mọi quốc gia, mọi cá nhân, trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả trong trường hợp quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó mối đe dọa đặc biệt đối với sự tồn vong của đất nước, các nguyên tắc pháp quyền và nhân quyền cũng không thể bị bãi bỏ, mà thay vào đó, càng cần được phát huy. Từ đó, các giá trị nhân quyền luôn được bảo đảm nhờ gắn liền với các nguyên tắc pháp quyền. Các tiêu chuẩn về nhân quyền đã góp phần xác lập sự bảo vệ quyền bằng pháp luật. Cụ thể hơn, nền pháp quyền xây cùng với tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng các QCN, QCD đem lại an ninh cho cuộc sống của con người cũng như an ninh quốc gia, dân tộc, thể hiện thông qua các khía cạnh:
Thứ nhất, các nguyên tắc pháp quyền góp phần xoá bỏ sự bất bình, bất
công và vi phạm nhân quyền. Nghèo đói và tình trạng con người bị gạt ra ngoài lề xã hội là những thách thức chung đối với các quốc gia đang phát triển
129
trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đối với người sống trong tình trạng đói nghèo, sự phẫn nộ đối với xã hội có thể bị khơi dậy khi bị từ chối quyền tiếp cận với thực phẩm, nước, y tế, giáo dục, nhà ở, an ninh cá nhân, quyền tham chính, công bằng và bình đẳng.Trong trường hợp này, việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền nhằm phát triển và xóa đói giảm nghèo giúp tìm ra các nguyên nhân lâu dài về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa gây ra tình trạng dễ bị tổn thương của các nhóm, từ đó giảm thiểu những xung đột, mâu thuẫn, hướng tới đạt được các mục tiêu mà quốc gia đặt ra trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chỉ có thể đạt được sự phát triển bền vững khi áp dụng những nguyên tắc pháp quyền và nhân quyền vào cuộc chiến xoá đói giảm nghèo.
Thứ hai, các nguyên tắc pháp quyền góp phần xoá bỏ phân biệt đối xử.
Không phân biệt đối xử với tư cách là nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật phải được bảo vệ và tôn trọng bởi mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt là các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm trong việc ghi nhận, thi hành các biện pháp chống lại sự phân biệt đối xử, cụ thể là các biện pháp ngăn chặn cũng như xử lý vi phạm đối các hành vi phân biệt đối xử. Đồng thời, nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước người dân khi không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong việc chống lại sự phân biệt đối xử.
Thứ ba, các nguyên tắc pháp bảo vệ các QCN thông qua thúc đẩy nền
quản trị và xây dựng các thể chế dân chủ. Các nguyên tắc pháp góp phần thúc đẩy một nền quản trị dân chủ, qua đó đảm bảo rằng các xung đột và mâu thuẫn trong xã hội được giải quyết một cách hòa bình và không leo thang thành xung đột bạo lực. Nền quản trị hiện đại đòi hỏi các nguyên tắc dân chủ được áp dụng liên tục và phù hợp với một thế giới kết nối, từ cộng đồng địa phương, quốc gia, đến hệ thống quan hệ quốc tế.
130
Nền pháp quyền cũng đảm bảo rằng công dân có quyền tiếp cận công lý, đòi hỏi các quốc gia cần có biện pháp cụ thể để xây dựng các thiết chế có tính chịu trách nhiệm, bao gồm: toà án, viện công tố/kiểm sát, các nghiệp đoàn luật sư, cảnh sát và hệ thống nhà tù. Nền dân chủ được vận hành bởi nhà nước pháp quyền bảo đảm các QCN, QCD một cách có hệ thống và toàn diện với đầy đủ nội hàm quyền được ghi nhận theo pháp luật. Bên cạnh đó, các nguyên tắc pháp quyền không những không hạn chế không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự mà còn trao cho những tổ chức này vị trí của chủ thể giám sát, cung cấp khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm QCN, QCD trên thực tế [139].
Tóm lại, hoàn thiện cơ chế hiến định bảo vệ QCN, QCD ở Việt Nam cần gắn với việc thúc đẩy các nguyên tắc pháp quyền. Sự gắn kết này không chỉ giúp bảo vệ hiệu quả nhân quyền, mà còn giúp củng cố nền tảng dân chủ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của tất cả các chủ thể trong xã hội. Xây dựng chủ nghĩa pháp quyền và gắn liền với bảo vệ các quyền con người cũng là quan điểm được thể hiện trong “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhấn
mạnh việc xây dựng Đề án cho Chiến lược này dựa trên tinh thần thiết thực đối với người dân và cơ quan Nhà nước, thực sự là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế [73].