8. Cấu trúc luận văn
1.5.3. Các yếu tố về đối tượng quản lý
Đối tượng quản lý trong công tác quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh của trường THCS là đông đảo học sinh của nhà trường. Học sinh là lực lượng chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ kế thừa, là lực lượng sau này góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là đối tượng mà chúng ta cần phải trang bị kiến thức sâu sắc nhất, là lực lượng cần phải nâng cao chất lượng về giáo dục đạo đức, để trở thành những con người vừa hồng vừa chuyên.
Để giáo dục đạo đức học sinh THCS, chúng ta cần phải hiểu và nắm rõ người mà chúng ta cần phải giáo dục. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS có ảnh hưởng rất lớn đến quản lý GDĐĐ cho học sinh. Vì muốn quá trình quản lý đạt được mục tiêu thì chủ thể quản lý phải hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi của đối tượng quản lý.
Lứa tuổi học sinh trường THCS bao gồm những em ở độ tuổi từ 11, 12 tuổi đến 14, 15 tuổi. Đó là những em đang theo học từ lớp 6 đến lớp 9 ở trường Trung học cơ sở. Các em sinh ra vào thời điểm đổi mới của đất nước. Thế hệ các em là sản phẩm của thời kỳ đổi mới. Các em bước vào cuộc sống lập thân, lập nghiệp, trở thành nguồn lực chủ yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những thập kỷ đầu của thế kỉ XXI. Do đó, những nhà quản lý, người làm công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trường THCS phải đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng để giáo dục đạo đức cho trẻ em.
Khi giáo dục các em, chúng ta cần phải hiểu được là các em đang ở lứa tuổi này phát triển mạnh mẽ nhưng không đồng đều về mặt cơ thể. Ở lứa tuổi này, hành vi của các em dễ có tính tự phát, tính cách của các em thường có những biểu hiện thất thường, vì nó là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Đối với các em, suy nghĩ chưa đủ chín để trở thành người lớn, khiến cho các em có những cách ứng xử và hành động không phù hợp với những áp lực tiêu cực hay sự lôi kéo của bạn bè chưa ngoan hay từ một số người xấu trong cộng đồng như sa vào các tệ nạn xã hội. Cho nên các nhà quản lý, các lực lượng tham gia GDĐĐ cho học sinh trường THCS cần phải chú ý tới những đặc điểm đó của học sinh cả về mặt tích cực lẫn mặt hạn chế, nhược điểm để hướng dẫn, giáo dục các em học sinh không để rơi vào sự phát triển tự phát.
Học sinh không chỉ là đối tượng cần quản lý tác động giáo dục mà còn là chủ thể của quá trình hình thành, rèn luyện các phẩm chất đạo đức. Để giúp học sinh có ý thức và tích cực rèn luyện đạo đức, công tác quản lý phải làm cho thầy cô thật sự tôn trọng nhân cách học sinh, luôn tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội và có đủ điều kiện tự thể hiện mình trước tập thể. Nhà quản lý giáo dục, cần biết đến sự ảnh hưởng của tâm lí lứa tuổi học sinh để tôn trọng ý kiến của học sinh, biết lắng nghe ý kiến của các em, đồng thời phải đưa ra các hình thức, sử dụng các phương pháp khéo léo để giáo dục đạo đức cho các em học sinh.
Giáo dục đạo đức cho học sinh, lực lượng giáo dục cần giúp cho các em học sinh nhận thức đúng, có tinh thần trách nhiệm, tạo cho các em phát triển năng lực của mình, để các em thực hiện tốt nhiệm vụ của người học sinh. Mỗi em học sinh điều có một tố chất riêng, một ý nghĩ, việc làm riêng cho bản thân, cho nên chúng ta phải hiểu và làm sao để tập hợp được các em, xây dựng cho các em một nền tảng vững chắc trong nhận thức đồng thời tạo cho các em có một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn nhất.