8. Cấu trúc của luận văn: Luận văn gồm 3 phần
1.2.3. Khái niệm ngôn ngữ
Trong cuốn Bàn về ngôn ngữMác - Ăngghel đã viết : “Ngôn ngữ là ý thức thực tại, thực tiển, ngôn ngữ cũng tồn tại cho cả những người khác nữa, như vậy là cũng tồn tại lần đầu tiên cho bản thân tôi nữa và cũng như ý thức ngôn ngữ sinh ra là do nhu cầu, do cần thiết phải giao dịch với người khác”[31].
Từ khái niệm trên có thể nói Ngôn ngữ là hiện tượng nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của con người. Trong quá trình cùng nhau lao động, loài người cổ xưa có nhu cầu trao đổi ý nghĩ, dự định, nguyện vọng, tâm tư tình cảm... Nhờ đó đến một giai đoạn phát triển nhất định đã xuất hiện những dấu hiệu quy ước chung để giao tiếp, trong đó có những dấu hiệu âm thanh, từ những tín hiệu này dần dần tạo thành từ ngữ và một hệ thống quy tắc ngữ pháp, đó chính là ngôn ngữ.
Khi xuất bản giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học GS Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Ngôn ngữ là công cụ người ta dùng để biểu đạt ý nghĩa và tình cảm của mình đối với người khác, qua đó để người ta hiểu nhau. Ngôn ngữ có thể cấu tạo bởi hình thức biểu ý, cũng tức là âm thanh (tiếng nói), nét mặt, hoặc là điệu bộ bằng tay, hoặc động tác cụ thể! Nó cũng có thể là thể tổng hợp của tất cả những cái đó”[9].
Vậy ngôn ngữ là gì? Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu từ ngữ đặc biệt dùng làm phương tiện giao tiếp và làm công cụ tư duy.
Ngôn ngữ gồm ba bộ phận: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Các đơn vị của ngôn ngữ là âm vị, hình vị, từ, câu, ngữ đoạn, văn bản.... Bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào cũng chứa đựng phạm trù ngữ pháp và phạm trù lôgic. Phạm trù ngữ pháp là một hệ thống các quy định việc thành lập từ và câu, quy định sự phát âm. Phạm trù ngữ pháp ở các ngôn ngữ khác nhau là khác nhau. Phạm trù lôgic là quy luật, phương pháp tư duy đúng đắn của con người, vì vậy tuy dùng các ngôn ngữ khác nhau, nhưng các dân tộc khác nhau vẫn hiểu được nhau.
Ngôn ngữ có tác động thay đổi hoạt động tinh thần, hoạt động trí tuệ, hoạt động bên trong của con người. Nó hướng vào và làm trung gian hoá cho các hoạt động tâm lý cấp cao của con người như tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng...
Ngôn ngữ do cá nhân tiến hành có thể có những xu hướng, mục đích khác nhau nhằm truyền đạt một thông báo mới, những tri thức mới, giải quyết một nhiệm vụ tư duy mới...
Ngôn ngữ của mỗi cá nhân phát triển cùng với năng lực nhận thức của cá nhân đó và bao giờ cũng mang dấu ấn của những đặc điểm tâm lý riêng. Song ngôn ngữ của
mỗi cá nhân không chỉ phản ánh nghĩa của các từ mà còn phản ánh cả thái độ của bản thân đối với đối tượng của ngôn ngữ và đối với người đang giao tiếp. Việc nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ trong quá trình phát triển cá thể là nhiệm vụ của Tâm lý học. Vì thế ngôn ngữ là một hoạt động tâm lý, là đối tượng của tâm lý học. Ngôn ngữ đặc trưng cho từng người. Sự khác biệt cá nhân về ngôn ngữ thể hiện ở cách phát âm, ở giọng điệu, cách dùng từ, cách biểu đạt nội dung tư tưởng, tình cảm.
Từ những góc độ nghiên cứu trên có thể đúc kết lại: “Ngôn ngữ là một hệ thống những đơn vị vật chất phục vụ cho việc giao tiếp của con người và được phản ánh trong ý thức tập thể, độc lập với ý tưởng, tình cảm và nguyện vọng cụ thể của con người, trừu tượng hóa khỏi những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng đó”.
Tác giả dùng khái niệm này để nghiên cứu cho luận văn của mình.