Tài nguyên thiên nhiên chính

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 65 - 67)

6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

2.1.2.5. Tài nguyên thiên nhiên chính

a. Tài nguyên sinh vật biển

Với chiều dài 321 km, dọc bờ biển có nhiều cửa lạch, cửa sông; trong đó có nhiều cửa sông lớn để xây dựng cảng biển phục vụ vận tải, đánh bắt cá…. Có gần 20 cửa lạch lớn nhỏ, trong đó có 14 cửa lạch chính là lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới, lạch Bạng, lạch Ghép (DVB Thanh Hóa), lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Vạn, lạch Thới, cửa Lò, cửa Hội (DVB Nghệ An), cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Khẩu (DVB Hà Tĩnh). Vùng cửa lạch và những bãi ngang ven biển có điều kiện cho việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng.

Đáy biển vùng gần bờ là dãy cát thoải, bằng phẳng. Ở đây có một số vụng (vụng Gầm ở Sầm Sơn, vụng Quyền, vụng Thủi, vụng Biên, vụng Áng... ) và đảo (Hòn Nẹ, Hòn Mê, hòn Mắt, hòn Ngư, hòn Én...) là điều kiện thuận lợi cho sự cư trú của các loài hải sản quý hiếm; đồng thời là vùng trú ẩn an toàn cho tàu thuyền đánh cá, vận tải.

Vùng biển Thanh - Nghệ - Tĩnh thuộc vùng biển Bắc Trung Bộ, có khoảng 30 - 40 loài cá có giá trị kinh tế với trữ lượng 620.000 tấn, có khả năng khai thác 270.000 tấn, trong đó, cá nổi 52 - 58%, chiếm 20 - 27% trữ lượng khai thác cả nước. Tôm có 30 loài, khả năng khai thác 3.300 tấn/năm và tôm hùm 350 - 450 tấn/năm, mực 5.000 tấn/năm. Các loại hải sản có giá trị kinh tế như cá chim, cá thu, cá nụ, cá đé, tôm he, tôm hùm, cua, mực, sò huyết... Đây cũng là dải có khoảng 12.000 ha bãi biển là cơ sở để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Diện tích nước mặn khoảng 15.000 ha có thể nuôi cá song, cá sam, trai ngọc, tôm hùm, cua, rong tảo phân bố chủ yếu ở vùng đảo Hòn Mê, Biện Sơn, hòn Ngư, hòn Mắt...[81]

Nói tóm lại, tài nguyên sinh vật ở DVBTNT là nguồn tài nguyên có giá trị đối với việc phát triển các ngành kinh tế biển như việc đánh bắt, nuôi trồng và xây dựng công nghiệp chế biến hải sản nhằm đảm bảo cho nhu cầu của vùng và góp phần tăng thêm mặt hàng xuất khẩu.

b. Tài nguyên du lịch biển

Tài nguyên du lịch biển góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở DVBTNT. Sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của các tài nguyên du lịch ven biển là điều kiện và tiền đề quan trọng để du lịch ven biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác.

- Các bãi biển: Trên chiều dài 321 km bờ biển có khoảng 15 bãi biển lớn nhỏ có khả năng khai thác, sử dụng vào mục đích tắm biển, nghĩ dưỡng, tham quan. Trong đó có nhiều bãi biển đẹp và đã nổi tiếng từ lâu như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội; Nghi Thiết, Bãi Lữ, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, Diễn Thành, Xuân Thành, Thiên Cầm…Trong số 15 bãi biển, có 2 bãi biển có chiều dài gần 10 km, có thể xây dựng thành các trung tâm du lịch biển lớn đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

Các bãi biển ở đây đều có nền đáy chắc và bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, cát mịn, nước trong và sạch, không pha lẫn bùn như một số bãi biển khác, sóng nhẹ, êm. Hơn nữa, một số bãi biển còn mang tính hoang sơ của những bãi biển chưa được nhiều người khám phá, tô điểm vào đấy là nét duyên của những dải núi đá ngoi ra, trông như bức tranh 3D.

Các bãi biển kết hợp với du lịch núi, du lịch văn hóa tại các di sản thế giới (thành nhà Hồ), di tích quốc gia đặc biệt (Kim Liên - Nam Đàn), các di tích văn hóa lịch sử khác…tạo cho DVBTNT nói riêng, BTB nói chung những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách và đưa ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Hệ thống đảo ven bờ: Cách bờ biển không xa là các đảo ven bờ. Với 18 hòn đảo lớn nhỏ, phía Bắc có đảo Nẹ cách bờ biển Hậu Lộc 6 km, có diện tích rộng 10 ha mà thực chất là một ngọn núi cao 84 m, đi xuống phía Nam có một loạt các đảo như Hòn Mê, Biện Sơn, Hòn Ngư, Hòn Mắt, đảo Lan Châu, Hòn Én... phía Nam là đảo Sơn Dương, có diện tích khoảng 100 ha, nằm cách cảng biển Vũng Áng khoảng 7 km. Trên các đảo này có rất ít cư dân sinh sống, chủ yếu là rừng rậm với nhiều loại động vật quý hiếm như: sến, táu, lát, trường mật, lim, voọc, khỉ, các loài chim. Xung quanh đảo có nguồn lợi hải sản phong phú nhất là mực, tôm, cua, yến sào. Hệ thống đảo ven bờ ngoài ý nghĩa là vị trí tiền tiêu quân sự, là những cột mốc chỉ đường cho tàu thuyền đánh cá ngoài khơi xa tìm về trú bến, là nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có sóng to gió lớn, là khu vực đánh bắt nhiều nguồn lợi hải sản, còn là điều kiện rất thích hợp để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, kết hợp biển - đảo.

c. Tài nguyên khoáng sản

Tải nguyên khoáng sản ở DVBTNT rất đa dạng với nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, trữ lượng của các mỏ nhìn chung không lớn, chủ yếu là các điểm quặng nhỏ, ít

có ý nghĩa khai thác. Các khoáng sản có ý nghĩa quan trọng phải kể đến là: sắt, titan, các loại đá, cát xây dựng….

- Quặng sắt: Quan trọng và chiếm trữ lượng lớn nhất là mỏ sắt ở Thạch Khê - Hà Tĩnh, có trữ lượng 580 triệu tấn, chiếm 65% trữ lượng quặng sắt của cả nước, hàm lượng quặng đạt từ 60 - 65%, đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở luyện kim quy mô lớn. Tuy điều kiện hiện nay việc khai thác còn khó khăn, nhưng trong tương lai không xa, với các kỹ thuật công nghệ hiện đại, việc hình thành KCN khai khoáng và xây dựng nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, quy mô hơn 5 triệu tấn/năm tại Thạch Khê sẽ là động lực mạnh thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo ra sự thay đổi lớn về kinh tế - xã hội của DVBTNT. [136]

- Titan: DVBTNT là nơi có tiềm năng lớn nhất về quặng titan ở Việt Nam. Các mỏ sa khoáng ở đây có quy mô từ nhỏ đến lớn, đã phát hiện được 19 mỏ và điểm quặng phân bố rải rác dọc bờ biển như Hoàng Thanh, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Quỳnh Lưu, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.... Ở các mỏ sa khoáng này, ngoài khoáng vật limenit, trong quặng còn có các khoáng vật có ích khác như ziricon, leucoxen, monazit và có cả kim loại hiếm là hafini với giá trị kinh tế cao. Tổng trữ lượng đã được thăm dò của 19 mỏ là hơn 6 triệu tấn limenit, khoảng 500 ngàn tấn ziricon. [159]

- Đá xây dựng và cát thủy tinh: đây là những loại khoáng sản có tiềm năng nhất với trữ lượng dự đoán hàng tỷ tấn, phân bố rải rác dọc ven biển. Chất lượng ở hầu hết các mỏ khá cao, hàm lượng SiO2 ở một số mỏ đạt tới 99%, có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các loại thủy tinh cao cấp và vật liệu khác. Ngoài cát thủy tinh, dọc bờ biển còn có các mỏ đá xây dựng, đá vôi, đá ốp lát phân bố ở khắp các địa phương ven biển. Hầu hết các mỏ cát thủy tinh và đá xây dựng đều tồn tại dưới dạng các gò cát trắng và các bãi đá nhô nằm lộ thiên ngay trên bờ biển rất dễ khai thác bằng các công cụ thủ công đơn giản, điều kiện vận tải thuận tiện. Với tiềm năng đó có thể hình thành một số cơ sở sản xuất các mặt hàng thủy tinh dân dụng, kính xây dựng, phát triển công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng…đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của toàn dải theo hướng CNH - HĐH…

Ngoài các loại khoáng sản chính nêu trên, ở DVBTNT còn có các loại khoáng sản khác như: than bùn, cao lanh, sét… có ý nghĩa phát triển kinh tế địa phương.

2.1.3. Kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 65 - 67)