Quan niệm về dải ven biển và phạm vi dải ven biể nở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 30 - 32)

6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

1.1.2.2. Quan niệm về dải ven biển và phạm vi dải ven biể nở Việt Nam

Ở Việt Nam, có nhiều hướng tiếp cận khác nhau về dải ven biển và phạm vi ranh giới dải ven biển. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu gần đây nhất, có hai hướng tiếp cận chính: hướng tiếp cận về mặt tự nhiên và hướng tiếp cận về mặt kinh tế

a. Về mặt tự nhiên

Ở nước ta, khái niệm về DVB cũng đã được đề cập từ lâu dưới nhiều góc độ và trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Đặc biệt, từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước đến nay, trong những công trình khoa học liên quan đến biển và ven biển của nước ta, các nhà khoa học của Việt Nam đã đưa ra nhiều khái niệm về DVB và các phương án khác nhau để xác định ranh giới của DVB.

Trong đề tài “Đánh giá kinh tế tổng hợp tài nguyên biển Việt Nam phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế đến năm 2005”, các tác giả đã xác định: Vùng ven biển bao gồm dải đất liền ven biển tạm giới hạn bằng ranh giới hành chính của các huyện ven biển (từ Bắc xuống Nam có 105 huyện ven biển thuộc 24 tỉnh thành và đặc khu, trong đó có 3 thành phố thị xã và 5 huyện đảo, với diện tích 59,9 ha, bằng 18,1% diện tích lãnh thổ cả nước) và phần trên biển gồm toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam (trong đó tập trung chủ yếu vào khu vực ven bờ, từ độ sâu 50 m trở vào). [144]

Trong đề án nghiên cứu điều tra cơ bản cấp Nhà nước “Điều tra đánh giá hiện trạng môi trường tài nguyên nước dải ven biển Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường” các tác giả đã coi DVB như “mặt phố” của nước ta. Mặc dù trong nội dung của đề án, tác giả không đưa ra một định nghĩa hay vạch giới hạn cụ thể của vùng ven biển. Song, trong quá trình nghiên cứu tác giả đã vận dụng linh hoạt, kết hợp sử dụng ranh giới hành chính các huyện có đường bờ biển với việc phân tích các mối liên hệ tương tác biển - lục địa, các điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội của các huyện gần bờ biển liền kề với các huyện có đường bờ biển để chọn thêm các huyện xếp vào lãnh thổ nghiên cứu - vùng ven biển [143] .

Trong đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương pháp quản lý tổng hợp vùng bờ biển Việt Nam, góp phần bảo đảm an toàn môi trường và phát triển bền vững” các tác giả đã đưa ra một khái niệm tổng quát về đới bờ biển (hay DVB) như sau: Đới bờ biển là một khu vực chuyển tiếp giữa lục địa và biển, một đới động và nhạy cảm, và là một hệ thống tự nhiên đặc trưng bởi các quá trình tương tác; một khu vực có tiềm năng tài nguyên phục vụ phát triển đa ngành và là nơi chịu tác động mạnh của các hoạt động của con người [50].

Gần đây nhất, trong Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã xác định vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Trong đó, vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 06 hải lý tính từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển; vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn ven biển.

b. Về mặt kinh tế - xã hội

Trong Báo cáo khoa học của Uỷ ban Quốc gia về biển của Việt Nam (IOC), GS.TSKH. Đặng Ngọc Thanh, chủ nhiệm các Chương trình điều tra nghiên cứu biển của Việt Nam từ năm 1997 - 2000 đã đưa ra khái niệm về vùng ven biển như sau: “Vùng ven biển Việt Nam chạy dài trên 3200 km bờ biển của đất nước bao gồm 24/50 tỉnh và thành phố, 100/400 huyện với số dân chiếm 1/4 dân số cả nước...” [7]

Theo cách hiểu như trên thì vùng ven biển nước ta được xác định bởi ranh giới hành chính các huyện có bờ biển. Cách xác định này giúp cho việc thu thập tài liệu, số liệu, giúp cho việc nghiên cứu về kinh tế - xã hội và dân cư rất thuận lợi song cũng có những hạn chế vì những hiện tượng và đối tượng nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên lại không bị hạn chế bởi ranh giới hành chính. Vì vậy, một số chuyên gia khác đã sử dụng giới hạn nhiễm mặn của đất và nước để làm ranh giới của vùng ven biển.

Trong đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và các hải đảo Việt Nam đến năm 2010, khi xác định phạm vi không gian quy hoạch, các tác giả cho rằng: “kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế trên biển với các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển..., còn toàn bộ các hoạt động tổ chức sản xuất và phục vụ khai thác biển lại nằm trên đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách rời vùng biển với vùng ven biển và ngược lại” [9].

Với quan niệm như vậy, đề án đã xác định phạm vi không gian quy hoạch bao gồm toàn bộ vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam (rộng khoảng 1 triệu km2) cùng các hải đảo nằm trên đó và vùng ven biển, là

khu vực lãnh thổ chịu sự tác động trực tiếp giữa biển và lục địa, tạm lấy theo địa giới hành chính của tất cả các thành phố, các huyện thị giáp biển với diện tích là 6,4 triệu ha, chiếm 19,8% diện tích tự nhiên của cả nước.

Như vậy, với cách tiếp cận khác nhau, các tác giả đã đưa ra các khái niệm khác nhau về DVB và phương pháp xác định ranh giới DVB. Trong đó, phần lớn việc phân định ranh giới của DVB dựa trên các căn cứ về tự nhiên. Riêng một số nghiên cứu về kinh tế - xã hội lại thiên về việc phân định theo ranh giới hành chính. Việc phân định ranh giới DVB nhằm mục đích xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho một vùng kinh tế - sinh thái - nhân văn đặc thù này cần được xem xét trong mối quan hệ thống nhất giữa các điều kiện tự nhiên, sinh thái với các điều kiện xã hội nhân văn và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 30 - 32)