Quan niệm về dải ven biển và phạm vi dải ven biển trên thế giới

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 28 - 30)

6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

1.1.2.1. Quan niệm về dải ven biển và phạm vi dải ven biển trên thế giới

Trong Từ điển bách khoa các thuật ngữ địa lí tự nhiên (bốn thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức) - NXB Tiến bộ, Maxcơva 1980, vùng duyên hải được định nghĩa như sau: “Vùng duyên hải là dải ranh giới giữa đất liền và biển, đặc trưng bởi sự có mặt phổ biến của các dạng địa hình bờ biển cổ và hiện đại. Ở dạng đầy đủ hơn, bao gồm khái niệm miền duyên hải - là dải lục địa có các thềm biển cổ, dải bờ - nơi có các dạng bờ hiện đại và ven bờ biển, hoặc là nơi có các dạng bờ cổ bị chìm ngập” [100].

Định nghĩa này đã trình bày khái niệm theo quan điểm địa mạo, địa lí tự nhiên. Cũng theo quan điểm này, một số tác giả khác sử dụng đường đẳng cao 25m làm ranh giới phía trong của vùng ven biển.

Trong hầu hết các hướng dẫn về quản lý tổng hợp vùng ven biển được xuất bản đều đồng ý rằng vùng ven biển là khu vực có giao diện khá hẹp giữa biển và đất liền. Đó là nơi các quá trình sinh thái phụ thuộc vào sự tác động lẫn nhau giữa đất liền và biển, các tác động này diễn ra khá phức tạp và nhạy cảm. Các thành phần của nó bao gồm các vùng châu thổ, vùng đồng bằng ven biển, các vùng đất ngập nước, các bãi biển và cồn cát, các rạn san hô, các vùng rừng ngập mặn, đầm phá và các đặc trưng ven bờ khác. Khái niệm vùng ven bờ thường được xác định một cách tùy tiện, có sự khác nhau giữa các quốc gia và thường dựa vào giới hạn pháp lý và ranh giới hành chính. Ngoài ra, còn có sự khác nhau về mặt địa lí, sinh thái và kinh tế giữa các vùng khác nhau, do đó không có một định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi về vùng ven biển. Thay vào đó, có những định nghĩa bổ sung phục vụ cho những mục đích quản lý khác nhau, trong đó vấn đề ranh giới cần được xem xét. Ví dụ, ở một số nước châu Âu, vùng ven biển mở rộng ra tới vùng lãnh hải, một số nước khác thì lấy đường đẳng sâu làm giới hạn. Còn về ranh giới trên đất liền thì còn rất mơ hồ do tác động của biển vào khí hậu có thể đến vùng nội địa bên trong cũng như vùng đồng bằng ngập lụt rộng lớn.

Vấn đề ranh giới vùng ven biển có thể được xác định một cách thực tế bao gồm các khu vực và các hoạt động liên quan đến vấn đề quản lý mà các chương trình sẽ nhắm vào. Trong các chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICZM) của các nước ASEAN, phần lớn các nước đều dựa vào nguồn lợi của vùng nước lợ và hệ sinh thái nước lợ để xác định ranh giới tương đối của DVB, xây dựng các kế hoạch phát triển và quản lý. VD, Malayxia căn cứ vào hệ sinh thái nước lợ ở các vùng nước mặn như rừng sú vẹt, rừng tràm...(khoảng 4% lãnh thổ) để xác định vùng ven biển phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Philippine thì xác định ranh giới tương đối của vùng ven biển là từ vùng nước sâu 50 m trên biển đến nơi có hệ sinh thái nước lợ tồn tại (khoảng 10 km). Còn Banglađesh lại xác định vùng ven biển từ đường đẳng sâu 100 m đến vùng nước lợ ở các cửa sông lúc triều lên, vào sâu trong lục địa khoảng 12km... [1]

Trong các nghiên cứu hỗ trợ cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN cũng rất quan tâm đến các vùng ven biển và cho rằng: “Việc xác định thế nào là vùng ven biển rất khó, song có thể nói đó là vùng tính sâu vào nội địa tới điểm ảnh hưởng của thuỷ triều lên các con sông, suối và các vùng đất ngập nước, hoặc tính sâu vào nội địa 10km, tuỳ theo khoảng cách nào lớn hơn”. Cách hiểu này là tương đối phù hợp với hướng nghiên cứu những vấn đề về điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng ven biển. [1]

Theo World Bank vùng ven biển được hiểu là “…dựa vào những mục tiêu thực tiễn, mà vùng ven bờ là một vùng đặc biệt, có những thuộc tính đặc biệt mà ranh giới

được xác định, thường dựa vào những vấn đề được giải quyết”. Như vậy, trong khái niệm này, vùng ven biển không được xác định một cách cụ thể mà chỉ là một chỉ dẫn cho các mục đích nghiên cứu khác nhau.

Như vậy, trên thế giới, có nhiều quan niệm khác nhau về dải ven biển và phạm vi ranh giới dải ven biển. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu hướng đến các khái niệm gần nhất với vùng ven biển. Tuy nhiên, phần lớn các hướng nghiên cứu về dải ven biển trên thế giới đều tập trung trong lĩnh vực tự nhiên, trong quản lý tổng hợp vùng ven biển. Vì vậy, khái niệm và ranh giới dải ven biển theo các quan niệm trên là cơ sở để luận án kế thừa khi phân tích các vấn đề về tự nhiên và quản lý vùng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 28 - 30)