Phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 26 - 27)

6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

1.1.1.2. Phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế được hiểu là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế. Phát triển kinh tế được xem như là quá trình biến đổi cả về lượng và chất, nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện của hai vấn đề về kinh tế và xã hội ở mỗi quốc gia. Theo cách hiểu như vậy, phát triển phải là một quá trình lâu dài và do các nhân tố nội tại của nền kinh tế quyết định. Nội dung của phát triển kinh tế được khái quát theo ba tiêu thức:

Một là, sự gia tăng tổng mức thu nhập của nền kinh tế và mức gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người. Đây là tiêu thức biểu hiện quá trình biến đổi về lượng của nền kinh tế, là điều kiện cần để nâng cao mức sống vật chất của một quốc gia;

Hai là, sự biến đổi theo đúng xu thế của cơ cấu kinh tế. Đây là tiêu thức thể hiện sự biến đổi về chất của nền kinh tế một quốc gia; để phân biệt các giai đoạn phát triển kinh tế hay so sánh trình độ phát triển kinh tế giữa các nước với nhau, người ta thường dựa vào dấu hiệu về dạng cơ cấu ngành kinh tế mà quốc gia đạt được;

Ba là, sự biến đổi ngày càng tốt hơn trong các vấn đề xã hội. Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế trong các quốc gia không phải là tăng trưởng hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà là việc xóa bỏ nghèo đói, suy dinh dưỡng, sự tăng lên của tuổi thọ bình quân, khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế, nước sạch, trình độ dân trí giáo dục của quảng đại quần chúng nhân dân…Hoàn thiện các tiêu chí trên là sự thay đổi về chất xã hội của quá trình phát triển. [51]

Cũng như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh cũng được nhiều nước áp dụng và được xem là một xu hướng toàn cầu hiện nay.

Phát triển kinh tế xanh là quá trình nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. [141]

Đặc trưng của phát triển kinh tế xanh là có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Chính vì vậy, phát triển kinh tế xanh là phát triển bền vững.

Tóm lại, phát triển kinh tế là quá trình lớn lên, tăng tiến mọi mặt của nền kinh tế. Nó bao gồm sự tăng trưởng kinh tế và đồng thời có sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, thể chế kinh tế, chất lượng cuộc sống [51]. Tuy nhiên, khái niệm tăng trưởng kinh tế được vận dụng trong luận án bao gồm sự tăng trưởng kinh tế và sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu kinh tế.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 26 - 27)