Kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 37 - 39)

6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

1.1.5.3. Kinh tế xã hội

a. Dân cư và nguồn lao động

Dân cư và nguồn lao động là nhân tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển kinh tế ở DVB.

DVB là địa bàn có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển hơn các vùng khác, do vậy, đây thường là nơi tập trung dân cư đông đúc, mật độ dân số cao và rất cao, một phần do thu hút dân cư và nguồn lao động từ nhiều nơi khác đến sinh sống. Đặc biệt với xu thế “tiến ra biển” hiện nay, việc khai thác tài nguyên, nguồn lợi ở biển, ven biển thường mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với tốc độ công nghiệp hóa nhanh đã dẫn đến tình trạng dân cư và lao động ở nơi khác đến để phát triển sản xuất làm cho dân số DVB tăng, nhất là ở các đô thị lớn. Đây vừa là một nguồn nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế trong tương lai nhưng cũng là một gánh nặng lớn đối với DVB trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là các khu vực nông thôn ven biển.

b. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật

Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân cư, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm cho các ngành kinh tế ở DVB.

- Cơ sở hạ tầng bao gồm đường giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện nước ảnh hưởng rõ rệt tới phát triển kinh tế DVB. Để có thể trở thành “cửa ngõ”, “mặt tiền” của một vùng, một quốc gia, thì một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Thực tiễn cho thấy rằng, ở những DVB có cơ sở hạ tầng tốt sức hấp dẫn đối với khách du lịch càng lớn; là những nơi có điều kiện để phát triển mạng lưới dịch vụ, các ngành kinh tế khác như công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt có sức hút đối với hoạt động đầu tư, hình thành các hạt nhân đề phát triển và ngược lại.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật bao gồm hệ thống các nhà xưởng, khu vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, các xí nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp... là nền tảng cho việc phát triển kinh tế DVB, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở DVB.

c. Vốn đầu tư

Nguồn vốn đầu tư đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế nói chung, kinh tế DVB nói riêng.

DVB là khu vực có các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động vì nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển. Các hoạt động kinh tế nổi bật như: nuôi trồng thủy hải sản, công nghiệp khai thác khoáng sản, phát triển các KKT, KCN, phát triển GTVT biển thông qua hệ thống cảng biển, phát triển các khu du lịch và các điểm nghĩ dưỡng.... đòi hỏi sự đầu tư lớn từ chính phủ và các nhà đầu tư từ bên ngoài. Chính vì vậy, nguồn vốn có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển và phân bố các ngành kinh tế ở DVB, nhất là đối với các nước đang phát triển như ở Việt Nam.

d. Khoa học - công nghệ

Khoa học và công nghệ tạo ra những khả năng mới vào sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển, làm tăng tỷ trọng các ngành kinh tế, mở ra triển vọng phát triển của chúng trong tương lai.

Hiện nay, nhờ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển đã tạo điều kiện cho ngành hàng hải phát triển toàn diện, các trang thiết bị trên hệ thống tàu biển được trang bị đồng bộ và hiện đại, giúp cho con người có thể hạn chế được những thiệt hại do các thảm họa bất ngờ đến từ biển. Đồng thời, giúp cho con người có thể khám phá nhiều hơn nữa các loại tài nguyên thiên nhiên, các dạng năng lượng sạch, vô tận, có thể thay thế các dạng năng lượng truyền thống mà ở trên đất liền không thể có được.

e. Thị trường

Tiềm năng thị trường tác động lớn đến việc hình thành và phát triển kinh tế DVB thông qua nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên vùng…Nhu cầu của thị trường là nhân tố thúc đẩy việc khai thác, phát huy thế mạnh của DVB theo hướng chuyên môn hóa, từ đó góp phần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn ở DVB cũng như các hình thức tổ chức lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở DVB.

f. Các mối quan hệ kinh tế nội vùng, liên vùng

DVB mặc dầu là một khu vực độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với các vùng khác trong nội địa. Các hoạt động kinh tế ở đây thường phải gắn với các mối liên kết không gian sâu sắc. Ví dụ, trong lĩnh vực vận tải đường biển, mạng lưới các cảng biển có ý nghĩa căn bản. Cảng nằm trong một hệ thống phân phối hàng hóa, vì vậy để đảm bảo sự phát triển và hoạt động của cảng, cần phải phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa cảng với hậu phương cảng và vùng trước cảng. Hậu phương cảng là một bộ phận lãnh thổ của đất nước (hoặc một vùng) tạo nên thị trường tự nhiên và phục vụ cho cảng; còn vùng trước cảng là vùng đất đối diện với hậu phương của cảng qua vùng biển, đại dương, nơi mà hàng hóa được chở từ đó đến cảng và ngược lại. Vùng trước cảng xác định sự tham gia của cảng vào nền kinh tế thế giới.

Đường lối chính sách phát triển kinh tế ở DVB qua các thời kỳ lịch sử có ảnh hưởng to lớn và lâu dài tới sự phát triển và phân bố các ngành, các lĩnh vực kinh tế, tới định hướng đầu tư, xây dựng cơ cấu kinh tế.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh Nghệ Tĩnh (Trang 37 - 39)