6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI
1.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế dải ven biển
DVB được coi là “mặt tiền” lớn của một quốc gia. Vì vậy, trong quá trình phát triển thường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội. Với việc nắm bắt các lợi thế và hạn chế những khó khăn của các yếu tố nêu trên sẽ tạo nên sự phát triển bền vững và lâu dài.
1.1.5.1. Vị trí địa lí
Vị trí địa lí giáp biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong xác định cơ cấu ngành kinh tế, trong thu hút đầu tư, trong phát triển các lãnh thổ trọng điểm và tạo ra các mối liên kết liên vùng, liên khu vực.
Vị trí giáp biển còn làm cho khí hậu mang tính hải dương, quanh năm mát mẻ hơn, chính vì thế làm cho sinh vật sinh sôi nảy nở là điều kiện thuận lợi để phát triển một cơ cấu ngành kinh tế đa dạng với đầy đủ các ngành và phân ngành.
Ngày nay, với xu thế hướng ra biển, các quốc gia giáp biển thường có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với các quốc gia không giáp biển trong giao lưu kinh tế và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vị trí giáp biển cũng đem lại những bất lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng; các thiên tai lớn thường xuất hiện ở biển và vùng ven biển; ranh giới trên biển chưa được thống nhất
nên dễ xảy ra tranh chấp, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng và nền hòa bình của các quốc gia.
1.1.5.2. Tự nhiên
Trong quá trình phát triển và phân bố các ngành kinh tế, DVB còn chịu tác động của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nhất là ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, khai thác khoáng sản...
a. Địa hình
Địa hình ở DVB ảnh hưởng đến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thường ở DVB có địa hình rất đa dạng và phức tạp, tương ứng với mỗi dạng địa hình còn có các kiểu địa hình khác nhau.
Địa hình ở DVB thường được hình thành do nhiều nhân tố: sóng, thủy triều, các dòng ven bờ, trong đó yếu tố sóng có vai trò quan trọng hơn cả, bởi nó thường xuyên, liên tục với cả ba quá trình: xâm thực, vận chuyển và tích tụ. Trên quan điểm động lực, địa hình ở DVB còn đang ở giai đoạn hình thành, chúng có thể biến đổi hàng năm do những đột biến như bão, nước dồn, nước rút. Với các dạng địa hình bờ biển quy định khả năng nuôi trồng thủy hải sản (tôm, cá, nước lợ, rau câu...), phát triển các hệ sinh thái đặc thù, xây dựng các cơ sở du lịch - nghỉ dưỡng và xây dựng các cảng biển
b. Khí hậu
Khí hậu ở DVB mang tính hải dương cao, quanh năm mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để con người nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi sức khỏe, đồng thời làm cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển quanh năm. Tuy nhiên, các chế độ thời tiết thất thường như bão, sương muối, sương giá... có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong ngành nông nghiệp; tính mùa vụ trong ngành du lịch và giao thông vận tải; ảnh hưởng đến việc khai thác và đánh bắt thủy hải sản; đến hoạt động của ngành công nghiệp khai khoáng; ngành chế biến lương thực - thực phẩm ở DVB. Dưới một góc độ nào đó, khí hậu còn ảnh hưởng đến doanh thu của DVB, nhất là trong ngành du lịch và cả trong tiêu thụ sản phẩm.
c. Nước và các đặc điểm hải văn
DVB thường là địa bàn nằm ở các cửa sông và các chi lưu đổ ra biển nên có nguồn nước ngọt dồi dào. Nguồn nước có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; mức độ thuận lợi hay khó khăn về nguồn cung cấp hoặc thoát nước là điều kiện quan trọng để định vị các xí nghiệp công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng ở DVB thường được phân bố gần nguồn nước như công nghiệp luyện kim, công nghiệp dệt, công nghiệp giấy, hóa chất và chế biến thực phẩm...; các hoạt động du lịch và dịch vụ khác cũng rất cần tới nguồn nước. Ngoài ra, các đặc trưng hải văn điển hình của vùng biển như:
chế độ gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ...cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của DVB.
Nhìn chung, cần phải có sự phối hợp quản lý và điều tiết nước từ những khu vực đầu nguồn để hạn chế bớt khả năng lũ lụt, đồng thời trữ nước cho mùa khô. Mặt khác, các hoạt động kinh tế dự kiến phát triển ở DVB cần phải chú ý đến quy luật thay đổi của thủy triều, đặc biệt là khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt... Đối với việc thiết kế xây dựng các công trình biển như đê biển, công trình ngăn triều, ngăn mặn và các công trình khác...cần đặc biệt chú ý đến các giá trị cực trị của mực nước triều và tần suất xuất hiện của chúng để có những phương án thích hợp.
d. Đất
Đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, là cơ sở để tiến hành trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng nhà xưởng, các xí nghiệp công nghiệp, các khu vực tập trung công nghiệp.
DVB là khu vực chịu tác động đan xen của hàng loạt các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội nên đất rất phong phú về chủng loại và phức tạp về tính chất. Bởi vậy, việc khai thác, sử dụng từng loại đất cũng cần có những biện pháp phù hợp.
e. Sinh vật
Các tài nguyên sinh vật ở biển thường rất phong phú và đa dạng, là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp và công nghiệp. Sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật là tiền đề để hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng, tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông, ngư nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái.
Các loại tài nguyên sinh vật ở trên cạn và cả ở dưới biển cũng có tác động tới sản xuất công nghiệp. Rừng và hoạt động lâm nghiệp trên DVB là cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp giấy, chế biến gỗ và các ngành tiểu thủ công nghiệp; ngăn chặn xói mòn đất, hạn chế hiện tượng cát bay, cát chảy, xâm nhập mặn và bảo vệ các hệ sinh thái. Sự phong phú về nguồn thủy, hải sản với nhiều loại động thực vật dưới nước có giá trị kinh tế là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản.
f. Khoáng sản
Khoáng sản là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hàng đầu đối với sự phát triển và phân bố công nghiệp. Khoáng sản được coi là “bánh mỳ” cho các ngành công nghiệp. Số lượng, chủng loại, trữ lượng, chất lượng khoáng sản và sự kết hợp các loại khoáng sản ở DVB sẽ chi phối quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.
Ở DVB là khu vực tập trung rất nhiều loại khoáng sản có giá trị như: than, dầu khí, sắt, vật liệu xây dựng... đây là những nguồn tài nguyên quý giá không chỉ ở hiện
tại mà cả ở tương lai. Tuy nhiên, khoáng sản là loại tài nguyên không thể tái tạo được. Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ nguồn nguyên, nhiên liệu cho ngành công nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.