KÍNH TRỌNG BẬC TÔN ĐỨC
Tôn Đức là các bậc có đức hạnh đầy đủ, thay Phật tiếp Tổ kế vãng khai lai, hoằng dương Phật pháp. Là chỗ nương dựa cho hàng hậu học. Dù đức của ta có lớn, hạnh của ta có cao, tài của ta có giỏi, cũng đều do công ơn của các Ngài mà ra cả. Ta kính trọng các Ngài là kính trọng Phật pháp.
“Tôn” là bậc đáng tôn kính; “Đức” là đức hạnh đầy đủ. Tôn Đức là những vị đã dày công nghiên cứu Phật pháp, tu hành rèn luyện và có đạo đức cao thâm, rộng lớn. Là những bậc trưởng thượng, tiền bối, thay Phật tiếp Tổ giữ gìn và mở rộng chánh pháp để chúng sinh được lợi lạc. Các Ngài cũng là chỗ nương dựa vững chắc cho hàng hậu học. Hiểu được ý nghĩa này, chúng ta mới thấy được giá trị của câu nói:“Gừng càng già càng cay”.
Ở ngoài đời, những người sống đến độ tuổi lão làng thì thường bị mắc căn bệnh hay quên, bị lú lẫn hoặc lãng tai, thậm chí tính tình giống như trẻ con buồn giận vô chừng và dễ tủi thân, hoặc có khi phải nằm một chỗ vì bệnh tật. Người thế gian càng già thì càng suy yếu, mau đi đến chỗ lãng quên lẫn lộn.
Trái lại, người tu hành càng về già thì công phu càng thâm hậu, đạo lực càng dày sâu, trí tuệ càng tỏa sáng và công đức càng viên mãn. Người tu đúng chánh pháp, có công phu hành trì và thấy rõ được sự thật (Kiến đế), thì mỗi một ngày trí an trụ trong pháp càng tỏa sáng và chiếu diệu. Những bậc này có đức hạnh rất cao thâm và có khả năng gánh vác đại pháp, vì thế chúng ta cần phải chân thành tôn kính.
Trong Phật giáo thường dùng các từ như: “Truyền đăng tục diệm”, “Kế vãng khai lai”, “Tiên giác giác hậu giác”, “Thạch trụ tùng lâm” hoặc “Phật môn long tượng”... là để ca ngợi các bậc Tôn Túc đạo cao, đức trọng.
“Phật môn long tượng” là Voi chúa ở trong cửa Phật, để chỉ cho người thâm niên trong đạo, hạnh nguyện vĩ đại của Bồ-tát Phổ Hiền, gánh vác Phật pháp để làm lợi lạc cho vô số chúng sinh.
“Thạch trụ tùng lâm” là cột trụ bằng đá ở trong tòng lâm tự viện. Ý nói là bậc chống đỡ vững chắc trong ngôi nhà Phật pháp.
“Kế vãng khai lai”, tiếp bước những bậc Tiền bối và mở đường cho người đi sau, nên sự có mặt của các vị rất quan trọng.
“Truyền đăng tục diệm” là mồi đèn tiếp đuốc, không có các Ngài thì người sau không thể tiếp nối được chánh pháp. Từ “ngọn lửa Tuệ giác Vô thượng” của Phật, là người đạt được trí tuệ cứu cánh đầu tiên khai sáng ra Phật giáo mồi qua ngọn đèn của mười vị Đại đệ tử. Và từ mười vị này mồi lửa qua các bậc A-la-hán. Tiếp theo từ các bậc A-la-hán mồi lửa qua đèn của các vị Tổ sư. Sau đó từ các Ngài mồi lửa qua cho các bậc Tôn Túc, Cao Tăng, Đại Đức, rồi truyền mãi xuống cho đến những người tu học hôm nay và mai sau:
“Tiếp ánh sáng, nối mùi hương,
Rạng rỡ Tổ đăng, huy hoàng Phật nhật”.
Trong sách Bách Trượng Thanh Quy có viết Hai mươi nguyên tắc trọng yếu của tòng lâm và một trong số đó là:“Tòng lâm dĩ Trưởng lão vi trang nghiêm”, nghĩa là chùa chiền tự viện lấy bậc Trưởng thượng, Tôn Túc để làm đẹp. Trong đại chúng mà có một vị thầy lớn như Sư ông hay Sư phụ Trụ trì thì tự nhiên không khí ấm áp, an ổn, thanh tịnh. Ngược lại, đại chúng đông đúc mà không có các bậc Tôn Túc thì càng khó quản lý, nhiếp phục.
Phải biết tôn kính và đặt để các bậc Trưởng thượng ở phía trên cao là một trong những pháp quan trọng làm cho đạo hưng thịnh. Khi chưa biết về lý Duyên khởi,
chưa có cái thấy sâu xa thì chúng ta lầm nghĩ rằng mình là tài giỏi, biết nhiều, nhưng thật ra tất cả sự học hiểu và thực hành đều từ nơi những người đi trước. Tất cả đức hạnh hay tài năng của mình cũng đều từ nơi Phật tổ truyền trao, chẳng phải tự mình có được!
Dựa vào những kiến thức, địa vị ở bên ngoài hoặc bám chấp chữ nghĩa kinh điển, không có sự cung kính đối với người ở trên hoặc người đi trước là một điều tổn hại rất lớn. Phật đã nhập Niết-bàn, tuy Pháp sẵn có ở trong Tam Tạng kinh điển, nhưng nếu không có chư Tăng giảng thuyết thì Phật pháp không thể lưu truyền. Chư Tăng là đại diện cho Phật và Pháp, cũng là chiếc cầu kết nối giữa chúng sinh với Phật pháp. Thấy được như thế là đã phá vỡ được cái thấy biết sai lầm, cho nên chúng ta càng kính trọng các Ngài nhiều hơn nữa. Đó cũng chính là kính trọng Phật pháp!