Chú Sa-di không hề biết rằng vị Tỳ-kheo đó đã chứng quả A-la-hán và chỉ với một câu nói đó mà chú Sa-di phải chịu năm trăm đời làm thân chó.
Tuy nói về mặt lý tánh thì không có người nhận, cũng không có người trao, nhưng trên mặt sự tướng thì nhân quả thiện ác không bao giờ sai chạy. Kinh Duy Ma Cật có đoạn:“Không người, không Ta, không thọ nhận. Nghiệp thiện hay ác vẫn không mất” (Vô nhân, vô ngã, vô thọ giả. Thiện ác chi nghiệp diệt bất vong).
Khi xưa, chư tổ luôn khắc ghi chữ “Tử” vào trong tâm trí để tự cảnh tỉnh bản thân phải luôn nhớ tới sự vô thường.
Tại phòng khách của ngôi chùa Phổ Đà ở Đài Loan có viết một chữ “Tử” thật to để cho mọi người khi vừa bước vào liền có thể nhìn thấy và chiêm nghiệm. Chỉ với một chữ này đã nói lên đầy đủ diệu nghĩa thâm sâu suốt 49 năm thuyết pháp của Thế Tôn và cũng chính nhìn thấy được sự già chết, nên Ngài mới phát tâm cầu đạo giải thoát.
Trong công phu tu tập hằng ngày, nếu chúng ta tự đặt mình vào trường hợp chỉ còn sống được có một ngày nữa là chết, thì liệu mình còn có tâm trạng để vui chơi thong thả hay không? Thói quen trong tâm ý của chúng ta là luôn nghĩ sẽ sống mãi, mà quên đi một ngày nào đó thân này sẽ chết, cho nên cứ mãi nhởn nhơ cho qua ngày hết tháng.
Phải lấy gương của chư Phật, chư Tổ noi theo để tự mình cảnh tỉnh và nỗ lực tu tập. Đem hết tâm lực mà tu hành thì lâu ngày tâm được khai sáng, thấu suốt tất cả vạn pháp. Một khi bước đến cửa giác ngộ, vào thành trì Niết-bàn thì mới có thể không bỏ muôn hạnh mà chẳng nhiễm mảy trần và không vướng vào “Không”, mà cũng không kẹt nơi “Có”. Làm tất cả việc mà như không có làm gì, bởi vì thấy rõ bản chất của mọi sự vật đều rỗng không. Lúc đó mới thấy được diệu dụng của Đệ nhất nghĩa đế, chân không diệu hữu, từ chỗ chân thật sinh ra cái nhiệm mầu.
Chính vì cái “có” cho nên không có, ngược lại chính cái “không có” lại có tất cả. Trong Kinh nói:“Sự thật giống như trái ngược với thế gian. Nếu như ai tin được thì bước vào địa vị của Thánh nhân”.
Từ một người khố rách, áo ôm, đi xin ăn ở ngoài đường có được mấy lon gạo, đó là có; tiến thêm một bước là người vừa đủ ăn, có được chút ít tiền của, cũng là có; tiến thêm bước nữa, người giàu dư dật ăn uống, đầy ắp tiền của, về phía vật chất thì họ sướng hơn người vừa đủ ăn, nhưng họ vẫn chịu khổ về mặt tinh thần; lên bước nữa là người giàu nhất thế giới cũng vẫn khổ sở. Vì “có” là hữu hạn, cho nên dù là lớn như thế nào, thì nó cũng vẫn nằm trong phạm vi giới hạn. Còn “không”
thì vô hạn, tất cả mọi vật từ cây cảnh, sự vật, con người và muôn loài trong vũ trụ này đều là của mình.
Các vị Đại đức thuở xưa nói:“Người tốt nhất là người xuất gia”, hoặc trong nhân gian nói: “Một người xuất gia thì chín đời tổ tiên được sinh lên cõi Trời”. Như lời ngài Liên Trì dạy:“Tuy những câu nói trên là tán thán người xuất gia, nhưng chưa xác định rõ ràng lợi ích của người xuất gia. Người xuất gia không cần phải cày cấy mà vẫn có cơm ăn, không dệt vải mà vẫn có áo mặc, không cần phải mua nhà thuê phòng mà vẫn có nơi cứ trú. Quốc vương, đại thần và tín đồ, thí chủ đều cung kính, không bị bắt đi lính, không bị người dân quấy nhiễu, được tự nhiên vui vẻ, thanh nhàn phóng khoáng.
Tất cả những thứ đó là lợi ích người xuất gia chăng? Hạt gạo của tín thí lớn tợ núi Tu Di. Nếu đạo lớn không thành thì phải mang lông đội sừng trả.
Như vậy, xem đây để đủ thấy đối với người xuất gia thì ẩn nấp bên trong một tai họa lớn, còn nói gì là lợi ích. Một ngày kia lão Diêm vương sẽ tính toán cơm tiền với anh. Lúc ấy xem anh lấy gì mà bồi thường?
Lợi ích của người xuất gia là thoát được phiền não, dập tắt vô minh, chứng đạt Vô sanh pháp nhẫn, liễu thoát sinh tử. Đó mới là việc làm tối thắng, cao quý hơn hết trong nhân gian thiên thượng, hơn nữa cha mẹ và dòng họ cũng nương nhờ đây mà thấm nhuần đức hạnh. Nếu không như lời này thì dù cho giàu đến thiên vàng vạn bạc hoặc được vinh hiển làm Quốc sư bảy đời Hoàng đế cũng chẳng có lợi ích!
Để nói thật, tôi vạn lần lo sợ phạm vào lỗi lầm lớn này. Đồng thời nói với các bạn cùng tu với nhau, hãy cảnh giác lo sợ mà cố gắng tinh tấn vượt lên. Phải xem những bậc thượng lưu, chớ nhìn theo những kẻ thấp hèn”.
Chúng ta cần phải nhìn gương hạnh của những bậc xuất gia chân chánh hay những vị chân tu có đạo cao đức trọng, hy sinh thân mạng để làm lợi ích cho nhiều người, không nên so sánh với người thế tục để tự làm nhục ý chí tiến tu của mình. Hoặc thỉnh thoảng, nhìn thấy người này, người kia có đồ này hay vật nọ vừa mắt thì cũng thầm mong muốn, luôn bị tâm hư dối dẫn đi mà không biết. Cần phải thâu tâm trở về bằng cách “Hít vào A Di, thở ra Đà Phật”, phải lo thở, nếu không sẽ chết liền, còn tất cả những thứ kia chỉ là đồ dỏm!
Nếu một mặt dụng công tu hành, nhưng một mặt vẫn tiếp tục phóng tâm vọng tưởng mong cầu đủ thứ việc thì cả hai đường đều mất. Đời không hưởng được ngũ dục, mà tu cũng không hưởng được pháp lạc, cho nên cuối cùng“lơ lửng một đời, lấy gì nương cậy?”
Một khi đã quyết định tu hành thì phải dứt khoát hy sinh thân mạng, đem hết ý chí tinh thần, khả năng để chuyên ròng trong nội điển chánh pháp. Nội điển là nền tảng căn bản nhất của Phật pháp mà bất cứ người tu nào cũng phải nắm vững. Trong ngũ minh thì nội minh là cái quan trọng nhất cần phải lưu tâm. Trừ phi trí lực của
270 MỘT PHEN SỐNG CHẾT ĐẠO HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA 271
chúng ta dư thừa, thì mới nên học thêm những bộ môn ở bên ngoài. Không có sự thâm hậu ở trong pháp nghĩa thì chúng ta không thể vận dụng Phật pháp vào trong cuộc sống thực tế. Sự tu học cần phải nắm vững cội gốc.
Dù cho học hết cả cuộc đời của mình thì pháp nghĩa của Phật dạy vẫn là vô cùng, vô tận. Chỉ cần chúng ta hiểu thấu suốt đến thật tướng của một câu hay một chữ ở trong kinh điển thì có thể chuyển phàm thành Thánh. Không cần nghĩ những việc khác ở bên ngoài, chỉ cần nương chánh pháp thấu hiểu được chính mình. Khi hiểu được mình thì sẽ hiểu hết mọi thứ, đạt được “Nhất thiết chủng trí”.
Không cần lo làm sao có thể hoằng pháp giúp người. Trước phải tự giác thì tự nhiên có năng lực giác tha. Giống như đèn sáng rồi thì ở đâu nó cũng có thể soi, dù lúc đó không muốn, mọi vật xung quanh cũng tự sáng. Bây giờ cây đèn của mình còn tắt mà nghĩ cách soi cho người khác là điều không thực tế.
Cũng không tu hành nghiêng lệch vào hai thái cực. Một là muốn xong, tu cho mau. Vừa xem xong bộ phim Hư Vân Hòa thượng hay Giám Chân Đông Độ thì về sáng đêm không ngủ, chiều nhịn ăn, đi đâu mắt cũng lim dim, tay cầm xâu chuỗi... nhưng được chừng bảy ngày hay nửa tháng, xong rồi nằm ngủ cả ngày, không còn hành trì gì nữa! Thỉnh thoảng lại nổi lên một cơn anh hùng lửa rơm, phựt lửa cháy dữ dội rồi tắt lịm. Tu
hành như thế thì chẳng bao giờ đạt Đạo. Hoặc là xuất gia vào chùa lâu ngày, sinh tâm khinh lờn, nhàm chán việc tu hành, không còn ý chí phấn đấu giải thoát, tự vứt bỏ chính mình, buông tay cho lọt luôn xuống hầm hố, vực thẳm, vĩnh viễn không còn cơ hội giác ngộ. Buông lung ba nghiệp, dong ruổi sáu căn mà muốn thành tựu thì “thật là vô lý». Đương nhiên, tu tinh tấn vẫn tốt hơn làm biếng, nếu phải chọn một trong hai cách tu thì phải chọn tinh tấn, nhưng phải kèm theo trí tuệ chân chánh mới có thể thành công.
Một hôm, đức Phật nghe một vị thầy tụng kinh với giọng tụng thảm não, bi ai.
Đức Phật đi đến hỏi:
- Lúc còn ở nhà, ông từng làm nghề gì? Vị Thầy thưa:
- Bạch Thế Tôn! Khi con còn ở nhà là nhạc sĩ chơi đàn.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Khi dây đàn quá căng mà đánh đàn thì âm thanh nghe như thế nào?
Vị thầy trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Âm thanh nghe không hay và chát chúa.
- Vậy khi dây đàn chùn quá thì lúc đó tiếng đàn nghe như thế nào?
Vị thầy trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Không thể phát ra âm thanh hay. Đức Phật hỏi tiếp:
- Vậy khi dây đàn không căng cũng không chùn, vừa phải thì âm thanh thế nào?
Vị thầy trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Tiếng đàn tuyệt diệu. Đức Phật nói:
- Sự tu hành cũng giống như lúc ông căng dây đàn để đánh đàn vậy thôi!
Ngay lúc đó, vị thầy kia tỉnh ngộ và quyết tâm tu hành, và một thời gian ngắn sau đó ông đắc quả A-la-hán.
Cần phải giữ tâm ở mức trung đạo và bền bĩ lâu dài. Ngay lúc còn trẻ, hùng tâm tráng chí còn mãnh liệt phải lợi dụng cơ hội nắm bắt thời cơ ngay lúc này tập trung nghiên cứu Phật pháp, tu hành, làm tất cả các việc công đức, đi sâu vào nội điển chánh pháp. Phải biết nắm bắt cơ hội, dựa vào lúc bầu nhiệt huyết đang hừng hực mà làm sức mạnh để tu hành.
Kế nữa là phải biết tránh tiếp duyên xúc cảnh, giữ gìn sáu căn. Nếu có điều kiện thuận lợi, thì nên tìm những nơi núi rừng thiên nhiên xa vắng mà ẩn dật dụng
công, như thế về sau mới có thể gánh vác được ngôi nhà Phật pháp to lớn và làm lợi ích cho chúng sinh. Thấy rõ được mục đích, ý nghĩa của việc làm thì chúng ta mới có thể bền tâm vững chí, giữ vững con đường đạo đức và làm tròn bổn phận của một người xuất gia. Ngoài ra, còn luôn phải xoay lại nhìn tâm của mình từng phút từng giây. Không để bị tâm thức lừa gạt, hẹn lần này lần khác, bất chợt cái già ập đến, thân thể đau nhức thì chẳng còn cơ hội để công phu nữa. Người biết tu là phải hạ thủ dụng công ngay đây hiện giờ, trong mọi lúc mọi nơi.
Nền tảng đạo đức của người xuất gia là truyền thống và nguyên lý vĩ đại của đức Phật, những người sau cần phải đi theo những con đường này để đạt đến Niết-bàn. Nếu đi ngược với con đường này, chính là đi vào trong sinh tử. Không những Phật Thích-ca mà Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm, Phật Ca-diếp cho đến sau này Phật Di-lặc cũng như những vị Phật tương lai đều thực hành giống như vậy.