TIẾP ĐÃI CƯ SĨ ĐẠO HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA

Một phần của tài liệu Dao Hanh Nguoi Xuat Gia (Trang 68 - 70)

Im lặng và nói năng cao thượng như bậc Thánh, tức là im lặng đúng như chánh pháp và nói năng đúng như chánh pháp.

Khi người khác nói về một sự việc, mà chúng ta có thể chánh niệm tỉnh giác để lắng nghe, đó là lắng nghe đúng như chánh pháp. Biết lắng nghe đúng như chánh pháp sẽ giúp chúng ta thấu hiểu được nguồn gốc sinh khởi đau khổ (Tập đế) ở ngay bản thân của mình. Từ chỗ thấy được nguyên nhân gây ra đau khổ đó, chúng ta sẽ dùng phương pháp kinh nghiệm tu tập để điều chỉnh thì sẽ dần chuyển hóa mọi đau khổ. Im lặng để lắng nghe bằng trí huệ có sức mạnh hơn cả lời nói và đó là một sự hùng biện tuyệt diệu của người xuất gia.

Trong mười giới thì miệng đã chiếm hết bốn điều: nói dối, nói thêu dệt, nói hung ác,và nói lời ly gián, vì vậy mà chúng ta cần phải thận trọng giữ gìn lời nói. Chỉ nói khi cần thiết, nói đúng chánh pháp và luôn dùng lời từ ái. Chia sẻ những phương pháp tu tập để giúp Phật tử có thể chuyển hóa khổ đau. Nếu có người ưa nói những khuyết điểm của các Thầy và các đạo tràng khác thì nên nhẹ nhàng khuyên nhủ và cương quyết từ chối không nghe.

Mỗi khi tiếp xúc với Phật tử, chúng ta nên khuyến khích phát tâm làm cho họ chuyển hóa, thăng hoa trên con đường tu tập. Nếu ngoài mục đích như vậy thì tốt hơn không nên gặp gỡ, vì không khéo mình sẽ bị cuốn

theo những lời bàn luận của họ và dẫn đến việc thị phi, đến người này thì nói lỗi người kia và ngược lại. Thậm chí đi tới chùa này nói chuyện chùa kia, đi đến chùa kia nói chuyện chùa nọ. Vô tình phỉ báng Tam Bảo mà không hay biết, sẽ chiêu cảm quả báo rơi xuống Địa ngục nhanh giống như tên bắn. Phải luôn tỉnh giác cương quyết từ chối không nghe và nói rõ cho họ biết đó là việc sai quấy, tội lỗi.

Đừng quá thân với một vài người và giành cho họ quá nhiều thời gian, trong khi lơ là với những người khác. Không nên vì lý do được cúng dường mà tiếp đãi đặc biệt đối với người này và cư xử lạt lẽo đối với người kia. Tất cả mọi người khi đến với Tam Bảo đều phải được đối đãi bình đẳng như nhau và luôn giữ khoảng cách giữa Tăng và tục.

Không vì lý do được cúng dường mà có sự đối xử đặc biệt. Nên khuyến khích cúng dường cho Tăng chúng hơn là cúng dường cho cá nhân. Nếu không khéo giữ tâm trước những sự cúng dường là một điều rất nguy hiểm. Sự cúng dường giống như là mũi nhọn, dao bén, thuốc độc làm bào mòn công đức phạm hạnh của người tu.

Bên cạnh đó, sự cung kính và lợi dưỡng nếu như không thấy rõ cũng dễ bị nhận chìm trong thanh sắc, có khi còn lôi kéo mình trở lại dòng đời. Điều này không hẳn là hoàn tục mà nhiều khi vẫn còn là hình tướng xuất gia, nhưng luôn thích sống giống như người thế tục. Do

đó, người xuất gia phải hết sức thận trọng đối với tất cả sự cung kính, cúng dường, danh vọng, địa vị, tài sắc.

Ngài Đề-bà-đạt-đa vì được cung kính cúng dường, nên đã hủy báng chánh pháp và bị rơi vào Địa ngục. Đức Thế Tôn ví những người tu vừa được cung kính cúng dường thì liền sụp đổ giống như cây chuối vừa trổ buồng thì phải chặt bỏ. Hoặc vừa mới ra hoằng pháp có được chút ít tiếng tăm thì liền bị rơi rụng.

Các vị Cao Tăng, Tôn Túc thuở xưa cũng như hiện tại, mỗi khi có người cúng dường những đồ dùng tốt quý, có giá trị, các Ngài liền đem cúng dường lại cho chúng Tăng hoặc là không nhận, hoặc dùng tất cả những thứ đó để làm Phật sự. Càng không có người cúng dường thì càng dễ tu tập. Thiền sư Long Nha nói:

“Học đạo trước cần phải học nghèo Nghèo rồi đạo thể mới được thân Từ xưa Cổ đức xưng: “Bần đạo” Đạo dụng lại đồng với kẻ nghèo”.

Người muốn học đạo, trước tiên phải học nghèo. Người càng nghèo thì càng gần với đạo. Người đạt đạo là người không còn nắm giữ bất cứ thứ gì. Học tới chỗ không còn gì hết là thành đạo, tức là tới chỗ tâm rỗng rang, thanh tịnh vắng lặng. Đến khi đã thành đạo thì cũng giống như một người nghèo. Thậm thâm Bát-nhã Ba-la-mật, sinh ra mười phương ba đời chư Phật trong mười phương ba đời từ nơi trí huệ thấy rõ vạn pháp rỗng

không chẳng thật. Tuy là rỗng không, nhưng Tam thiên Đại thiên thế giới là tài sản cho đến Thái dương hệ đều là vật sở hữu trong nhà.

Trong kho vô tận không một vật Có hoa, có trăng, có lầu đài.

Vô tận tạng trung vô nhất vật Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài.

Nên quan tâm giúp đỡ các em nhỏ, người già và những thành phần khiếm khuyết để cho họ bớt bỡ ngỡ với những sinh hoạt ở trong chùa. Những em thiếu nhi tuổi còn nhỏ rất cần sự quan tâm chăm sóc và sự đón tiếp vui vẻ.

Đối với những người khiếm khuyết, tật nguyền càng phải thương nhiều hơn và cần phải có sự chăm sóc đặc biệt. Trong kiếp người này, họ không có may mắn được đầy đủ sáu căn lành lặn hoặc có những người không được sáng suốt như người bình thường, vì vậy chúng ta cần phải mở rộng tình thương để giúp đỡ họ biết được đạo lý và những cách thức sinh hoạt ở trong chùa.

Những việc làm như trên thể hiện lòng từ bi trong đạo Phật và đó cũng là đạo đức trong sự tiếp đãi, cư xử với Cư sĩ và mọi người từ mười phương tựu về. Nhờ đó, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng, để họ hoan hỷ quy ngưỡng đối với Tam Bảo và phát tâm tu học theo chánh pháp.

Chương VI

Một phần của tài liệu Dao Hanh Nguoi Xuat Gia (Trang 68 - 70)