thượng chỉ nói gọn: “A Di Đà Phật”. Đó chính là thân giáo ở ngay trong dáng vẻ đức tướng và cũng là bài pháp sống trong từng oai nghi, cử chỉ.
Ngày xưa, lúc còn khó khổ, không có đủ giấy viết, Hòa Thượng đã đổ đầy cát vào một cái chậu, phả cho bằng phẳng mặt rồi học viết chữ Nho trên đó. Nhờ nỗ lực vượt khó như vậy mà về sau, Ngài dịch rất nhiều kinh điển có giá trị cho người sau đọc tụng. Ngoài ra, vào những năm ấy đang là thời chiến tranh, súng đạn nổ vang rền xung quanh, mà Ngài vẫn ngồi ung dung dịch kinh như chẳng có gì xảy ra, còn mấy vị Thị giả đang ngồi chép kinh đều hoảng sợ bỏ chạy mất; chứng tỏ công phu định lực của Ngài thật kiên cố.
Đại sư Thiên Thai Trí Khải, Tổ của tông Thiên Thai, lúc còn ẩn trên núi tu hành, vì không có tiền mua dầu nên Ngài đã gom nhặt những trái thông, cành cây gãy đốt lửa để đọc kinh sách hoặc tận dụng những đêm có trăng sáng thì lấy kinh ra đọc. Nhờ phấn đấu hết mình như vậy mà sau này Ngài mới có thể phân định toàn bộ hệ thống giáo pháp của đức Phật thành năm thời thuyết giáo và tám môn giáo pháp (Ngũ thời Bát giáo).
Nhị tổ của tông Tịnh độ Đại sư Thiện Đạo, mỗi khi công phu, Ngài không tính thời gian mà ngồi niệm Phật tới khi nào không thể niệm được nữa mới đi nghỉ. Ngài đã để lại cho hậu thế những tác phẩm có giá trị.
Ngài Milarepa, Tổ sư của Mật Tông được tôn xưng là “Thích Ca của xứ Tây Tạng”. Trong quá trình tu học, Ngài chỉ ăn lá cây, da xanh như màu lá đến mức làm cho những người thợ săn và tiều phu hoảng sợ tưởng là gặp quỷ. Ngài đã hy sinh cả cuộc đời để tìm đạo và cuối cùng chứng đắc thần thông tới chỗ cứu cánh, phân thân hóa độ ngay khi còn tại thế. Lúc sắp nhập diệt, Ngài đã nói những lời giống như trong kinh Di Giáo của đức Phật thuở xưa, chư Thiên đã bay xuống tán thán rải hoa cúng dường và vây quanh nghe thuyết pháp.
Gần đây có nhiều vị Cao Tăng ở các nước Thái Lan, Miến Điện tu hành chứng ngộ ngay trong một đời và có một số vị khác thuộc lòng ba tạng kinh điển của Nam tông. Không những đọc xuôi mà các ngài còn có thể đọc ngược từ sau ra trước. Những vị ấy được chính phủ xem như là “Bảo vật của quốc gia”.
Một ngày của các vị Cao Tăng từ lúc thức dậy thì nghiên cứu kinh điển đến tối khuya thì ngủ rất ít để dụng công tu hành. Đến khi sự tu hành đắc lực thì các ngài không cần nói, cũng không làm, mà mọi việc tự nhiên thành tựu, trong kinh gọi là “vô tác diệu lực” (không làm, nhưng có sức mạnh diệu kỳ). Còn chúng ta ra công dụng sức rất nhiều nhưng hiệu quả không được bao nhiêu là bởi vì chưa sống được hết với những lời Phật tổ dạy. Thời nay, chúng ta có đầy đủ sách vở, phương tiện để tu học, nhưng lười biếng, buông lung, nghe pháp thì ngủ gục hoặc thích vui chơi, không màng đến nội điển.
Hôm nào, công phu lố thời gian chừng năm, bảy phút thì sinh phiền não. Chúng ta tu hành chẳng có một chút cố gắng, nhưng muốn được vô tác diệu lực. Việc gì cũng phải có nhân mới có quả, chúng ta mong cầu như vậy là chưa thấy rõ được nhân quả.
Cần phải tìm đọc nhiều hơn nữa các gương hạnh người xưa để thấy được dù có tu hành thật nhiều, nhưng vẫn chẳng thể sánh với các Ngài, vì sự thấy biết, hành trì tu học của mình còn quá nhỏ hẹp, cạn cợt. Hiện nay chúng ta mới tu hành được chút ít an ổn liền tự mãn. Lấy ít cho là đủ, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà cho đã chứng là Tăng thượng mạn. Chỉ hài lòng với những điều nhỏ bé của phàm phu thì chẳng thể thấy được sự rộng lớn bao la của hàng Bồ-tát, Thánh Tăng.
Vì vậy, muốn trao truyền những cái hay đẹp cho người sau thì chính bản thân phải sống và làm hiển lộ được những vẻ đẹp đó trong những sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống của người tu rất đẹp, một vẻ đẹp xuất trần.
Chúng ta cần phải học thông nội điển, hiểu sâu rộng cốt lõi của chánh pháp, nắm vững tâm yếu của Phật tổ. Phải biết rõ gốc và ngọn, cái nào là cứu cánh và phương tiện. Hiểu rõ con mắt của mười hai bộ Kinh, trái tim của ba Tạng, nắm vững ba pháp ấn và thông đạt lý Duyên khởi, tánh Không của vạn vật để nghiền ngẫm, quán chiếu. Ăn cũng phải nghĩ tới nó, ngủ phải nghĩ tới nó, thậm chí nằm mơ cũng phải thấy nó. Thực hành như vậy
mới có cơ hội khám phá chân lý vĩ đại, gia tài vô tận của Phật tổ truyền trao gọi là Chánh Pháp Nhãn Tạng (Kho tàng của Chánh Pháp).
Có nghiền ngẫm và sống được với chân lý thì cuộc sống hiện tại của mình mới toát ra được sức mạnh của chánh pháp và đó là cái đẹp của đạo Phật. Trong khắp nhân gian thiên thượng và muôn loài sáu đường không có gì có thể sánh với trí tuệ vô thượng của đức Phật. Chỗ cứu cánh cùng cực của đạo Phật là chân lý bất diệt tột cùng hoàn thiện đẹp mãi với thời gian. Nét đẹp đó từ nơi công phu tu tập thể hiện ra hành động và cách nghĩ.
Người đời nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”,
cho nên khi chúng ta nhìn vào người khác với ánh mắt như thế nào thì người ta có thể nhận biết được ý muốn của mình. Cho nên trong đạo nói:“Bố thí không phải chỉ là tài vật ở bên ngoài mà từ ánh mắt, vẻ mặt, lời nói,... đều có thể thực hành bố thí”.
“Mắt thương nhìn cuộc đời”. Đem con mắt từ bi để nhìn mọi người, ban trải tình thương với cái tâm vô điều kiện.
Tiếp theo là thể hiện qua cách chào hỏi khi đón khách hay tiếp Tăng. Thời bây giờ sự cung kính của vị Tăng trẻ đối với các bậc Trưởng thượng đã khác xưa rất nhiều. Không phải khác theo chiều hướng đi lên, mà theo chiều giảm xuống. Khi xưa mỗi khi người tu gặp nhau thì hết mực cung kính xá chào rất vui vẻ. Nếu vì
254 CUỘC SỐNG TRIỂN HIỆN VẺ ĐẸP
Chương X