4. Người học Phật để tìm những tư tưởng cao siêu mầu nhiệm, vượt ra ngoài sự hiểu biết của người bình thường.
5. Người xuất gia để tìm con đường chuyển hóa, tìm ra phương pháp chuyển đổi mê lầm trong nhận thức, phá vỡ vô minh, chấm dứt phiền não, đạt được an lạc.
Trong năm hạng người trên, hạng người cuối cùng là bậc trí tuệ sáng suốt.
Phật pháp là một bảo vật mà khắp thế gian không có gì có thể sánh bằng, chẳng phải một người bình thường không có đạo đức, phẩm chất căn bản của một con người có thể nắm giữ. Như Đại sư Liên Trì nói:“Thượng căn lợi khí rất mực tài trí thông minh đi nữa cũng chỉ có hại mà thôi!”
Khi tư cách con người chưa hoàn thiện, thì không thể bàn tới việc tu hành thành Phật. Bởi vì nền tảng ở dưới khiếm khuyết, cho nên chẳng thể tiến vào cảnh giới vô tận của Bồ-tát để làm lợi lạc cho chúng sinh. Chẳng những như thế, không có nền móng đạo đức căn bản thì dù có học bất cứ pháp môn gì cũng không có được nhiều lợi ích, mà có khi ngược lại. Đại sư Liên Trì cũng từng dạy:“Trí lực càng cao, chướng ngại càng lớn, tu hành càng khó thành tựu”. Không có nền tảng đạo đức mà có trí lực cao, thì chướng ngại càng lớn, những người học cao mà không có đạo đức thường hay tự mãn, tự cao luôn cho mình là tài giỏi hơn người khác. Ý niệm đó
hoàn toàn trái với tông chỉ vô ngã của đạo Phật. Cư sĩ Bàng Uẩn có làm một bài kệ như sau:
“Mười phương cùng tụ hội Mỗi người học vô vi
Đây là trường tuyển Phật Tâm không được đậu về”.
Có những vị Cao Tăng tuy có những người không có học thức cao, nhưng lại có lòng tha thiết với Phật pháp và tâm từ bi sáng suốt. Vì thế, chúng ta không thể đem trí lực bình thường của thế gian mà cân đo, đong đếm những việc vô vi Bát-nhã. Bồ-tát Long Thọ từng dạy:“Không là bằng với giải thoát. Không là bằng với Niết-bàn”.
Chữ “Không” ở đây không phải là không có gì, mà là thấu suốt các pháp đều rỗng không. Đã là Không thì không có “cái tôi”. Do không nắm vững được mục tiêu của việc tu học, cho nên chúng ta càng tu hành thì càng đi lạc đường lúc nào cũng không hay. Bởi vì từ lúc đầu phát tâm, đã đặt lệch mục tiêu tu hành là học lấy bằng cấp để không bị người khác xem thường, mà không phải học vì mục đích để giác ngộ thấu suốt chân tướng của nhân sinh và vũ trụ.
Đại sư Liên Trì cũng nói:“Người không có đạo hạnh, sao có thể làm người xuất gia tu hành?”Từ nơi căn bản đạo đức mà xây dựng nên nền tảng tu học thì sẽ được vững chắc, không bị sụp đổ về sau. Chưa cần nói tới trí
tuệ, giác ngộ, thần thông diệu dụng, chỉ cần xem tư cách đạo đức của người đó đối với thầy, đối với huynh đệ, đối với Phật tử, đối với cha mẹ như thế nào cũng đủ biết được người này có thể tu hành thành tựu hay không?
Mỗi khi bưng chén cơm để ăn, mình nhớ công ơn cực khổ, nhọc nhằn của rất nhiều người làm ruộng, nấu nướng, đó là đạo đức; lúc khoác chiếc áo vào người thì nhớ đến công ơn của người may dệt, không dám hủy phạm khi nó chưa hư, đó là đạo đức; khi đọc những lời kinh tha thiết chân thành của Phật, nhớ đến thâm ơn sâu dầy của người đi trước, nhớ đến công lao khó nhọc của thầy Tổ mà cố gắng nỗ lực tu hành, đó là đạo đức.
Đạo đức không phải làm những việc to lớn vĩ đại, mà chính những điều rất gần gũi trong cuộc sống của mình. Người có thể làm tốt những điều ấy, được gọi là người có đạo hạnh. Như lời dạy của Đại sư Liên Trì:“Ngày nay người có chút ít tri thức đã vội vàng tập tành học cách chú giải khảo cứu biên chép chẳng khác nào những thư sinh nhà nho chuyên làm con mọt sách. Người có tri thức hơn chút nữa thì tầm chương trích cú những lời dạy của Cổ nhân rồi vay mượn một cách máy móc, biên chép thành sách rồi cho là của mình. Nắm bắt những thứ cặn bã, vụn vặt như ngói gạch phế thải của chư vị Tổ sư đã bỏ đi, vậy mà cứ cho là của mình sáng tác, thật đúng là làm trò “thả hình bắt bóng” chẳng được gì cả, ngược lại còn làm cho người trí chê cười”. Ngài quở trách rất nặng những hạng người chỉ
biết tích lũy văn chương chữ nghĩa mà không chịu tu hành thì không đủ tư cách xuất gia.
Chư Tổ muốn chúng ta không dừng lại trên câu chữ, ngôn từ lưu loát hay “tầm chương trích cú”, mà phải nắm được nghĩa lý thâm sâu ở trong những văn tự, ngôn ngữ đó. Phải tiêu hóa được những lớp chữ nghĩa ấy thì mới có thể thấy được chỗ thâm ý của Phật, ổ muốn truyền trao.
“Càn tuệ há tránh khỏi vô thường”. Người quá thông minh dễ bị những sự hiểu biết rộng lớn của mình làm chướng ngại trên bước đường tu tập, gọi là “Sở tri chướng”. Vì có sự hiểu biết rộng, nên chúng ta thường hay ỷ lại vào đó và không chịu học hỏi kinh nghiệm của người khác chỉ bày. Trong tu tập Phật pháp, sự chấp vào hiểu biết nhiều pháp môn, thì càng khó trị hơn nữa! Nhưng dù thông minh hiểu biết rộng nhiều, cũng phải đành thúc thủ trước vô thường sinh tử. Đó chẳng phải là chỗ chắc chắn để người có trí nương tựa.
Trong việc tu học, cần phải khéo lấy cốt tủy của đạo Phật làm nền tảng và phải đạt đến chỗ “tâm can” của Phật tổ. Được như thế thì dù cho ai nói gì, tâm mình cũng an nhiên bất động.
Ngược lại, không biết được cốt tủy của đạo Phật thì dễ bị trôi dạt theo ngọn gió của tri thức, pháp môn, không biết đến bao giờ có thể dừng lại.
262 TỰ LƯỢNG KHÍ CHẤT VÀ NĂNG LỰC ĐẠO HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA 263
Cho nên, người mới bước vào tu không nên chuyên sâu vào một pháp môn, vì như vậy vô tình sẽ bám chấp vào pháp môn đã được học là số một, thầy của mình là bậc nhất và sinh tâm khinh thường, bài bác những môn khác. Cần phải học thẳng vào chỗ tâm yếu của Phật tổ, để thấy rõ con đường phải đi, không bị lầm lạc. Hoặc là sau một thời gian tu học, gom góp được một số kiến thức về ngôn từ Phật học, mỗi khi đi đến đâu chúng ta cũng dương dương tự đắc cho mình là thông thái, nhưng nào ngờ chỉ làm trò cười cho người trí tuệ. Nhớ lại lời dạy của Đại sư Liên Trì:“Đất đai đã được cải thiện phì nhiêu màu mỡ rồi, sau đó mới có thể trồng cây gieo hạt được tốt tươi. Đất tâm cũng vậy, một khi đã được tinh thuần rồi thì đạo lý mới có thể tin hiểu thọ trì. Đạo lớn Bồ-đề chí cao vô thượng mới có thể kỳ vọng thành tựu”.
Ngài Bách Trượng thăng tòa khai thị cho đại chúng. Khi Ngài nói tới câu:“Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu”, đất tâm nếu trống không thì mặt trời trí tuệ soi sáng, ngay lúc đó có một vị thầy bỗng nhiên khai ngộ tại chỗ. Ánh sáng mặt trời là biểu trưng cho chánh pháp Vô thượng của đức Phật. Có được điều này thì sự giác ngộ cùng tột mới có thể thành tựu.Tâm tinh thuần rất quan trọng. Tất cả hành động, lời nói, suy nghĩ đều nhắm thẳng một hướng tới mục đích giải thoát.
Một tâm lưu xuất ra muôn hạnh Muôn hạnh đều trở về một tâm.
Dùng một tâm để làm tất cả mọi việc và tất cả mọi việc đều trở về nơi một tâm cầu giác ngộ. Với một tâm tinh thuần như vậy sẽ giúp cho chúng ta dễ dàng tin hiểu và thọ trì được giáo pháp.