Người xuất gia cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng thờ một lý tưởng, cùng đi chung một con đường, cùng sống chung trong một không khí êm dịu hiền hòa của đạo lý giải thoát.
Hòa hợp là một yếu tố rất quan trọng gần gũi và thiết thực trong cuộc sống ở các tòng lâm, tự viện hoặc đạo tràng. Ở những nơi đó, mọi người cùng sống chung với nhau, nương tựa, đỡ đần và bảo bọc lẫn nhau để cùng tu tập. Người xưa nói:“Học thầy không tày học bạn”.
Về mặt tâm lý, đôi khi gặp những việc tế nhị, nên chúng ta không thể tâm sự chia sẻ với Thầy hoặc các vị Giáo thọ, nhưng đối với các huynh đệ cùng học thì sự trao đổi, bày tỏ và có sự cảm thông lẫn nhau là một việc dễ dàng.
Đôi khi học bạn lại hơn cả học Thầy, bởi vì huynh đệ hằng ngày cùng sống chung và làm việc với nhau, cho nên có nhiều điều kiện thuận lợi để học hỏi hoặc giúp giải đáp và tháo gỡ những gút mắc ở trong cuộc sống tu tập. Nếu không chịu mở lòng để học hỏi thì dù có ở cạnh người giỏi sự học tập của mình cũng không tiến bộ và không có được hòa hợp an vui trong cuộc sống. Khổng Tử nói:“Ba người cùng đi, tất có Thầy mình trong đó”(Tam nhân đồng hành, tắt hữu ngã sư yên).
“Thanh tịnh hòa lạc” là ý nghĩa căn bản của Tăng đoàn. Giữ gìn nội quy, giới pháp, luật nghi trong sạch thì sẽ có sự hài hòa với nhau. Từ sự hài hòa sẽ có niềm vui và tạo ra được không khí an ổn trong đại chúng. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:“Thế Tôn thành đạo liền khởi phát tư duy. Lìa dục được vắng lặng, an vui tối thắng”. Mục đích của tất cả những người xuất gia đều là đi tới chỗ an vui tối thắng đó. Vì cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng một lý tưởng, cùng đi chung con đường và cùng mục đích giải thoát, cho nên những người con Phật sẽ rất dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho nhau dù là bất cứ vấn đề khó khăn nào.
Không có tập thể hay cộng đồng nào ở trong ba ngàn thế giới này có thể sánh với Tăng đoàn (Chúng Trung Tôn), bởi vì Tăng chúng chuyên thực hành Thánh giải thoát giới và Vô thượng Pháp bảo ly dục, nên có một sức mạnh hòa hợp giải thoát thanh tịnh to lớn. Do từ nhiều đời gieo trồng căn lành cho nên ngày nay chúng ta mới
có nhân duyên thù thắng có thể sống ở trong một đại chúng hùng mạnh như thế.
Kính phàm tăng thì Thánh tăng giáng phước.Công đức của Tăng chúng rộng lớn như biển và đức Thế Tôn cũng tự xem Ngài là một thành phần của Tăng bảo, cho nên sự phỉ báng Tăng chúng là một tội rất nặng. Theo luật nhân quả tương ứng, nếu có tâm khinh thường Tăng chúng thì không bao giờ chúng ta có thể tu hành thành tựu. Ngược lại, có tâm cung kính đại chúng thì công đức đó lớn tựa như biển cả thâm sâu vô lượng.
Là anh em học Tăng cùng chung một nhà, là Linh Sơn cốt nhục quyến thuộc Bồ-đề thì cần phải mến dưới trọng trên, sống trong tinh thần lục hòa sẽ được thanh tịnh và an vui. Đừng phân biệt ta - người hoặc quen - lạ. Mỗi khi có người bệnh hoạn thì nên tận tâm chăm sóc, nếu gặp người thiếu thốn thì phải sẵn lòng giúp đỡ lo lắng.
Người cha lớn là bậc Năng-nhơn Tịch-mặc và chúng ta từ chỗ nghe biết, học hiểu và tu tập mà xuất gia, đắc được Phật pháp phần, nên gọi là Phật tử. Chúng ta đã từ nơi miệng của Thế Tôn, chư Tổ và các bậc Tôn Túc mà sinh ra là được một phần Phật pháp, nay chúng ta tu thêm một phần nữa, gọi là Phật tử Chân chánh. Tất cả người xuất gia là xương thịt ở pháp hội Linh Sơn và là bà con giác ngộ.