động tạo hình
Hoạt động chắp ghép của trẻ mẫu giáo là một dạng HĐTH tổng hợp, có mối quan hệ với các dạng HĐTH khác như: Vẽ, Xếp dán tranh, Nặn. Để xác định được vị trí của HĐCG trong các loại hình HĐTH cần tìm ra những nét tương đồng và sự khác biệt của hoạt động này.
- Nét tương đồng: Hoạt động chắp ghép và các loại hình HĐTH khác như: Vẽ, Xếp dán tranh, Nặn đều giống nhau về bản chất, là hoạt động mang tính sáng tạo nghệ thuật phản ánh những ấn tượng về cuộc sống xung quanh từ những biểu tượng, hình tượng được xây dựng dựa trên vốn kinh nghiệm tri giác kết hợp cùng cảm xúc và quá trình tư duy, tưởng tượng, thông qua các chất liệu, vật liệu tạo hình đa dạng, phong phú.
- Sự khác biệt: Hoạt động Chắp ghép mang một số nét đặc trưng khác biệt với những loại hình HĐTH khác ở những điểm sau:
+ Về phương tiện truyền cảm: Khi vẽ tranh hay làm tranh xếp dán trẻ sử dụng chủ yếu các yếu tố tạo hình như đường nét, hình mảng, màu sắc, kích thước, bố cục không gian; Khi nặn các hình tượng, trẻ thể hiện sự phối hợp các yếu tố như hình khối, độ dày, đặc hoạt rỗng của khối đa dạng, kích thước và kết cấu bề mặt, yếu tố màu sắc không phải là thiết yếu trong sản phẩm nặn. Để tạo nên sản phẩm chắp ghép truyền cảm, trẻ cần phối hợp cả hình khối, hình mảng, tỷ lệ kích thước và kết cấu bề mặt, yếu tố màu sắc cũng là yếu tố mang tính biểu cảm quan trọng trong sản phẩm chắp ghép; giống như hoạt động Nặn, trong HĐCG trẻ cần thể hiện tốt mối quan hệ không gian ba chiều của các chi tiết thành phần để tạo cấu trúc hợp lý thể hiện đặc điểm của hình tượng.
+ Về vật liệu tạo hình và kỹ thuật tạo hình: Trong hoạt động Vẽ và Xếp dán tranh, trẻ sử dụng chủ yếu vật liệu là giấy, bìa, vật liệu mỏng để tạo hình với kỹ thuật vẽ, tô màu, cắt, xé, sắp đặt và gắn vào mặt phẳng hai chiều (2D); HĐ Nặn và Chắp ghép gần gũi với nhau về chất liệu (bột nặn, một số đồ chơi nhỏ hoặc các chi tiết nhỏ để tạo hình nặn, mô hình), về kỹ thuật gắn ghép hình tượng dạng khối. Tuy nhiên trong HĐCG trẻ có thể sử dụng nhiều loại vật liệu tạo hình hơn (chi tiết đồ chơi bằng nhựa, gỗ, kim loại; phế liệu tận dụng; vật liệu từ thiên nhiên) với kỹ thuật tạo hình phức tạp hơn để tạo cấu trúc ba khối và khung cảnh phối cảnh (3D).